Theo Bộ NNPTNT, năm 2021, diện tích trồng nhãn ở các tỉnh phía Nam khoảng 35.400ha, sản lượng 325.000 tấn. Riêng ĐBSCL có khoảng 24.7000ha, cho sản lượng 240.000 tấn.
Khó khăn vì vận chuyển
Cuối tháng 6, ông Nguyễn Văn Hậu ở xã Trường Đông, TX.Hòa Thành (Tây Ninh) nhận được yêu cầu cung cấp trái nhãn từ một doanh nghiệp để tiêu thụ tại TP.HCM.
Sau khi thống nhất giá bán 30.000 đồng/kg, ông Hậu gửi mẫu xuống để doanh nghiệp đánh giá chất lượng trước khi quyết định đặt mua số lượng lớn.
Những mùa nhãn trước, ông Hậu sẵn sàng thu hoạch, đóng thùng rồi gọi xe chở thẳng xuống TP.HCM. Nhưng mùa này, khi doanh nghiệp đặt vấn đề giao hàng thì hàng loạt rắc rối phát sinh.
Khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 15, xe chở hàng của Tây Ninh chỉ có thể dừng lại tại địa bàn ấp Suối Sâu, xã An Tịnh (huyện Trảng Bàng). Đây là địa bàn giáp ranh với huyện Củ Chi (TP.HCM). Nếu vượt qua ranh giới này để giao hàng, khi quay về lại Tây Ninh, tài xế sẽ bị cách ly y tế.
Còn nếu dừng lại giao hàng ở ấp Suối Sâu, công ty thu mua phải phải thuê xe lên Củ Chi vận chuyển hàng về kho trong nội thành. Phương án này làm giá thành đội lên nên không được chấp nhận.
Khi Sở Công Thương 2 địa phương kết nối tiêu thụ nông sản trở lại, 200kg nhãn đầu tiên của ông Hậu cũng đã về tới TP.HCM.
Tuy nhiên, con số này chẳng đáng là bao khi cả mùa vụ đang chờ chín rộ. Trong khi chợ đầu mối, chợ truyền thống TP.HCM đóng cửa hàng loạt.
Khi Tây Ninh cùng 18 tỉnh khác ở phía Nam thực hiện Chỉ thị 16, nếu giải quyết được khâu vận chuyển thì ông Hậu lại gặp khó khăn khác.
Ông Hậu kể, muốn bán hàng vào siêu thị ngay trong tỉnh cũng khó khăn vì nơi này đang thiếu người để bán hàng và phân loại hàng hóa.
Nguyên nhân do một số nhân viên bị cách ly hoặc không thể đến được nơi làm việc. Từ xã này qua xã khác không còn dễ vì mỗi xã đều lập trạm để kiểm soát ra vào.
Ông Hậu cho biết: "Nhiều nhà vườn như ông đang rất lo lắng khi trái nhãn chín rộ. Việc tiêu thụ khó khăn sẽ làm trái nhãn rớt giá như nhiều mặt hàng trước đó".
Tương tự, ông Đặng Văn Liêm – Giám đốc HTX Nhãn lồng và Chế biến nông sản Làng nghề Điện Biên (TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) kể, ông cũng vừa nhận được đơn hàng nhãn lồng từ TP.HCM.
Những ngày qua, ông Liêm đi tìm khắp TP.Hưng Yên vẫn không có xe để vận chuyển nhãn lồng vào Nam. Ông Liêm tìm đến các xe tải thường hoặc xe tải lạnh nhưng họ cũng không nhận chở hàng.
Lý do vì đường xa, lại đi qua nhiều chốt trong khi các mặt hàng nông sản dễ hư hỏng khi vận chuyển đường dài. Nhà xe không muốn chịu thêm phần bồi thường thiệt hại với khách hàng.
Còn vận chuyển bằng đường sắt cũng không dễ vì mỗi ngày, ga Hà Nội chỉ có 1 chuyến tàu. Trong khi xe tải không thể chở hàng vào Hà Nội được theo chỉ thị 16. Xe chở hàng chỉ đến được TP.Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), cách Hà Nội hơn 60km.
"Đơn hàng 500kg nhãn lồng đầu tiên vào Nam đến giờ vẫn chưa biết tính sao", ông Liêm nói.
Giá nhãn giảm khắp nơi
Tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu), ông Phan Thế Hoành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch Vụ Nhân Tâm - cho biết, thị trường chính của HTX là ở TP.HCM. Từ cuối tháng 4, dịch Covid-19 đã khiến việc tiêu thụ nhãn của HTX gặp nhiều khó khăn.
Đầu mùa, giá nhãn xuồng ở Bà Rịa giao động từ 35.000-37.000 đồng/kg. Nhưng giá bán có xu hướng giảm dần. Hiện có một số vườn nhãn chín quá phải bán tại chợ địa phương với giá 20.000 đồng/kg.
Theo thống kê của Sở NNPTNT Bà Rịa-Vũng Tàu, toàn tỉnh có gần 1.500ha nhãn. Trong đó, nhãn xuồng cơm vàng chiếm trên 70% diện tích.
Xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân là vùng chuyên canh nhãn lớn nhất tỉnh Bình Thuận với tổng diện tích toàn xã là 225ha.
Trong đó, có 85ha nhãn xuồng đang vào mùa thu hoạch, ước sản lượng khoảng 1.500 tấn; và 142ha nhãn da bò ước sản lượng 3.500 tấn sẽ cho thu hoạch vào giữa tháng 8.
Những mùa nhãn trước, cứ vào vụ thu hoạch, thương lái ở các tỉnh giáp ranh vào tận vườn để xem và trả giá.
Năm nay, các tỉnh thành lân cận thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 và 16 nên thương lái không thể quay lại thu mua như trước.
Những thương lái trong vùng cũng không thể vận chuyển sang khu vực giáp ranh để cung ứng vì lưu thông bị trở ngại do quy định trong công tác phòng chống dịch.
Ông Lê Đình Hồng, thành viên tổ hợp tác Nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải kể, sản lượng nhãn xuồng toàn xã mỗi năm hơn 200 tấn; giá bán từ 40.000-50.000 đồng/kg.
Hiện giá nhãn đang giảm thấp, chỉ còn khoảng 15.000-20.000 đồng/kg, giảm hơn 1/2 so với thời điểm chưa có dịch.
Ở ĐBSCL, giá nhãn các loại cũng đang giảm sâu tại các tỉnh trồng nhãn như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng... Tại Sóc Trăng, giá nhãn xuồng chỉ còn 13.000-15.000 đồng/kg; nhãn Idor còn 7.000 đồng/kg.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng- cho biết toàn tỉnh có khoảng 1.000ha nhãn; sản lượng 4.000 tấn. Hiện nay, giá bán đang giảm 50% so vụ trước và tiêu thụ khó khăn.
Sở NNPTNT Sóc Trăng đang phối hợp với các sở ngành liên quan cả trong và ngoài tỉnh tìm giải pháp thu mua, vận chuyển, giao nhận trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay.
Việc tổ chức kết nối tiêu thụ trái vải thiều vừa qua ở các tỉnh phía Bắc là kinh nghiệm quý. "Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng đang chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án chủ động tiêu thụ bằng cách kết nối với doanh nghiệp, bán thông qua sàn giao dịch điện tử, đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn", ông Nhã cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.