"Ở Việt Nam tư duy quan niệm về ngân hàng rất khác người"

Huyền Anh Thứ năm, ngày 14/07/2022 07:11 AM (GMT+7)
Việc luật hóa xử lý nợ xấu Việt Nam quan trọng hơn quốc tế, theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đó là bởi "Việt Nam tư duy quan niệm về ngân hàng rất khác người". Đa số các quan điểm hiện nay ủng hộ bên đi vay nhiều hơn bên cho vay.
Bình luận 0

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.a

Luật hóa Nghị quyết 42, để bịt 'kẽ hở' về xử lý nợ xấu

Đánh giá cao kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của các tổ chức tín dụng, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, cần thiết phải áp dụng những nội dung trong Nghị quyết 42 để tiếp tục xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là khi Nghị quyết 42 hết thời hạn được kéo dài thì sẽ thế nào? Bởi theo ông Hùng một thực tế không thể phủ nhận là trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42, khách hàng đã có kinh nghiệm hơn, nhận thấy nhiều kẽ hở hơn.

"Thời gian đầu khi xử lý Nghị quyết 42 việc bàn giao, xử lý tài sản rất thuận lợi, nhưng nửa sau thực hiện thì phát sinh ra rất nhiều trường hợp như có tình tiết mới trong quá trình tranh tụng để không xử lý rút gọn được, nào không thể thu giữ được tài sản, khách hàng tìm mọi cách để không thể bàn giao tài sản bảo đảm cho các tổ chức tín dụng, thậm chí VAMC cũng không làm được, mặc dù các cấp chính quyền vào cuộc rất quyết liệt. Thật sự ý thức của khách hàng đối với tổ chức tín dụng được nâng lên nhưng cần đưa vào kỷ cương", Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nêu vấn đề.

"Ở Việt Nam tư duy quan niệm về ngân hàng rất khác người" - Ảnh 1.

Dự báo nợ xấu năm 2022 của 29 ngân hàng thương mại. (Nguồn: NHNN Viện Nghiên cứu, Đào tạo BIDV).

Bàn về vấn đề này, dẫn số liệu tại buổi đối thoại chuyên đề: "Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm" do Vneconomy tổ chức, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, TS Cấn Văn Lực dự báo nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%.

Đáng chú ý, mặc dù nợ xấu nội bảng có vẻ như đang giảm từ 2,34% từ năm 2017 xuống còn 1,4% tính đến hết quý I/2022 nhưng tháng 6 vừa qua Thông tư 14 đã hết hiệu lực. Nếu Thông tư này không được gia hạn, những khoản nợ lẽ ra không phải chuyển nhóm sẽ phải chuyển nhóm, như vậy nợ xấu đương nhiên sẽ tăng.

Trước những rủi ro bất định trong thời gian sắp tới, TS Cấn Văn Lực cho rằng nếu không luật hóa Nghị quyết 42 thì sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý, từ đó gây khó khăn trong việc xử lý nợ xấu.

"Nợ xấu là vấn đề liên tục. Làm nghề kinh doanh tiền tệ đó là rủi ro mà là rủi ro sẽ luôn luôn tiềm ẩn. Vì thế các ngân hàng nước ngoài chấp nhận tỷ lệ rủi do nợ xấu đâu đó khoảng 2 - 3 %. Nợ xấu liên tục xảy ra chứ không phải chỉ có thời kỳ kinh tế khó khăn. Mà như thế ta phải có một khung pháp lý cho chứ không phải để cho cộng dồn tích tụ tạo nên những nguy cơ, những điểm tắc nghẽn cho kinh tế quốc gia.

Hơn nữa, bây giờ quy mô nợ xấu tuyệt đối rất là khác. Nếu chúng ta không luật hóa xử lý nợ xấu mà lại quay trở về dùng những luật cũ ví dụ luật dân sự, luật doanh nghiệp tôi nghĩ rằng lúc đó sẽ cực kỳ lúng túng và chồng chéo", TS. Cấn Văn Lực phân tích thêm.

"Ở Việt Nam tư duy quan niệm về ngân hàng rất khác người" - Ảnh 2.

TS Cấn Văn Lực chia sẻ tại buổi đối thoại chuyên đề: "Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm" do Vneconomy tổ chức.

Cũng theo vị chuyên gia này, qua khảo sát kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia này không cần có luật riêng về xử lý nợ xấu nhưng luật pháp của họ rất mạnh; hiệu lực, hiệu quả rất rõ rệt. Trong khi đó hệ thống luật pháp của Việt Nam còn chồng chéo và tính hiệu lực, hiệu quả chưa tốt. Chính vì thế, Việt Nam cần xây dựng các giải pháp đặc thù như Nghị quyết 42.

Bên cạnh đó, luật hóa Nghị quyết 42 sẽ tăng hiệu quả xử lý nợ xấu; qua đó, tăng nguồn lực để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và tiết giảm chi phí cho hệ thống tổ chức tín dụng, các bên liên quan.

"Chúng ta chỉ có thể luật hóa và làm tốt xử lý nợ xấu với điều kiện khâu xử lý phá sản doanh nghiệp của Việt Nam phải tốt hơn," ông Lực nhận định. Theo thống kê gần đây, Việt Nam giải quyết phá sản rất chậm chạp, khiến cho nợ xấu tồn động do doanh nghiệp không dứt điểm trong việc phát mại, xử lý tài sản.

TS. Cấn Văn Lực đề xuất lộ trình luật hóa Nghị quyết 42 theo hai bước.

Đầu tiên gia hạn, điều chỉnh và cập nhật phù hợp Nghị quyết 42 với thời gian hạn đến hết năm 2023 để có thời gian rà soát và chuẩn bị dự thảo Luật.

Song song quá trình chuẩn bị luật hóa cần kịp thời tháo gỡ các vướng mắc nêu trên hoặc bổ sung một chương về xử lý nợ xấu trong Luật các TCTD sửa đổi sắp tới.

"Ở Việt Nam tư duy quan niệm về ngân hàng rất khác người"

Đề cập thêm về lý do vì sao việc luật hóa xử lý nợ xấu của Việt Nam lại có ý nghĩa quan trọng hơn quốc tế. Theo TS. Cấn Văn Lực là bởi " Ở Việt Nam tư duy quan niệm về ngân hàng rất khác người".

"Việt Nam chúng ta đa số các quan điểm hiện nay ủng hộ bên đi vay nhiều hơn bên cho vay, tức là có vẻ như mối quan hệ không được bình đẳng, cho nên mỗi khi xử lý nợ xấu đưa ra tòa tổ chức tín dụng luôn luôn bị coi là tội phạm. Đây là thực tiễn bởi vì nằm ở vấn đề tư duy.

Tôi hay nói vui với anh em đây giống như coi bên đi vay là người đi bộ còn bên cho vay là người đi ô tô kiểu gì ông cũng có lỗi. Tư duy đó tôi nghĩ là phải thay đổi. Nếu không chúng ta mãi mãi không giải quyết được câu chuyện xử lý nợ xấu", vị chuyên gia này cho hay.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XV cho rằng, để xây dựng khung pháp lý về nợ xấu, việc đầu tiên là cần đề cao, phải tôn trọng, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của cả hai bên - ngân hàng và cả những người đi vay nợ. Đây là quyền và lợi ích hợp pháp đều phải được bảo đảm, chứ không đề cao ai hơn ai.

"Ở Việt Nam tư duy quan niệm về ngân hàng rất khác người" - Ảnh 4.

Theo Nghị quyết của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ phải hoàn thiện khung khổ pháp lý trên cơ sở kế thừa các chính sách của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng và các luật liên quan để trình kết quả đề xuất lên Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 5 (tháng 5/2023).

Dưới góc nhìn của cơ quan điều hành, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong quá trình nghiên cứu, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy cần luật hóa toàn bộ nội dung của Nghị quyết 42. Trong đó, bổ sung một số nội dung như: quyền xử lý tài sản bảo đảm của các dự án là bất động sản; thu giữ tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn.

Chẳng hạn, với trình tự xử lý rút gọn tại tòa đang áp dụng đối quyền tranh chấp tài sản sản, tranh chấp quyền thu giữ tài sản, nhưng tranh chấp hiện nay của các tổ chức tín dụng là tranh chấp về hợp đồng tín dụng. Do đó, các chính sách trong Nghị quyết 42 cũng cần sửa đổi bổ sung trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu.

Song song với đó, cần sửa đổi luật lệ có liên quan đảm bảo tính đồng bộ. Các chuyên gia kỳ vọng khi bàn thảo sửa đổi ba luật quan trọng (Luật đất đai, Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản), Ngân hàng Nhà nước sẽ vào cuộc, trong quá trình thảo luận những vấn đề liên quan đến tổ chức tín dụng cần đề nghị sửa ngay.

Theo Nghị quyết của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ phải hoàn thiện khung khổ pháp lý trên cơ sở kế thừa các chính sách của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng và các luật liên quan để trình kết quả đề xuất lên Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 5 (tháng 5/2023).

Sau đó, Quốc hội cho ý kiến hoàn thiện và thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023, nhằm tránh khoảng trống pháp lý xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem