Những đặc sản nhất định phải thử khi về trảy hội Lim ở Bắc Ninh

Phương Thanh (Tổng hợp) Thứ tư, ngày 28/02/2018 11:40 AM (GMT+7)
Đến thăm quê hương của làn điệu quan họ, du khách không chỉ được đắm chìm trong làn điệu dân ca, tham gia trảy hội Lim, tận mắt chứng kiến các phong tục, tập quán lâu đời mà còn được thưởng thức nhiều món ngon dân dã.
Bình luận 0

Bánh khúc làng Diềm

Chiếc bánh khúc nhỏ xinh của làng Diềm (Yên Phong) nổi tiếng và thu hút nhiều du khách khi tới Bắc Ninh. Bánh khúc làng Diềm có hai loại: nhân hành và nhân đỗ. Bánh khúc nhân đỗ có vị bùi của đỗ, vị ngậy của thịt mỡ và mùi thơm của hạt tiêu. Với bánh khúc nhân hành, hành được dùng nhất thiết phải là hành khô, cộng thêm mộc nhĩ, hạt tiêu, rau răm, thịt ba chỉ băm nhỏ trộn lẫn với nhau.

img

Bánh khúc thường được người dân làng Diềm nặn thành hình tròn như chiếc bánh rán hoặc hình tai voi. Họ luôn chú ý để phần vỏ bánh được dát rất mỏng và không bị lộ nhân.

Cắn một miếng bánh khúc, bạn sẽ cảm nhận cái dẻo thơm của nếp cái hoa vàng, vị bùi của đỗ xanh sánh quyện cùng vị béo của thịt ba chỉ. Tất cả được dung hòa bởi vị mát lành, nồng ấm của lá khúc, làm nên hương vị đặc trưng, không nơi nào có được.

Bánh tẻ làng Chờ

Bánh tẻ làng Chờ dẻo chứ không nhão, nát như thứ bánh giò mà bạn thường thấy. Bánh vừa có độ giòn lại vừa có vị đậm, vị béo của nhân, nồng nàn của mùi lá, không thể lẫn vào thứ bánh tẻ nào khác được.

Nem làng Bùi

Nem làng Bùi được nhiều người ưa chuộng vì sở hữu hương vị đúng “chuẩn” làng nghề, vừa thơm ngon, cầu kỳ, tinh tế lại vừa an toàn vệ sinh. Nem Bùi được “khai sinh” từ làng Bùi Xá, huyện Thuận Thành, nghề làm nem được truyền từ đời này sang đời khác, trải qua hàng trăm năm. 

img

Cách ăn nem Bùi phổ biến nhất là lấy một nhúm nem bằng tay, cuộn khéo vào với lá sung tươi rồi chấm với tương ớt, kết thúc bằng việc cắn một miếng thật thong thả, khoan thai. Thực khách có thể tìm mua nem Bùi ở dọc trên con đường quốc lộ chạy từ Cầu Hồ - Thuận Thành đi Hải Dương.

Bánh phu thê Đình Bảng

Dù chỉ được gói bằng những tấm lá dong giản dị, nhưng khi bánh phu thê được bóc ra thì thực sự khiến nhiều người ngỡ ngàng. Dưới lớp vỏ bánh trong suốt có rắc lấm tấm những hạt vừng đen, nhân bánh dần hiện ra. Ngoài đỗ xanh đãi sạch vỏ đã được hấp chín đánh tơi, người ta còn cho thêm đường trắng, cùi dừa, hạt sen và các hương ngũ vị.Bánh gói xong được buộc dây rơm nếp, đem đi luộc rồi úp bụng hai chiếc bánh vào nhau, dùng lạt đỏ buộc thành cặp. Có lẽ vì vậy mà người đời gọi là bánh phu thê.

Triết lý ngũ hành cũng được thể hiện một cách tinh tế qua năm màu của bánh. Đó là màu trắng của bột lọc và cùi dừa, màu vàng của dành dành và nhân đỗ, màu đen của hạt vừng, màu xanh của lá, màu đỏ của lạt buộc. Tất cả như biểu tượng cho sự hòa hợp của đất trời và con người.

Bánh tro Đình Tổ

img

Bánh tro nơi đây có vị thơm mát, ngọt ngào, hình dáng bé xinh mềm mại, một lần được thưởng thức thứ quà quê này chắc chắn sẽ khiến du khách nhớ mãi dư vị của nó. Chỉ có tết Đoan Ngọ thì mới có dịp để thưởng thức hương vị của loại bánh này, bánh tro ăn kèm với mật mía hoặc đường càng làm cho mùi vị trở nên ngọt ngào, hấp dẫn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem