Thói quen sưu tầm và ghi chép được ông Nguyễn Cảnh Loan bắt đầu từ năm 1945 đến nay. Đó cũng là mốc thời gian mà các sự kiện diễn ra hay liên quan đến Quảng Ninh. Và dù đã gần 90 tuổi, nhưng ông vẫn hằng ngày miệt mài với công việc này.
Người chép sử về Quảng Ninh: Kho "từ điển" được chép tay
Vào một ngày đầu tháng 9/2024, sau khi được tiếp cận với danh sách những tấm gương điển hình về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của tỉnh Quảng Ninh, tôi quyết định xin được đến thăm ông Nguyễn Cảnh Loan.
Ông Nguyễn Cảnh Loan (SN 1937, trú tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) là người nhiều tuổi nhất trong danh sách và cũng là người đang làm công việc đặc biệt - giống một người chép sử.
Tôi hẹn gặp ông lúc 8 giờ 30. Sợ tôi khó tìm vì nhà trong ngõ, lại phải lên dốc, nên ông cuốc bộ ra đón từ ngoài đường. Kể ra cũng xấu hổ, vì phải đi như chạy theo mới bắt kịp bước chân ông.
"Mệt hả. Đi đường dốc không quen nên chắc vậy thôi". Ấy là lời được người đàn ông đã gần 90 tuổi, dáng người nhỏ gầy nói với một thanh niên còn vài năm nữa mới chạm mốc trung niên.
Ông Nguyễn Cảnh Loan nguyên là Trưởng phòng Tổng hợp - Công an tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, ông còn tham gia công tác giảng dạy nên rất cẩn thận, tỉ mỉ và sự sắp xếp khoa học đã thành nếp. Cần mẫn trong suốt hàng chục năm liền, người thanh niên Hà Tĩnh khi nào đã bén duyên và tạo nên một kho "từ điển" về Quảng Ninh từ năm 1945 đến nay, hoàn toàn bằng chép tay.
"Tôi khẳng định, các anh chị có thể hỏi tôi từ năm 1945 đến nay, Quảng Ninh có sự kiện gì, chỉ trong 3 phút là tôi trả lời được ngay" - ông Loan nói và dẫn chúng tôi lên căn phòng nhỏ, rộng chừng hơn 20m2. Đây là không gian ông lưu trữ trên 4.000 đầu sách về lịch sử Việt Nam, về tỉnh Quảng Ninh và báo các loại, từ những số đầu tiên của báo Vùng mỏ, báo Hải Ninh và báo Quảng Ninh.
Để ghi nhớ, ông không chỉ đọc, chỉ nghe mà đều ghi chép lại, đặc biệt là những sự kiện nổi bật theo ngày, sắp xếp chúng theo đề mục một cách tỉ mỉ và khoa học. Toàn bộ dữ liệu về Quảng Ninh được ông ghi chép bằng tay cẩn thận theo từng năm, không bỏ sót một sự kiện nào. Toàn bộ được lưu trữ trong từng cặp file hộp, được ghi tên file cẩn thận để tiện tra cứu và cất giữ cẩn thận.
Nhiều thập kỷ tích lũy và tình yêu với mảnh đất, con người Quảng Ninh đã giúp ông có được vốn kiến thức sâu rộng. Nhờ đó, mà không biết tự lúc nào, ông Nguyễn Cảnh Loan còn được coi như một nhà người nghiên cứu lịch sử văn hóa địa phương.
Ông đã trực tiếp tham gia góp ý xây dựng lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long và các huyện Hải Hà, Vân Đồn, Hoành Bồ (cũ); tham gia biên tập chính công trình khoa học "Địa danh tỉnh Quảng Ninh" từ thời Hùng Vương đến nay (độ dày trên 1.000 trang) với trên 16.000 địa danh.
Công trình "Biên niên lịch sử tỉnh Quảng Ninh từ thời Hùng Vương đến năm 2020" (độ dày trên 400 trang), cuốn sách "Bác Hồ với phong trào thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ninh", "Đất và người Quảng Ninh", "Đường Hồ Chí Minh trên biển ở Quảng Ninh"… cũng đều có sự đóng góp công sức của ông.
Còn hiện tại, ông đang tham gia biên soạn cuốn sách "Đất và Người Quảng Ninh". Dự kiến, sách sẽ ra mắt vào năm 2025, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Vùng Mỏ (25/4/1955-25/4/2025).
Người chép sử về Quảng Ninh: "Tôi tiếc thời gian lắm"!
"70 năm qua, tôi vẫn duy trì thói quen đọc mỗi ngày, nhất là các loại báo, tạp chí nghiên cứu lịch sử, con người, an ninh, thế giới… chứ không chỉ riêng về Quảng Ninh. Tôi đọc cái gì là ghi chép cái đấy. Tôi cũng còn muốn làm nhiều việc, nhưng giờ chưa dám nói, vì tôi không biết mình có thể làm hay hoàn thành được không" - ông Loan nói mà gương mặt thoáng buồn.
Thời gian với mỗi con người là hữu hạn, nên chưa bao giờ ông dám sử dụng thời gian của mình lãng phí. "Từ năm 1993 trở đi, tôi làm việc bình quân mỗi ngày 10 tiếng, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối" - ông kể.
Và việc học với ông là chưa bao giờ ngừng nghỉ. Ông học ở mọi lúc, mọi nơi, ở mọi người, không phân biệt.
"Tôi chỉ nhắc lại câu tục ngữ "Đi một ngày đàng học một sàng khôn", đấy chính là học suốt đời. Còn đi được là còn học, không phải chỉ tuổi trẻ mà người già cũng có thể chống gậy mà đi, đi để mà học, đừng tự mãn rằng tôi học bằng này bằng kia mà quên rằng cuộc đời luôn rất phong phú" - ông tâm sự.
Không chỉ làm người yêu lao động, ham học hỏi, ông còn là tấm gương tiết kiệm. "Tôi chỉ dùng giấy một mặt để ghi chép, để cắt dán, phân loại hồ sơ, tài liệu. Tôi cũng không thích làm việc trong phòng điều hoà. Làm việc ở ngoài vườn, vừa thoáng đãng, vừa có ánh sáng mặt trời, lại còn quan sát được người ra vào" - ông Loan nói.
Nơi làm việc của ông là góc hiên bên ngôi nhà trong ngõ nhỏ yên bình. Bàn làm việc chính là mặt trên của thành lan can hiên nhà, có góc nhìn ra cổng, thoáng và nhiều gió. Công cụ làm việc là tập giấy đã viết 1 mặt, 1 cây bút, 1 chiếc radio cũ. Chỉ với nhiêu đó, ông đã để lại cho Quảng Ninh những sản phẩm đồ sộ. Và thế hệ sau sẽ có một kho tàng tra cứu lịch sử về Quảng Ninh độc bản.
Chia sẻ thêm về ông Nguyễn Cảnh Loan, bà Nguyễn Thị Tám, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố 7 (phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: "Ông Loan là tấm gương sáng về học tập suốt đời. Chính vì thế, việc ông tham gia công tác khuyến học, là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hồng Hà, đã và đang truyền cảm hứng cho mọi người và thế hệ trẻ của phường".
Chào tạm biệt người "chép sử" ra về, nhìn bàn tay thoăn thoắt viết trên mặt giấy, gương mặt tập trung khi làm việc, tôi và nhiều người khó có thể tin rằng ông đã ở độ tuổi gần 90. Học và làm theo tấm gương Bác Hồ, có lẽ chỉ cần bình dị đến vậy, như bác Nguyễn Cảnh Loan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.