Ngừng việc vì lương thưởng tết: Đừng để “đốm lửa” thành “đám cháy”

Nguyệt Tạ Thứ sáu, ngày 14/01/2022 06:00 AM (GMT+7)
Đến hẹn lại lên, cận tết là thời điểm mối quan hệ lao động thường rất căng thẳng. Chỉ cần một “đốm lửa” nhỏ, công nhân, lao động tại các doanh nghiệp có thể đình công, ngừng việc bất cứ lúc nào.
Bình luận 0

Ngừng việc vì lương thưởng tết

Thời điểm cận tết, người lao động rất mong ngóng lương, thưởng tết. Tuy nhiên do bối cảnh kinh tế khó khăn, năm nay nhiều doanh nghiệp đưa ra những mức lương, thưởng tết khá "bèo". Đây được xem như là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ngừng việc của công nhân, lao động. Mới đây, hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam tại phường Hóa An, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đã ngừng việc vì không đồng ý với mức thưởng tết của doanh nghiệp này và là lần thứ 3 kể từ đầu năm 2022.

Trước đó vào ngày 7 và 8/1, hàng ngàn công nhân Công ty Pouchen tụ tập tràn từ cổng công ty ra đến Quốc lộ 1K vì mức thưởng tết năm 2022 với người lao động chỉ từ 1 đến hơn 1,5 tháng lương, trong khi các năm trước đó dao động từ 1,9 tháng lương đến 2,2 tháng lương.

Lao động Nguyễn Văn A (Công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam) cho hay: "Mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng hoạt động sản xuất của công ty gần như vẫn hoạt động bình thường. Công ty cắt giảm thưởng tết năm 2022 không qua thương lượng tập thể khiến chúng tôi rất hụt hẫng, bất bình".

Ngừng việc vì lương thưởng tết: Đừng để “đốm lửa” thành “đám cháy” - Ảnh 1.

Cận tết doanh nghiệp nên quan tâm, chia sẻ cùng người lao động. (Ảnh chụp tại Công ty chế biến gỗ Ứng Hòa (Hà Nội). Ảnh: Viết Niệm

"Trước đó, trong 2 tháng đầu năm, năm 2021 cả nước xảy ra 35 vụ ngừng việc tập thể, đình công (giảm 12 cuộc so với dịp trước Tết năm 2020). Tuy nhiên, đầu năm 2022, số vụ đình công có thể diễn biến phức tạp, tăng cao hơn do năm nay tình hình kinh tế khó khăn, vấn đề chi trả lương thưởng Tết cho công nhân tại nhiều công ty cũng giảm hơn so với tết năm 2021".

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

Theo ông Nguyễn Tấn Pháp - Chủ tịch công đoàn Công ty Pouchen Việt Nam, chế độ thưởng tết của công ty vẫn theo như thông báo từ ban đầu. Cụ thể, công nhân được thưởng từ 1 đến hơn 1,5 tháng lương. Với mức này, số tiền thấp nhất mà công nhân được nhận là gần 5 triệu đồng, cao nhất gần 20 triệu đồng. Đến sáng ngày 12/1, các công nhân đã quay trở lại cả 2 ca làm việc, không còn tình trạng đình công.

"Được sự vận động từ phía công ty, các đoàn liên ngành và công đoàn, đến nay công nhân đã quay trở lại làm việc. Sau vấn đề này, những phúc lợi gì thì công đoàn sẽ thương lượng tiếp với Ban giám đốc. Những gì công ty có trong khả năng tốt nhất thì để công nhân được hưởng"- ông Nguyễn Tấn Pháp cho hay.

Ông Tăng Quốc Lập - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, Đồng Nai cũng xảy ra một số vụ đình công. Nguyên nhân chủ yếu là do bất đồng quan điểm giữa lao động và chủ sử dụng lao động về vấn đề tăng ca, giờ làm thêm, hay như cận tết là vấn đề tiền lương, tiền thưởng tết.

"Về vấn đề này, chúng tôi đã làm việc với phía công đoàn các công ty có xảy ra đình công, ngừng việc tập thể, hướng dẫn để công đoàn tiếp tục đối thoại với lãnh đạo công ty thỏa thuận, thương lượng tập thể để đôi bên cùng có lợi nhằm xác lập quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ"- ông Lập nói.

Sự việc của Công ty TNHH Pouchen Việt Nam không phải là ngoại lệ. Như thường niên, cận tết là thời điểm nhạy cảm nhất trong quan hệ lao động. Mới đây, hàng chục y bác sĩ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh cũng đã ra đường biểu tình vì phía bệnh viện nợ lương, chưa có thông tin thưởng tết năm 2022.

Cần chăm sóc tốt hơn cho người lao động

img

Thúc đẩy thương lượng, tìm tiếng nói chung

"Sau một năm làm việc vất vả, căng thẳng, chịu nhiều thiệt hại vì dịch Covid-19, nhiều công nhân lao động cảm thấy lo lắng, hoang mang, kiệt quệ. Điều này cũng dễ hiểu vì sao họ lại đình công, ngừng việc khi thấy doanh nghiệp cắt lương hay giảm thưởng.

Tôi cho rằng vấn đề đình công là chuyện bình thường trong bối cảnh mới. Nó thể hiện việc công nhân có quyền, được nói lên tiếng nói của mình, từ đó để thúc đẩy thương lượng tập thể giữa lao động và chủ sử dụng lao động nhằm xây dựng một mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ".

Ông Phạm Minh Huân -

nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH

img

Dù không có lợi nhuận cũng phải lo tết

cho người lao động

"Qua tổng hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì năm nay hầu hết doanh nghiệp vẫn phối hợp với Công đoàn để có được mức lương, thưởng cơ bản đảm bảo cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp năm nay vì khó khăn mà lương thưởng không đáp ứng được mong muốn của người lao động. Đó là lý do mà nhiều nơi, người lao động đã ngừng việc.

Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng người lao động nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp phải coi khoản lương thưởng tết là khoản hết sức quan trọng với người lao động. Doanh nghiệp có thể phải chấp nhận ít hoặc thậm chí không có lợi nhuận để cùng chia sẻ, giúp đỡ cho người lao động được vui tết. Đây sẽ là động lực để người lao động sẵn sàng gắn bó với doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh thiếu lao động như trong hiện nay.

Về phía công đoàn, chúng tôi cũng ban hành nhiều chính sách chăm lo, hỗ trợ toàn diện cho người lao động, nhất là với những lao động có hoàn cảnh khó khăn".

Ông Ngọ Duy Hiểu -

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

Trao đổi với PV Báo NTNN về tình hình quan hệ lao động dịp Tết năm 2022, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhấn mạnh: "Từng theo dõi quan hệ lao động nhiều năm nay, tôi nhận thấy tết là thời điểm nhạy cảm, dễ phát sinh các tranh chấp tiền lương, tiền thưởng nhất. 2 năm nay (2020, 2021) tiền lương tối thiểu không điều chỉnh. Điều này làm giảm áp lực cho doanh nghiệp nhưng lại làm tăng áp lực lên lao động. Bởi vậy, một số nơi đã xảy ra tranh chấp, ngừng việc, liên quan tới tiền lương, tiền thưởng".

Ông Quảng cũng viện dẫn, ví dụ như có doanh nghiệp ở Ninh Bình không thể thực hiện thỏa ước lao động về tiền thưởng như cam kết trước đó, dẫn tới lao động đình công, hay gần đây nhất là vụ việc hàng nghìn lao động ở công ty Pouchen Việt Nam, y bác sĩ ở Bệnh viện Tuệ Tĩnh... Tuy quan hệ lao động có diễn biến xấu, nhưng ở góc độ tích cực ông Quảng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, nhiều nơi vẫn nhận thấy sự chia sẻ, cảm thông giữa doanh nghiệp và người lao động.

"Rõ ràng mức độ chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động ở nhiều doanh nghiệp cao hơn. Lao động cũng không đặt ra nhiều yêu sách, doanh nghiệp cũng cố gắng chăm lo cho lao động. Đây là tín hiệu đáng mừng trong mối quan hệ lao động" - ông Quảng hy vọng. Đánh giá về mối quan hệ lao động vào dịp cuối năm, nhận định về thái độ lao động, bà Nguyễn Lan Hương - chuyên gia lao động cho rằng người lao động nên thông cảm, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

"Sau 1 năm lao đao vì dịch bệnh, dù ít dù nhiều, doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Vì thế, người lao động cũng nên chia sẻ với doanh nghiệp. Đương nhiên, người lao động cũng rất khó khăn, nhưng nên cùng thương lượng để có tiếng nói chung chứ không nên đình công, ngừng việc"-bà Lan Hương phân tích.

Trao đổi với PV Báo NTNN, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp, ông Mai Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng cách tốt nhất để ngăn ngừa đình công, ngừng việc chính là quan tâm chăm sóc cho lao động, đặc biệt quan tâm tới vấn đề tiền lương, tiền thưởng tết.

"Tôi cho rằng mong muốn cuối cùng của người lao động khi đi làm là có lương, có thưởng và tết có tiền tiêu. Hiện nay các doanh nghiệp trong ngành dệt may có quan hệ lao động khá hài hòa. Thường lao động trong các doanh nghiệp thuộc hiệp hội đều có mức lương thưởng ổn định, thưởng tết đạt từ 12 -15 triệu đồng/người. Mức thấp nhất cũng đạt 1 tháng lương (khoảng 7-9 triệu đồng/người)"- ông Dương nói.

Theo ông Dương, hiện vấn đề tiền lương, tiền thưởng Tết không được quy định cụ thể trong Bộ luật Lao động, vì thế rất khó để thương lượng tập thể. Việc chi trả lương thưởng tết thế nào phần đa dựa vào sự "tự giác" và năng lực tài chính của doanh nghiệp. Với doanh nghiệp lớn không sao, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đây quả là một gánh nặng. Thậm chí các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn không có tiền đóng BHXH cho lao động thì nói gì tới việc thưởng tết.

"Tôi cho rằng, tổ chức Công đoàn nên đứng ra quan tâm hỗ trợ với những nhóm lao động trong các doanh nghiệp gặp khó khăn này. Qua đó hỗ trợ lao động, cùng giúp họ vượt qua khó khăn"- ông Dương kiến nghị. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem