Nhiều nơi sạt lở nghiêm trọng, ngành chức năng Long An thi công gấp 10 tuyến kè

Thiên Long Chủ nhật, ngày 21/07/2024 11:04 AM (GMT+7)
Long An còn nhiều dự án đê, kè cần cấp bách đầu tư xây dựng để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, đáp ứng yêu cầu bảo đảm ngăn mặn, bảo vệ tài sản, tính mạng người dân.
Bình luận 0

Theo Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT Long An, tỉnh đang triển khai và tiếp tục thi công 10 tuyến kè phòng, chống sạt lở tập trung ở một số địa bàn trọng điểm: Huyện Bến Lức, Tân Thạnh, Cần Đước, Đức Hòa và TP. Tân An với tổng chiều dài 13.794m.

Nhiều nơi sạt lở nghiêm trọng, ngành chức năng Long An thi công gấp 10 tuyến kè- Ảnh 1.

Một đoạn sạt lở dài 200m sông Vàm Cỏ Tây, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa. Ảnh: Thiên Long

Qua rà soát từ các địa phương, trên địa bàn Long An còn nhiều dự án đê, kè cần cấp bách đầu tư xây dựng để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, đồng thời, đáp ứng yêu cầu bảo đảm ngăn mặn, bảo vệ tài sản, tính mạng người dân.

Cụ thể đó là, xử lý sạt lở bờ kênh Nước Mặn, xã Phước Đông, huyện Cần Đước; kè bảo vệ bờ sông Vàm Cỏ Tây TP.Tân An; xử lý sạt lở bờ sông Cần Giuộc thuộc thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc; xử lý sạt lở bờ kênh Bảo Định nối liền từ TP. Tân An đến giáp ranh Tiền Giang.

Nhiều nơi sạt lở nghiêm trọng, ngành chức năng Long An thi công gấp 10 tuyến kè- Ảnh 2.

Đoạn sạt lở bờ kênh xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, người dân tự làm bờ kè để đi lại. Ảnh: Thiên Long

Khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh có dự án xây dựng kè từ sông Lò Gạch đến cầu Kênh 28; dự án chống sạt lở cụm dân cư Bình Châu (đoạn từ cầu Bình Châu sông Vàm Cỏ Tây đến cầu qua kênh 28; dự án kè chống sạt lở bờ Nam sông Vàm Cỏ Tây; dự án xử lý sạt lở, bảo vệ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa.

Nhiều nơi sạt lở nghiêm trọng, ngành chức năng Long An thi công gấp 10 tuyến kè- Ảnh 3.

Sạt lở ven sông Vàm Cỏ Tây đoạn qua xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa. Ảnh: Thiên Long

Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An Võ Kim Thuần cho biết, sạt lở liên tục xảy ra ở một số tuyến sông, kênh rạch của tỉnh.

Các vị trí sạt lở thường nằm trong khu vực có đoạn sông cong, lõm, dưới tác động của dòng chảy, triều cường lên xuống hàng ngày kết hợp số lượng tàu, thuyền, sà lan tải trọng lớn lưu thông qua lại ngày, đêm, chạy với vận tốc lớn... Bên cạnh đó, vài năm gần đây, mực nước sông, kênh, rạch xuống thấp làm cho đất dưới lòng kênh bị xói mòn cuốn trôi, tạo thành hố sâu, hở hàm ếch gây ra sạt lở nghiêm trọng.

Ông Võ Kim Thuần cho biết thêm, một số nguyên nhân khác như quản lý chưa chặt chẽ trong các hoạt động khai thác cát, sỏi ở lòng sông, bãi sông; thói quen xây dựng nhà ở, các công trình phụ trợ lấn chiếm bờ sông, kênh, rạch;... làm gia tăng tải trọng, gây đứt gãy kết cấu nền đất tiếp giáp sông dẫn đến sụt lún, sạt lở.

Đầu tháng 6/2024, xảy ra sạt lở đê bao ven sông Vàm Cỏ Tây thuộc khu vực ấp Phú Xuân 1, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, có đoạn cuốn trôi nửa thân đê, đe dọa 50 hộ dân đang sinh sống cùng hàng trăm hécta đất trồng thanh long.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, Long An xảy ra 10 vụ sạt lở. Sạt lở, sụt lún đã gây thiệt hại nhiều tài sản, nhà cửa, đất đai của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem