Nối nhịp cầu vui cho người dân vùng cao

Bảo Yến Thứ sáu, ngày 02/09/2022 06:10 AM (GMT+7)
Những cây cầu do Báo NTNN phối hợp với các nhà tài trợ xây tặng đã và đang giúp rút ngắn con đường về trung tâm xã, đến trạm y tế cho người dân vùng cao và học sinh đến trường an toàn...
Bình luận 0

Ước mơ về một cây cầu

Cây cầu chắc chắn bắc qua suối Tổng Ngoảng đó là ước mơ bao đời nay của người dân tại xã Quảng Lâm (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng). Bởi vì, khi có cầu, 400 hộ dân của 5 xóm, Tổng Ngoảng, Nà Luông, Tổng Chảo, Nà Kiềng, Phiêng Phát, Cốc Lùng đi về trung tâm xã và lao động sản xuất sẽ được rút ngắn. Thế nhưng, thực tế, hàng trăm hộ dân ngày ngày đang phải đối mặt với nguy hiểm vì cây cầu tạm bợ.

Theo ông Nguyễn Đức Nhân - Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm: "Từ những năm 2005 - 2007, người dân muốn qua suối phải đi bằng bè kết từ cây nứa, vầu. Sau đó, một hộ gia đình dựng lên cây cầu cao tạm để mọi người đi qua. Thế nhưng, sau những trận lũ lụt lòng suối ngày càng rộng, lượng nước chảy xiết không thể kéo bè hay dựng cầu được nữa. 

Mấy năm nay, để tiết kiệm thời gian đi lại, người dân đã cùng nhau góp cây luồng, ván gỗ và công sức để làm cầu tạm. Người dân đan rọ đựng đá để làm trụ cầu. Mặt cầu được làm bằng những ván gỗ, cây luồng chắp vá".

Nối nhịp cầu vui cho người dân vùng cao - Ảnh 1.

Cây cầu tạm bắc qua suối Tổng Ngoảng xã Quảng Lâm (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: Minh Tiến

Ở đây, mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, cao điểm là từ tháng 6 đến tháng 9. Địa hình của xã trải dài theo dòng suối, dốc, lưu lượng nước lớn, chảy xiết nên vào mùa mưa cầu tạm của bà con lại bị cuốn trôi. Các cụm dân cư của các xóm phải đi vòng cách đó mấy km, thậm chí, ở nơi xa nhất người dân phải đi vòng khoảng 10 - 12km để sản xuất hay về trung tâm xã.

Những đóng góp của các nhà hảo tâm sửa chữa cây cầu giúp đảm bảo an toàn cho người dân khi đi lại. Đó cũng là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa và sẽ tạo được sự phát triển về sau.

Ông Hoàng Đức Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang).

"Chính quyền và người dân đều mong mỏi có được một cây cầu kiên cố, an toàn để mọi người thuận tiện đi lại. Nhưng xã có tỉ lệ hộ nghèo lên tới hơn 80% nên việc xã hội hóa làm cầu cũng chỉ huy động được người dân góp cây luồng, hòn đá, sức người để làm cầu tạm. Sau mỗi mùa mưa, cầu tạm bị cuốn trôi, người dân lại góp công, góp của làm lại từ đầu" - Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm chia sẻ.

Ở một nơi khác, người dân các thôn Tân Thành, Hô Sán, Tân Phong, Quang Vinh của xã Hồ Thầu (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) cũng ngày ngày đối mặt với "tử thần" khi đi qua cây cầu treo xuống cấp. Cây cầu treo này được Nhà nước đầu tư xây dựng cách đây khoảng 20 năm, bắc qua con suối thượng nguồn sông Chảy. 

Thế nhưng, trải qua thời gian, mặt cây cầu gần như không còn mảnh ván gỗ nào lành lặn. Hơn thế, nó có nhiều khoảng trống do ván gỗ bị mối mọt, gãy thủng. Mặt cầu, những mảnh gỗ lớn nhỏ bị cắt mảnh, đứt đoạn được chắp vá, nối với nhau để bù đắp khoảng trống. Những chỗ bị mục quá, người dân đi qua nếu có được tấm gỗ họ liền đắp tạm. Có đoạn gỗ bị mục một bên bản lề khiến cho ván gỗ không còn được bám chắc, nếu chẳng may ai đó dẫm chân phải thì không thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra.

xay-cau-o-ha-giang.jpeg

Cây cầu treo tại xã Hồ Thầu (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) bị xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Bảo Yến

Những chiếc dây giằng thành cầu cũng gỉ sét. Mỗi khi có xe máy đi qua, cây cầu lại rung lắc dữ dội. Mặc dù đã xuống cấp trầm trọng nhưng hàng ngày nó vẫn phải "oằn mình" chống chọi với dòng nước chảy xiết và mở đường cho người dân qua lại. Bởi đây là con đường tắt, nhanh nhất để người dân đi đến trung tâm xã và huyện.

Theo ông Phượng Chàn Nu – Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thầu: "Biết là nguy hiểm nhưng người dân vẫn đi vì đây là con đường ngắn nhất. Xã cũng rất muốn xã hội hóa sửa chữa cây cầu nhưng rất khó. Bởi vì người dân đây nghèo quá, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35,54% và hộ cận nghèo chiếm 23,32%. Hàng năm, tình trạng người dân thiếu đói vào mùa giáp hạt vẫn diễn ra".

Nối nhịp cầu vui

Trước sự khó khăn và mong mỏi đó, Báo NTNN đã khảo sát và kêu gọi hỗ trợ xây dựng công trình cầu dân sinh cho người dân vùng cao Hà Giang, Cao Bằng. Ngày 18/8/2022, Báo NTNN phối hợp cùng các nhà tài trợ tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu dân sinh tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). 

Nối nhịp cầu vui cho người dân vùng cao - Ảnh 4.

Ngày 18/8/2022, Báo NTNN và Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tổ chức lễ khởi công xây cầu Nà Khỏe tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

Khi nhận được tin về chương trình, chị Nông Thị Phương (SN 1978, ở thôn Bản Nà, xã Quảng Lâm) đã cùng cậu con trai đội mưa gió, lội bộ 7km để đến chứng kiến giây phút cầu khởi công.

"Mình hỏng mắt, không tự đi được thì có con trai làm con mắt, cây gậy đưa mình đi. Dân mình lâu nay cứ phải lội bộ, làm cầu tạm đi qua suối, nếu không cũng phải đi xa lắm mới về được xã. Giờ sắp có cầu mới rồi ai cũng vui. Mình phải đi để biết chứ" - chị Phương chia sẻ.

Nối nhịp cầu vui cho người dân vùng cao - Ảnh 5.

Lễ cắt băng khánh thành cầu Hô Sán (xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang). Ảnh: Nguyệt Minh

Tiếp đó, ngày 26/8/2022, Báo NTNN và các nhà tài trợ tiếp tục tổ chức lễ khánh thành cầu Hô Sán tại xã Hồ Thầu (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang). 

Dù ở tuổi "xưa nay hiếm" nhưng bà Triệu Mùi Ghến (81 tuổi) thôn Tân Phong đã đội mưa gió đi bộ 8km đến dự lễ khánh thành cầu Hô Sán. Bà Ghến không dấu nổi sự xúc động khi có được cây cầu mới: "Giờ có cầu mới rồi, con cháu mình không phải lo đi học mỗi khi trời mưa nữa. Cảm ơn mọi người nhiều lắm!".



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem