Nông dân một huyện ở Hà Nội có thu nhập cao nhờ nuôi giống bò "khổng lồ"

Thiên Ngân Thứ sáu, ngày 28/07/2023 18:37 PM (GMT+7)
Là vùng đất có nhiều lợi thế về đồi gò để phát triển chăn nuôi bò thịt, những năm gần đây, huyện Ba Vì (Hà Nội) đã thay đổi phương thức sản xuất sang chăn nuôi chuyên canh với giống bò chất lượng cao.
Bình luận 0

Trên cơ sở quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, định hướng 2030, huyện Ba Vì đã xây dựng, phê duyệt quy hoạch vùng trọng điểm chăn nuôi bò thịt tại 7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã ven sông, trong đó chú trọng đầu tư, phát triển theo mô hình tập trung xa khu dân cư và an toàn sinh học.

Đến nay, toàn huyện đã có 10/31 xã, thị trấn thực hiện quy hoạch và hình thành được vùng chăn nuôi bò thịt trọng điểm, với tổng đàn trên 20.000 con. Quy mô chăn nuôi bình quân đạt 5 con/hộ. Ngoài ra, có khoảng 150 trang trại chăn nuôi bò thịt với quy mô từ 20 con trở lên; cá biệt có trang trại vỗ béo từ 80 – 100 con bò thịt.

Nông dân Ba Vì có thu nhập cao nhờ nuôi bò thịt - Ảnh 1.

Bò lai có 50% máu Wagyu đang được nuôi vỗ béo tại Ba Vì, Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Liên Hương

Hiện tại, xã Minh Châu được xem là địa phương trọng điểm về chăn nuôi bò thịt của huyện, với các mô hình chăn nuôi bò thịt BBB và Wagyu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, tổng đàn bò toàn xã đạt gần 5.200 con, trong đó bò cái sinh sản có trên 2.600 con, bò sữa có trên 2.000 con.

Để nâng cao chất lượng đàn bò thịt, ngành nông nghiệp huyện Ba Vì cũng chủ động phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất. Hiện, dự án lai tạo giống bò BBB trên nền bò thịt lai Sind thành đàn bò lai F1 hướng thịt đang được triển khai ở 31/31 xã, thị trấn. 

Kết quả, đã có gần 30.000 con bê lai F1 BBB được sinh ra. Trung bình một con bê lai BBB cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3 - 5 triệu đồng so với các giống khác.

Đi xem khu chuồng trại chăn nuôi 170 con bò đực 3B vỗ béo nuôi hướng thịt của gia đình, anh Vũ Kim Tuyền ở xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì (Hà Nội) phấn khởi khoe: "Dù thức ăn công nghiệp liên tục tăng giá nhiều trang trại chăn nuôi thua lỗ, bỏ trại, bỏ chuồng nhưng tôi vẫn tự tin thu lãi đều".

Anh Tuyền kể: Trước kia, tôi cũng nuôi ngan, gà…, nhưng giá cả bấp bênh, không ổn định như chăn nuôi bò. Từ cuối năm 2013, tại huyện Ba Vì có mô hình nuôi bò 3B hướng thịt, tôi đã nuôi thử 2 con.

"Mới đầu nuôi giống bò có khối lượng lớn, có con trưởng thành đạt trên 500kg, nhiều người gọi là bò "siêu to khổng lồ" nhưng khi bắt tay vào nuôi thấy không khó. Bởi đây là giống bò có sức đề kháng tốt, ăn uống khỏe nên sản lượng thịt rất cao, bò tăng trưởng nhanh", tỷ phú bò 3B chia sẻ.

Để chăn nuôi bài bản, từ năm 2014, anh Tuyền đã liên kết với Công ty CP Giống gia súc Hà Nội để nhập giống và quy trình chế biến thức ăn.

Theo đó, khi mua, anh thường chọn loại bò từ 4 – 5 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 140 – 150kg và nuôi vỗ đến 8 – 9 tháng tuổi, đàn bò sẽ bắt đầu cho kết quả khá rõ, trọng lượng tăng từ 0,8 – 1,2 kg/ngày. Sau một năm nuôi vỗ, trọng lượng của bò đạt xấp xỉ 500kg.

Nông dân một huyện ở Hà Nội có thu nhập cao nhờ nuôi giống bò "khổng lồ" - Ảnh 3.

Anh Vũ Kim Tuyền chăm sóc đàn bò 3B tại trang trại của gia đình ở xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: Trần Quang

TS Tăng Xuân Lưu - Giám đốc Trung tâm Bò và Đồng cỏ Ba Vì cho rằng, Hà Nội nên đi theo con đường phát triển đàn bò thịt chất lượng và làm giống. Có 4 việc mà ngành chăn nuôi bò thịt của Hà Nội cần phải làm. 

Một là, muốn có đàn bò chất lượng thì phải tiếp tục cải tạo đàn bò cái nền. Hai là, phải xây dựng thương hiệu bò thịt Hà Nội thông qua tuyên truyền. Thứ ba, Hà Nội phải làm thành công cuộc "cách mạng" chế biến thức ăn từ rơm rạ, cỏ khô, lúc đó dù người nông dân không cần có ruộng vẫn hoàn toàn nuôi được bò thịt. Bốn là, ngành thú y phải sát sao theo dõi diễn biến dịch bệnh trong chăn nuôi, giúp nông dân nuôi bò phòng chống được dịch bệnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem