Người dân không nên mua thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, không tự ý dùng thuốc

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 05/11/2021 06:08 AM (GMT+7)
Hơn 3.000 viên thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc vừa được thu giữ tại Cục Hải quan TP.HCM. Tình trạng rao bán thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 trên mạng xã hội cũng khá phổ biến...
Bình luận 0

Nhiều vụ buôn bán, vận chuyển thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 bị bắt giữ

Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua đã có hàng chục vụ buôn bán, vận chuyển thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc đã diễn ra và bị bắt giữ. 

Người dân không nên mua thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, không tự ý dùng thuốc - Ảnh 1.

Hơn 3.000 viên thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 từ nước Nga, địa chỉ nhận tại TP.HCM vừa được Hải quan TP HCM thu giữ ngày 3/11. Ảnh: Hải quan cung cấp.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng đã đưa ra cảnh báo người dân về tình trạng nhiều trang mạng xã hội đã rao bán thuốc điều trị, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 như thuốc kháng virus Molnupiravir, Liên hoa thanh ôn... chưa được cấp phép hoặc không rõ nguồn gốc. 

Ngày 3/11, Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3) - Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phối hợp với Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan TP.HCM) kiểm tra 2 kiện hàng nhập khẩu theo loại hình quà biếu, tặng.

Theo đó, các cơ quan chức năng đã phát thiện 266 hộp thuốc các loại (hơn 3.000 viên) nhập lậu, có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19.

"Các thuốc này chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành, được gắn mác hàng 'xách tay' hoặc thuốc đang trong thời gian thử nghiệm lâm sàng, được rao bán với giá vài triệu đồng một hộp", đại diện Cục Quản lý Dược cho biết. 

Vị này cũng khuyến cáo người dân không nên mua và sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, dùng thuốc không được Bộ Y tế cấp phép, dùng thuốc không có kê đơn của bác sĩ.

Người dân có nên tự ý dùng thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19

Về việc dùng thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), người dân cần tỉnh táo khi lựa chọn mua các thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, tránh mua thuốc trôi nổi, điều trị không hiệu quả, khiến cho "tiền mất tật mang".

Người dân không nên mua thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, không tự ý dùng thuốc - Ảnh 3.

Việc sử dụng thuốc điều trị, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 phải được các bác sĩ kê đơn và theo dõi. (Điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM. Ảnh BYT)

"Người bệnh chỉ nên sử dụng các loại thuốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Càng không nên nghe theo các "đơn thuốc" điều trị Covid-19 trôi nổi trên mạng xã hội để tự mua thuốc về điều trị. Điều này khiến virus SARS-CoV-2 không được tiêu diệt mà còn khiến người bệnh có nguy cơ ngộ độc thuốc, mắc các bệnh có hại khác", bác sĩ Khanh chia sẻ.

Về việc dùng thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, người dân tự ý mua và dùng thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 rất nguy hiểm.

Theo bác sĩ Phúc, thuốc kháng virus dạng tiêm truyền như Remdesivir, chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ dựa trên tình trạng bệnh nhân. Thuốc cũng chống chỉ định với một số bệnh nhân quá mẫn với các thành phần của thuốc... nên nếu người dân không nắm được, tùy tiện sử dụng rất nguy hiểm.

Thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 ở Việt Nam hiện nay có thuốc gì?

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị được cập nhật lần thứ 7 mới nhất do Bộ Y tế (ban hành ngày 6/10) có đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 1 số loại thuốc kháng virus. Đây là các thuốc dùng trong tình huống khẩn cấp đã được công nhận trên thế giới như Remdersivir, thuốc Molnupiravir, Favipiravir đưa vào điều trị có kiểm soát trong cộng đồng, cùng với các thuốc kháng đông, kháng viêm…

Người dân không nên mua thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, không tự ý dùng thuốc - Ảnh 4.

Thuốc kháng virus Remdesivir (của Mỹ) được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh BYT

Trong đó, có 3 thuốc kháng virus được đưa vào hướng dẫn gồm: Remdesivir dùng cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng; Favipiravir dùng cho bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ trung bình và Molnupiravir dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản ký khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: "Các thuốc kháng virus này giúp giảm tải lượng virus, chứ không phải là diệt virus. Đặc biệt, thuốc Molnupiravir cũng được quy định là không dùng cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu, phụ nữ đang có kế hoạch có thai".

"Người dân tuyệt đối không mua thuốc trôi nổi trên thị trường và tự ý dùng thuốc khi mắc Covid-19. Với cách sử dụng các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 khác nhau, đều phải có sự kiểm soát của nhân viên y tế để áp dụng đúng trong các trường hợp cụ thể", PGS Khuê khuyến cáo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem