Nhiều nông dân mất niềm tin vào cây “xóa đói giảm nghèo” vì càng trồng càng nghèo

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 09/03/2024 19:02 PM (GMT+7)
Thời tiết càng bất ổn, cây điều càng thất thu. Nhiều nông dân mất niềm tin vào cây “xóa đói giảm nghèo” này, vì càng giữ cây càng gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Giữ cây điều, lo mất mùa

Ông Vũ Đăng Giới, nông dân trồng điều thị trấn Long Giao (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai), cho biết cây điều rất mẫn cảm với thời tiết. Đã có không ít vụ điều thất bát vì mưa trái mùa, sương lạnh.

Vụ điều năm 2023-2024 nắng nhiều, nông dân kỳ vọng một mùa điều bội thu. Thế nhưng từ sau Tết, trời nắng hạn gay gắt kéo dài. Cây điều không hút được nước, bị khô bông, tỷ lệ đậu trái rất thấp.

Nông dân thu hoạch điều ở Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân thu hoạch điều ở Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Không chỉ mất mùa, giá bán điều đầu vụ cũng thấp. Nếu như năm ngoái, điều được thương lái thu mua với giá 27.000-28.000 đồng/kg, nay chỉ có giá 24.000-25.000 đồng/kg.

Giá vật tư cao mà giá bán thấp. Trong khi năng suất không đạt, nông dân trồng điều gặp nhiều khó khăn để tái đầu tư vụ sau. "Tình trạng này còn kéo dài chắc bà con phải chuyển đổi cây trồng chứ hết mặn mà với cây điều rồi", ông Giới nói.

Trên diện tích 0,8ha ở xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), anh Hoàng Kim Điền cũng có nhiều năm gắn bó với cây điều. Song vì lợi nhuận thấp, anh đã quyết định chặt bỏ toàn bộ để chuyển sang trồng bơ và sầu riêng.

Không biết đến lúc bơ và sầu riêng của gia đình cho thu hoạch thì giá bán có còn cao như bây giờ hay không. Nhưng do cây điều đã không còn hiệu quả, anh Điền buộc lòng phải chuyển đổi hướng sản xuất.

Không chỉ mất mùa, giá bán điều thô đầu vụ cũng ở mức thấp. Ảnh: Nguyên Vỹ

Không chỉ mất mùa, giá bán điều thô đầu vụ cũng ở mức thấp. Ảnh: Nguyên Vỹ

Toàn huyện Thống Nhất hiện có gần 2.000ha cây điều, tập trung ở các xã Bàu Hàm, Quang Trung, Hưng Lộc, xã Lộ 25. 

Tuy nhiên, diện tích đang giảm qua từng năm. "Nếu giá điều vẫn tiếp tục giảm ở mức thấp, sẽ còn có nhiều nông dân chặt bỏ cây trồng này" anh Điền chia sẻ.

Doanh nghiệp điều không khuyến khích nông dân giữ cây điều

HTX Nông nghiệp sạch Hòa Phú ở xã Bù Nho (huyện Phú Riềng, Bình Phước) có tổng diện tích 97ha. Ông Hà Thanh Thuẫn - Chủ tịch HĐQT HTX, dự báo vụ điều năm nay sẽ tiếp tục mất mùa.

Theo ông Thuẫn, ở vùng sâu, vùng xa, đất xấu hoặc khô cằn, nhiều nông dân không có điều kiện chuyển đổi sang cây trồng khác. Thời tiết ngày càng bất ổn thì cây điều càng giảm năng suất.

Ở Bình Phước, điều là cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, nhiều nông dân gắn bó với cây điều gặp rất nhiều khó khăn. Khả năng hỗ trợ từ chính quyền địa phương đối với nông dân trồng điều hầu như không đáng kể, chủ yếu là hỗ trợ đồng bào nghèo để xóa đói giảm nghèo.

Kể cả khi cây điều được mùa thì thu nhập của nông dân trồng điều vẫn thấp. Vì trung bình 1ha điều, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lời chưa tới 30 triệu đồng/năm.

Nông dân thu hoạch điều ở Bình Phươc. Ảnh: Trần Khánh

Nông dân thu hoạch điều ở Bình Phươc. Ảnh: Trần Khánh

Chỉ khi tăng được thu nhập trên đơn vị diện tích thì nông dân mới giữ được cây điều. HTX Nông nghiệp sạch Hòa Phú phải tự tìm hướng đi khác là trồng xen dưới tán điều.

Ông Thuẫn kể, đã nhìn thấy nhiều nơi chuyển đổi từ điều sang trồng sầu riêng. Nhưng trồng sầu riêng đòi hỏi kỹ thuật, và phải có nước tưới. Đầu ra của sầu riêng lại không ổn định, vì chưa có chế biến sâu thì không nói gì được điều gì.

Từ 3 năm nay, HTX chuyển khoảng 40ha điều già cỗi sang trồng mít. HTX cũng xây nhà xưởng chế biến mít xấy. Giá cao thì HTX bán mít tươi. Giá mít tươi dưới 10.000 đồng/kg thì sấy bán.

"Thu nhập từ mít cao gấp 5-7 lần từ điều. HTX cũng đang khảo nghiệm trồng cây nghệ dưới tán điều cho kết quả khả quan", ông Thuẫn kể.

Ông Tạ Quang Huyên - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội điều Việt Nam, Giám đốc Công ty CP Hoàng Sơn 1 đánh giá, năng suất điều trong nước không cao.

Ngay tại thủ phủ điều Bình Phước, các vườn điều tốt có thể cho năng suất 2-3 tấn/ha, nhưng số vườn này ít. Trung bình mỗi ha, năng suất chỉ đạt 1,5-1,6 tấn hạt điều.

Doanh nghiệp khuyến cáo ở những nơi thích hợp, có điều kiện, nông dân nên chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Doanh nghiệp khuyến cáo ở những nơi thích hợp, có điều kiện, nông dân nên chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn thay vì giữ cây điều. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Huyên, Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình chứ không còn nghèo như thời Chính phủ dùng cây điều làm cây xóa đói giảm nghèo.

Ngành điều trong nước hiện có khoảng 350.000ha. Tuy nhiên, ông Huyên cho biết thu nhập từ cây điều chỉ chừng 10-15 triệu/ha/năm. Giá trị của điều so với sầu riêng, tiêu, cà phê... là rất thấp. Giá bán điều cũng khó tăng cao như các loại nông sản khác.

Ở những nơi đất xấu, khó trồng cây khác thì nên trồng điều vì đây là cây trồng dễ thích nghi. "Nhưng ở những nơi thích hợp, có điều kiện trồng cây khác tốt hơn thì không nên bắt nông dân ôm giữ cây điều", ông Huyên nói.

Bản thân ông Huyên kinh doanh trong ngành điều, nhưng quan điểm của ộng Huyên là hết hạt điều trong nước thì thu mua hạt điều nước ngoài. Hạt điều nước ngoài mà hết thì chuyển sang làm việc khác.

Hiệu quả cuối cùng là hiệu quả đóng góp vào toàn ngành kinh tế chứ không phải hiệu quả cho riêng một ngành hàng nào.

"Việt Nam không cần phải cố gắng trồng nhiều cây điều để có thêm nguồn nguyên liệu, trong khi tổng thể giá trị cho ngành kinh tế không cao", ông Huyên chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem