Về nơi trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam
Về nơi trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam
Thứ tư, ngày 19/08/2020 10:00 AM (GMT+7)
Khu di tích lịch sử Công an nhân dân Việt Nam (Di tích Nha Công an Trung ương) tại thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh (Sơn Dương, Tuyên Quang) là một phần thuộc Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, nơi đây chứng kiến những bước trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân.
Quảng trường 19/8 được đặt tên theo ngày truyền thống Công an nhân dân. Nổi bật trước Quảng trường là cờ Tổ quốc và cờ Đảng được xây dựng bằng đá tự nhiên với thế dựa vào núi vững chắc, thể hiện cho ước vọng đất nước, Đảng mãi trường tồn.
Quần thể tượng đài rộng gần 3.000 m2, làm hoàn toàn bằng đá tự nhiên với trung tâm là Tượng đài “Bảo vệ an ninh tổ quốc” được làm bằng đá granite nguyên khối, có chiều cao 21,6 m, đường kính lớn nhất là 4,5 m, hướng về Thủ đô Hà Nội. Tượng đài gồm 5 nhân vật đại diện cho các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc. Trên đỉnh là lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng cùng thanh bảo kiếm hướng lên trời cao.
Để tỏ lòng tri ân và giáo dục truyền thống đối với các thế hệ cán bộ CAND, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã cho khắc tên của 13.689 liệt sĩ lên bia ghi danh phía sau của hai lá cờ.
Với mục đích giáo dục truyền thống vẻ vang của ngành đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân, năm 2010 cùng với việc xây dựng bức Phù điêu, lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định cho khắc tên của 630 tập thể và 336 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thuộc lực lượng CAND lên bảng vàng phía sau của bức phù điêu.
Theo tìm hiểu, hiện Ban Quản lý di tích có 28 cán bộ, chiến sỹ trực tiếp chăm sóc, bảo quản, giữ gìn khu di tích. Hàng năm nơi đây đón hàng nghìn lượt khách tới thăm quan, tìm hiểu về di tích.
Bảo tàng Công an nhân dân tại Khu di tích Nha Công an trung ương tại khu di tích. Nơi đây hiện lưu giữ trên 2.000 hiện vật - một kho tư liệu vô giá của lực lượng Công an nhân dân qua các thời kỳ. Ảnh Công an Tuyên Quang.
Ông Nguyễn Văn Thành (Hà Giang) chia sẻ: “Gia đình chúng tôi có nhiều thế hệ theo ngành công an, trước ngày kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Công an nhân dân, tôi dẫn con cháu tới đây tham quan và giáo dục con cháu hiểu biết về cội nguồn lịch sử ngành Công an”.
Những dấu tích của chiến tranh còn sót lại.
Khách tham quan đều thấy rõ bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng Công an nhân dân trong suốt 75 năm qua.
Chiếc máy bay A-1E (AD-5) được không quân và hải quân Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Đây là máy bay ném bom cường kích phản lực. Chiếc máy bay này do Bộ Quốc phòng tặng Bộ Công an, được vận chuyển từ sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) ra trưng bày tại khu di tích nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ (tháng 6/2005).
Ngày 10/8/1999, Khu di tích Nha Công an Trung ương được cấp bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa, là một bộ phận trong quần thể Di tích lịch sử quốc gia Tân Trào. Đây được được coi là “cái nôi” đầu tiên của Công an nhân dân Việt Nam, lưu giữ những giá trị vật chất, tinh thần vô cùng quý báu, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu những bước trưởng thành của lực lượng công an nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nơi đây là địa chỉ đỏ cho mọi cán bộ, chiến sĩ Công an và của mọi người dân Việt Nam.
Phạm Hưng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.