Nhu cầu về mua sắm của người tiêu dùng tại TP.HCM đang dần phục hồi. Từ đó, thị trường bất động sản thương mại cũng được hưởng lợi, ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Theo dữ liệu của Savills Vietnam, bất động sản thương mại TP.HCM trong năm 2024 có tổng nguồn cung bán lẻ tăng 6% theo năm lên 1,6 triệu m2. Nguồn cung mới tập trung ở các khu vực ngoài trung tâm nhờ quỹ đất lớn và sự mở rộng đô thị hóa.
Giá thuê trung bình tầng trệt đạt 1,4 triệu đồng/m2/tháng, tăng theo năm ở cả ba khu vực. Chính sách tăng giá hằng năm, giá thuê cao tại dự án mới và các dự án ở khu vực trung tâm đã thúc đẩy sự tăng trưởng.
Về các giao dịch thuê bán lẻ tại TP.HCM, 88% là sự mở rộng của thương hiệu, tổng diện tích thuê của các thương hiệu mới chỉ chiếm 12%. Khách thuê dịch vụ ăn uống (F&B) dẫn đầu, chiếm gần một phần ba diện tích thuê, tiếp đó là khách thuê thời trang với 24% thị phần và giải trí với 17% thị phần.
Khách thuê dịch vụ ăn uống (F&B), thời trang... giúp bất động sản thương mại tăng nhiệt. Ảnh: Gia Linh
Trong khi đó, theo báo cáo của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI), trong năm 2024, các tòa nhà hiện hữu cho thuê, khai thác bất động sản thương mại tại TP.HCM đang được đẩy mạnh nâng cấp, cải tạo để cải thiện sức cạnh tranh. Điều này đã làm tăng trưởng nguồn cung của phân khúc bất động sản thương mại, đặc biệt là các dự án hạng A và B tại TP.HCM.
Bà Trịnh Thị Kim Liên - Giám đốc Kinh doanh tiếp thị Dat Xanh Services, cho biết nguồn cung mặt bằng bán lẻ có sự cải thiện đáng kể, đặc biệt là tại TP.HCM tăng 7% theo năm, ước đạt 1,58 triệu m2, chủ yếu là các dự án mới ở khu vực giáp trung tâm.
Tỉ lệ lấp đầy tại TP.HCM đạt 93%, tăng 3% theo năm. Nhu cầu thuê mặt bằng thương mại chủ yếu đến từ ngành siêu thị, F&B và thời trang. Các trung tâm thương mại tại các thành phố lớn duy trì ổn định sức hấp dẫn hơn đối với cả khách thuê lẫn người tiêu dùng.
Với nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng và sự tăng trưởng của tầng lớp giàu có, TP.HCM tiếp tục thu hút các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là trong phân khúc ngành xa xỉ. Sự gia nhập của nhiều thương hiệu quốc tế cao cấp trong các ngành thời trang, F&B… đang giúp thị trường ngày càng sôi động.
"Xu hướng người tiêu dùng lựa chọn các trung tâm thương mại theo mô hình shoppertainment tăng cao là động lực để các chủ đầu tư đẩy mạnh các kế hoạch xây mới, cải tạo các trung tâm thương mại với nhiều chính sách thuê cạnh tranh hơn. Chính vì vậy, sự tăng trưởng của nguồn cung đã giúp cho bất động sản thương mại có sự phát triển trong năm 2024 vừa qua và sẽ là tiền đề cho sự thúc đẩy ở 2025 và những năm sau", chuyên gia của Dat Xanh Services cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.