Nhọc nhằn con đường đến trường của nữ sinh dân tộc Mông giữa núi rừng Tây Bắc

Thế Hiển Thứ hai, ngày 27/05/2024 06:05 AM (GMT+7)
Vượt qua suối, băng qua dốc núi, sườn đồi chưa phải là thử thách cản bước em Thào Thị Ly tìm đến con chữ. Chính cái nghèo đeo bám dai dẳng trong lúc bố em mang bệnh nặng khiến con đường đến trường của Ly gian nan gấp bội phần.
Bình luận 0

Ngôi nhà nghèo trên đồi cao

Nằm đơn độc trên ngọn đồi thuộc thôn Khuổi Én, xã Thượng Bình (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang), ngôi nhà vách nứa chưa đầy 40m2 là nơi ở của gia đình người dân tộc Mông 3 thế hệ với 6 thành viên. Mang trong mình nhiều căn bệnh nặng: suy tim, xơ gan,... sức khỏe của ông Thào A Thính - bố em Ly (SN 1971) suy giảm nghiêm trọng, không còn khả năng lao động đã mấy năm nay.

Nhọc nhằn con đường đến trường của nữ sinh dân tộc Mông giữa núi rừng Tây Bắc- Ảnh 1.
Nhọc nhằn con đường đến trường của nữ sinh dân tộc Mông giữa núi rừng Tây Bắc- Ảnh 2.

Ngôi nhà nhỏ giữa núi rừng Hà Giang là nơi che mưa chắn gió cho gia đình em Ly.

Từ năm 2023, do tình trạng bệnh của bố diễn biến xấu, em Thào Thị Ly (SN 2015) đã dừng việc học bán trú để về nhà chăm bố sau buổi học sáng. Được biết, lao động chính của gia đình là con trai lớn Thào A Toàn (SN 2002) cùng con dâu Giàng Thị Pà (SN 2004). Chăm chỉ làm nương, rẫy thế nhưng, mỗi năm chỉ được hơn chục bao gạo, không đủ cho 6 miệng ăn, mỗi năm phải nhờ vào 15kg gạo hỗ trợ từ Nhà nước để duy trì nguồn thực phẩm.

Vợ ông Thính, bà Lò Thị Dúa (SN 1970) không giao tiếp được bằng tiếng Kinh, ngày ngày đi tìm nhặt cây chít mang về phơi khô để bán làm chổi, mỗi cân cây chít khô được bán với giá 20.000 đồng. Để thu nhặt được 1kg cây chít khô, trung bình phải phơi 3-4kg cân chít tươi, mà mỗi ngày bà Dúa chỉ kiếm được hơn 3kg nếu đúng mùa.

Nhọc nhằn con đường đến trường của nữ sinh dân tộc Mông giữa núi rừng Tây Bắc- Ảnh 3.
Nhọc nhằn con đường đến trường của nữ sinh dân tộc Mông giữa núi rừng Tây Bắc- Ảnh 4.

Để có thêm thu nhập trang trải cho gia đình, bà Dúa mỗi ngày lại đi tìm nhặt chít để phơi khô bán lấy tiền.

Gia đình nhiều thành viên nhưng thu nhập thấp, bấp bênh nên vẫn thuộc hộ nghèo ở thôn. Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, ông Thính cho biết: “Trong người tôi có nhiều bệnh nên phải vay mượn khắp nơi để chạy chữa. Giờ cũng không còn sức để làm việc nữa, chỉ đành trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước. Gia đình sống trong cảnh khổ tôi buồn lắm nhưng không biết phải làm sao”.

Nhọc nhằn con đường đến trường của nữ sinh dân tộc Mông giữa núi rừng Tây Bắc- Ảnh 5.

Người ông Thính gầy gò vì bệnh, nhưng bụng bị trướng còn chân thì phù nề do xơ gan.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, ông Giàng A Sính - Trưởng thôn Khuổi Én cho biết: “Gia đình cháu Ly thuộc diện rất khó khăn ở thôn. Ông Thính từng là trụ cột của gia đình nhưng bệnh nặng quá không làm được ra tiền còn phải thuốc hàng tháng nên gia đình càng khó khăn. Cháu Ly đang còn đi học, với tình hình này, việc học của cháu sẽ rất khó khăn”.

Gập ghềnh con đường đến trường

Là người con của núi rừng Tây Bắc, Ly sớm có trong mình sự kiên cường cùng ý chí sắt đá. Cô học sinh tiểu học với dáng người nhỏ nhắn mỗi ngày đều đặn dậy sớm để đi đến Điểm trường Khuổi én - Trường PTDTBT TH&THCS Thượng Bình tìm con chữ. Vừa là cô học trò ngoan, vừa là người con hiếu thảo, sau những giờ học trên lớp, em lại quay trở về ngôi nhà nhỏ để chăm sóc bố.

Nhọc nhằn con đường đến trường của nữ sinh dân tộc Mông giữa núi rừng Tây Bắc- Ảnh 6.
Nhọc nhằn con đường đến trường của nữ sinh dân tộc Mông giữa núi rừng Tây Bắc- Ảnh 7.

Hoàn cảnh khó khăn đã tôi luyện nên một cô gái bé nhỏ nhưng kiên cường.

Dù tuổi còn nhỏ, em đã dần quen với công việc bếp núc. Những lúc cả nhà đi làm trên nương, Ly ở nhà một mình sắc thuốc cho bố uống rồi lại nhanh chóng thổi cơm đợi cả nhà về ăn. Lúc nào lo xong việc nhà, bố đã nghỉ ngơi, em lại mang sách vở ra ôn lại bài cũ. Niềm khát khao học tập của em chính là hy vọng để cả gia đình thoát nghèo.

Nhọc nhằn con đường đến trường của nữ sinh dân tộc Mông giữa núi rừng Tây Bắc- Ảnh 8.

Chiếc giường ngủ cũng là nơi em ôn lại bài cũ trong căn nhà chật hẹp.

Giọng nói nhỏ nhẹ có phần nhút nhát, Ly kể: “Cháu thích đi học lắm, ở lớp được học chữ với các bạn. Cô giáo nói phải chăm học thì mới giỏi được. Bố cũng dặn cháu phải cố học sau này sẽ không khổ giống bố. Cháu mong bố khỏi bệnh để đưa cháu đi học ạ”.

Dù gia cảnh khó khăn, ông Thính vẫn ý thức và đề cao vai trò của việc học. Nhìn con gái phải lặn lội đường xa đi học rồi lại quay về nhà, ông Thính thương con không thể nói thành lời. Bệnh tình mỗi ngày một nặng, ông chỉ mong được khỏe mạnh để con yên tâm ở trường học cùng các bạn.

Nhọc nhằn con đường đến trường của nữ sinh dân tộc Mông giữa núi rừng Tây Bắc- Ảnh 9.

Trước thử thách của cuộc đời, gia đình em Ly rất cần sự chung tay của các nhà hảo tâm để tiếp tục trên chặng đường phía trước.

“Nhà chỉ có mỗi cháu nó là hy vọng thôi. Học để còn biết chữ phổ thông, biết nói được tiếng Kinh, đi làm giấy tờ không phải nhờ vả ai. Nếu để như bố mẹ nó thì khổ lắm, không sống như thế được đâu” - ông Thính giãi bày.

Cô Nguyễn Thị Tuyển - Giáo viên chủ nhiệm em Ly cho biết: “Nhà Ly cách điểm trường gần 5km, nhưng em luôn đi học đầy đủ. Quãng đường vừa xa, dọc đường còn có những con suối, sườn đồi vất vả lắm, mùa mưa đến là một thử thách cho cả người lớn khi di chuyển. Năm nay bố em ốm nặng hơn, nên Ly học buổi sáng rồi chiều lại về chăm bố. Là giáo viên chủ nhiệm của em, tôi rất mong em nhận được sự quan tâm từ các mạnh thường quân để tiếp tục con đường học tập của mình”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về

Ông Thào A Thính (SN 1971) ở thôn Khuổi Én, xã Thượng Bình, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

SĐT cô Nguyễn Thị Tuyển (Giáo viên chủ nhiệm em Ly): 096.878.0331

Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Số tài khoản: 2120524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ MS 27524

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem