Nhiều ngân hàng lãi “khủng” trong quý 2, bất ngờ với lợi nhuận nhóm Big 4

Quốc Hải Thứ năm, ngày 14/07/2022 09:39 AM (GMT+7)
Ước tính kết quả kinh doanh quý 2 của SSI Research cho thấy, nhóm ngân hàng đa phần có lợi nhuận “khủng” lên tới vài chục phần trăm so với cùng kỳ. Riêng nhóm Big 4, Vietinbank là nhà băng gây chú ý khi có lợi nhuận trước thuế ước tính tăng tới 68% so với cùng kỳ…
Bình luận 0
Nhiều ngân hàng lãi “khủng” trong quý 2, bất ngờ với lợi nhuận nhóm Big 4 - Ảnh 1.

Vietinbank là nhà băng gây chú ý khi có lợi nhuận trước thuế ước tính tăng tới 68% so với cùng kỳ. Ảnh: Vietinbank

Theo giới chuyên môn, sở dĩ các ngân hàng vẫn ''kiếm đậm'' trong 2 quý vừa qua nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức mạnh nhất trong nhiều năm gần đây. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng toàn nền kinh tế tính đến hết ngày 30/6 đạt 11,4 triệu tỷ, tăng 9,35% so với cuối năm 2021 và cao hơn nhiều so cùng kỳ năm trước (6,9%).

Bất ngờ với lợi nhuận trước thuế của 3 "ông lớn" ngân hàng nhóm Big 4

Dữ liệu từ SSI Research vừa công bố về ước tính lợi nhuận trước thuế quý 2/2022 của các doanh nghiệp niêm yết mà đơn vị này nghiên cứu cho thấy, nhóm ngân hàng vẫn đạt mức lợi nhuận "khủng" lên tới hàng chục phần trăm so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhóm big 4 với những cái tên như Vietinbank, Vietcombank, BIDV vẫn gây chú ý nhất.

Cụ thể, ở nhóm Big 4, ước tính lợi nhuận trước thuế của Vietinbank (CTG) trong quý 2/2022 sẽ đạt 4,6 - 4,7 nghìn tỷ đồng (tăng 68% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, SSI Research cũng lưu ý rằng mức tăng trưởng mạnh mẽ này là do mức cơ sở thấp trong quý 2/2021.

Với Vietcombank (VCB), ước tính lợi nhuận trước thuế trong quý 2 ở mức 7 - 7,3 nghìn tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ). Kết quả này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (tăng 13-14% so với đầu năm), hệ số LDR tăng lên (tăng trưởng huy động chỉ ở mức 3-4% so với đầu năm), và áp lực trích lập dự phòng thấp.

Chưa kể, tỷ lệ nợ xấu ổn định, trong khi các khoản vay tái cấu trúc giảm 62% xuống chỉ còn 4 nghìn tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng lãi “khủng” trong quý 2, bất ngờ với lợi nhuận nhóm Big 4 - Ảnh 2.

Ước tính LNTT của HDBank đạt 2,5 - 2,7 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2022. Ảnh: HDBank

Còn với BIDV, ước tính lợi nhuận trước thuế trong quý 2/2022 của nhà băng này đạt 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ). Tăng trưởng của nhà băng này nhờ hệ số LDR tăng lên (tăng trưởng tín dụng đạt 9-10% và tăng trưởng huy động là 2,6%) và chi phí tín dụng giảm. Chất lượng tài sản được kỳ vọng sẽ cải thiện, với nợ xấu ổn định và các khoản nợ tái cơ cấu Covid-19 giảm mạnh.

Lợi nhuận trước thuế nhóm NHTM cổ phần cũng tăng hàng chục phần trăm

Với các NHTM cổ phần, mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý 2/2022 cũng tăng hàng chục phần trăm so với cùng kỳ.

Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), nhà băng này đã sử dụng phần lớn hạn mức tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6 năm 2022 (tăng 10% so với đầu năm, đồng thời tăng 16% so với cùng kỳ). Điều này cho phép ngân hàng đạt được mức tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động (TOI) ở mức tương đối tốt.

Trong khi đó, áp lực trích lập dự phòng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp đối với ACB do tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt, chỉ ở mức 0,7-0,8%. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ACB dự kiến đạt 5 nghìn tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ).

Tại thời điểm cuối quý 2/2022, tăng trưởng tín dụng và huy động tại HDBank (HDB) ở mức khá cao, lần lượt đạt 15% và 12% so với đầu năm, nhờ đó lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này ước tính đạt 2,5 - 2,7 nghìn tỷ đồng.

Tình hình cũng rất khả quan với Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) khi dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5,2 - 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 53-64% so với cùng kỳ) trong quý 2/2022. Kết quả này có được  nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (tăng 15% so với đầu năm, tăng 29% so với cùng kỳ) và NIM cao. CASA cao sẽ hỗ trợ cho ngân hàng khi lãi suất có xu hướng tăng.

Trong khi đó, tại Techcombank (TCB), do đã gần sử dụng hết hạn mức tín dụng kể từ quý 1/2022. Vì vậy, SSI Research dự báo trong quý 2/2022 TCB sẽ phải xoay sở trong hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại là khá hạn chế.

Hoạt động kinh doanh trái phiếu có khả năng không thuận lợi do giao dịch trên thị trường trầm lắng trong thời gian này. Tuy nhiên, do nguồn cung tín dụng hạn chế, lãi suất cho vay có thể đã được điều chỉnh tăng đối với một số phân khúc để đảm bảo NII (Thu nhập lãi thuần) tăng trưởng khá. 

Vì vậy, ước tính TCB có thể đạt lợi nhuận trước thuế là 7-7,2 nghìn tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ) trong quý 2/2022.

Nhiều ngân hàng lãi “khủng” trong quý 2, bất ngờ với lợi nhuận nhóm Big 4 - Ảnh 4.

Các ngân hàng vẫn ''kiếm đậm'' trong 2 quý vừa qua nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức mạnh nhất trong nhiều năm gần đây... Ảnh: HDBank

Tính đến cuối tháng 5 năm 2022, tổng tiền gửi tại TPBank (TPB) đạt 189 nghìn tỷ đồng, tăng 6,87% so với đầu năm. Trong khi đó, tín dụng tăng với tốc độ nhanh hơn (tăng 11,4% so với đầu năm), đạt 179 nghìn tỷ đồng. Chất lượng tín dụng được kiểm soát ở mức xấp xỉ 1%.

Cơ sở khách hàng của TPB đã tăng thêm 1 triệu khách trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2022, và 40% trong số đó là khách hàng giao dịch trực tuyến. Điều này giúp tổng giá trị giao dịch tăng đáng kể. Theo đó, LNTT ước tính tăng 37% lên 2,2 nghìn tỷ đồng.

Tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 2,7 nghìn tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ) trong quý 2/2022, và lũy kế cho 6 tháng đầu năm 2022 sẽ là 5 nghìn tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ). Điều này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng cao (hơn 9,5% so với đầu năm) và NIM ổn định khoảng 4,4%

Riêng tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), ước tính LNTT sẽ đạt 1,6 - 1,7 nghìn tỷ đồng (giảm 14% so với cùng kỳ) trong quý 2/2022. 

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng lợi nhuận trước thuế giảm chủ yếu là do hơn 1,5 nghìn tỷ đồng phí trả trước của một hợp đồng bancassurance độc quyền đã được ghi nhận trong quý 2/2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem