Ngắm không hết, chế biến hoa hồng hữu cơ kiếm tiền triệu
Người phụ nữ chán ngắm loài hoa tình yêu, đem đi ướp khô thành trà cực sạch thơm và cái kết đầy bất ngờ
Nguyên Vỹ
Thứ bảy, ngày 26/09/2020 07:05 AM (GMT+7)
Một buổi sáng tinh sương, thưởng thức ly trà hoa hồng ngay cạnh vườn hoa hữu cơ đang khoe màu rực rỡ, du khách tưởng mình lạc vào vườn hồng Đà Lạt ngay giữa miền cao tỉnh Bình Phước.
Đó là vườn hồng của chị Đỗ Thị Thu Hải ở xã Lộc Quang (huyện Lộc Ninh).
Chị Hải kể, cây trong vườn là giống hồng tường vi. Đặc trưng của hồng tường vi là sắc hồng đỏ. Những bông hồng với rất nhiều cánh mỏng đan xen, xếp chồng lên nhau theo một trụ tròn. Vẻ đẹp ấy càng trở nên thu hút khi các bông hoa nở rộ và bung hết cánh.
Hoa hồng tường vi khá thơm. Đó là hương thơm dịu nhẹ chứ không nồng, không hắc. Hồng tường vi lại rất sai bông và có thể ra hoa quanh năm.
Tận dụng khu vườn trống trước nhà, ban đầu, chị Hải trồng hoa chỉ để làm cảnh. Thế nhưng, nhược điểm của hồng tường vi khá chóng tàn so với các loại hồng khác, chỉ tươi được 2-3 ngày thì rụng.
Nhìn hoa rụng thì tiếc, chị Hải mới nghĩ đến việc chế biến thành sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Được biết, trà hoa hồng sẽ giúp bổ sung nhiều dưỡng chất cần thiết giúp làn da tươi trẻ mỗi ngày. "Trong nước trà hoa hồng có chứa một lượng lớn vitamin A và C, cùng các chất chống lão hóa da, nên chị em phụ nữ rất thích", chị Hải nói.
Ban đầu là thu hoạch, phơi khô để làm trà hoa hồng, rồi chị đầu tư dụng cụ chiết xuất tinh dầu hoa hồng. Mày mò học tập trên mạng, qua các đối tác; kết quả là những sản phẩm organic từ hoa hồng cứ lần lượt ra đời. Sản phẩm chưa nhiều nên chị vẫn đang cung cấp khi có khách đặt hàng online.
Chị Từ Thị Nhiếm ở xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh, Đồng Nai) cho biết, khí hậu ôn hòa ở những ngọn đồi cao 250-300m trong vùng cũng rất phù hợp với hoa hồng hoặc những loại cây trồng xứ lạnh.
Lúc đầu chị Nhiếm chọn một vuông đất trên đỉnh đồi để trồng hoa hồng cho vui. Đến giờ, vườn hồng của mình cũng đẹp không khác gì hoa hồng ở Đà Lạt.
Theo chị Nhiếm, hoa hồng tường vi có thể ra hoa quanh năm; cây có sức vươn cành tốt và có tuổi thọ rất lâu. Thấy tiếc khi để lãng phí nguồn hoa sạch nên chị Nhiếm tìm cách chế biến để giữ được hoa lâu hơn, nhiều công dụng hơn.
Với 1.200 gốc hồng, hàng tháng, chị Nhiếm vừa làm vừa chơi cũng cho ra khoảng 10 lít sản phẩm nước hoa hồng và khoảng 3-5 kg trà hoa hồng, cho thu nhập từ 10-15 triệu đồng mỗi tháng.
Đồng tình, chị Thu Hải khẳng định, nếu trồng bằng phương pháp hữu cơ sẽ giúp hoa tươi lâu, có mùi thơm đậm đà hơn. Đặc biệt là các sản phẩm chế biến từ hoa hồng càng giúp người dùng tin tưởng.
Từ hồ tiêu, cây ăn trái cho tới các loại hoa kiểng khác đều chăm sóc từ các phế phẩm thực vật tận dụng ngay tại địa phương. Ngay cả thuốc trừ sâu cũng là chế phẩm sinh học từ dầu neem khiến côn trùng, sâu bọ tự bỏ đi thay vì tiêu diệt.
Bà Huỳnh Thị Thu Cam - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Lộc Quang đánh giá trồng hoa hồng hữu có là cách làm chủ động chuyển đổi mô hình, tự chế biến kinh doanh sản phẩm của mình làm ra để cải thiện đời sống.
"Thành công của mô hình như của chị Hải vừa làm đẹp cho thiên nhiên, vừa góp phần tạo dựng động lực, giúp các nông hộ khác có thể xây dựng ý tưởng phát triển kinh tế hiệu quả", bà Cam chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.