Chăn nuôi bò sữa nông hộ tại TP.HCM - bài cuối: Vì sao TP.HCM quyết tâm giữ đàn bò sữa?

Quang Sung - Trần Đáng Thứ tư, ngày 24/05/2023 07:00 AM (GMT+7)
Theo lý giải của Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, hiện nay chăn nuôi bò sữa vẫn đem lại hiệu quả cho người chăn nuôi nên việc duy trì đàn bò sữa là cần thiết.
Bình luận 0

Loạt bài "Chăn nuôi bò sữa nông hộ tại TP.HCM" đã cho thấy hiện trạng thực tế của đàn bò sữa tại TP.HCM. Việc đàn bò sữa sụt giảm nhanh chóng, kéo theo nhiều vấn đề đối với các hộ chăn nuôi. Đồng thời, cũng đặt ra vấn đề đối với nhà quản lý.

Nhằm đánh giá sâu hơn và đa chiều, phóng viên báo Dân Việt đã có buổi trao đổi với ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM về việc duy trì đàn bò sữa bền vững tại TP.HCM trong điều kiện đô thị hóa.

Chăn nuôi bò sữa nông hộ ở TP.HCM - bài cuối: Vì sao TP.HCM quyết tâm giữ đàn bò sữa? - Ảnh 1.

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

Xin ông cho biết, nguyên nhân đàn bò sữa TP.HCM sụt giảm nhanh trong những năm gần đây?

Ông Đinh Minh Hiệp: Theo số liệu thống kê, năm 2022 đàn bò sữa cái đạt 40.908 con, giảm 13.287 con, giảm tương ứng 24,5% so với đàn bò sữa cái năm 2020. Trong đó, đàn cái vắt sữa đạt 24.627 con, giảm 6.882 con, tương ứng 21,8% so với đàn cái vắt sữa năm 2020. Nguyên nhân, do tốc độ đô thị hóa của TP ngày càng nhanh chóng, dẫn đến ngưng nuôi bò sữa tại các khu vực dân cư.

Chăn nuôi bò sữa nông hộ ở TP.HCM - bài cuối: Vì sao TP.HCM quyết tâm giữ đàn bò sữa? - Ảnh 2.

Tổng đàn bò sữa tại TP.HCM thời điểm năm 2016 lên đến hơn 100.000 con. Ảnh: Quang Sung

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào ở mức cao (tăng 5% giá cỏ, tăng 18% giá cám), trong khi giá thu mua sữa vẫn không thay đổi trong nhiều năm qua, ảnh hưởng đến lợi nhuận của người chăn nuôi bò sữa.

Ngoài ra, người chăn nuôi bò sữa không thể đầu tư nâng cấp, cải thiện chuồng trại, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, vì vướng quy định không được phép xây dựng công trình phụ trên đất nông nghiệp. Vì vậy, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng đàn bò sữa và môi trường chăn nuôi.

Theo ông, tại sao TP quyết tâm giữ đàn bò sữa trong tình hình đô thị hóa nhanh, mất đồng cỏ?

TP.HCM là cái nôi của ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam, đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người nông dân. Hiện nay, chăn nuôi bò sữa vẫn đem lại hiệu quả cho người chăn nuôi nên việc duy trì đàn bò sữa là việc cần thiết. Thành phố đã xác định bò sữa là một trong hai vật nuôi chủ lực.

Chăn nuôi bò sữa nông hộ ở TP.HCM - bài cuối: Vì sao TP.HCM quyết tâm giữ đàn bò sữa? - Ảnh 3.

TP.HCM đã xác định bò sữa là một trong hai vật nuôi chủ lực. Ảnh: Quang Sung

Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì đàn bò sữa, cần phải tập trung vào sản xuất con giống để nâng cao lợi nhuận và thu nhập cho người dân. Đồng thời, cần đầu tư công nghệ cao, sử dụng thức ăn TMR (thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh) để thay thế nuôi cỏ truyền thống, mới đáp ứng được yêu cầu chăn nuôi trong điều kiện thiếu cỏ như hiện nay.

Trong thực tế có hiện tượng dịch chuyển đàn bò sữa từ nội  ra ngoại thành, theo ông nguyên nhân tại sao?

Năm 2015, bò sữa được nuôi tại 12 quận, huyện của TP. Đến nay, việc nuôi bò sữa chỉ còn tại 8 quận, huyện. 4 quận gồm: Gò Vấp, Tân Phú, Tân Bình và quận 7 không còn chăn nuôi bò sữa, do đô thị hóa. Hiện, đàn bò sữa dịch chuyển về các huyện ngoại thành và nuôi tập trung tại Củ Chi (74,51% tổng đàn), Hóc Môn (14,68% tổng đàn) và Bình Chánh (5,28% tổng đàn).

Việc dịch chuyển ra các huyện ngoại thành là do chủ trương của các quận là chấm dứt chăn nuôi trong khu vực dân cư; quá trình đô thị hóa nhanh nên không còn quỹ đất nông nghiệp để chăn nuôi bò sữa. Do đó, chăn nuôi bò sữa phải di dời ra ngoại thành, mật độ dân cư thấp nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người và vấn đề môi trường.

Chăn nuôi bò sữa nông hộ ở TP.HCM - bài cuối: Vì sao TP.HCM quyết tâm giữ đàn bò sữa? - Ảnh 5.

Tại huyện Củ Chi, đã có những trang trại bò sữa nằm ở vùng ven, ít dân cư. Ảnh: Quang Sung

Có ý kiến với tốc độ sụt giảm số lượng đàn bò sữa như hiện nay, đến năm 2030 đàn bò sữa TP sẽ không còn, ông đánh giá ý kiến này ra sao?

Dự thảo Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, xác định tiếp tục duy trì tổng đàn bò sữa cái 32.000 - 35.000 con.

Tuy nhiên, chăn nuôi bò sữa sẽ phát triển theo hướng sản xuất con giống chất lượng cao, cung cấp cho các tỉnh trong khu vực và cả nước, nhằm nâng cao giá trị và lợi nhuận cho người chăn nuôi. Đồng thời, chăn nuôi bò sữa phải tuân thủ các điều kiện, như phải được chăn nuôi trong khu vực được phép chăn nuôi, đảm bảo các điều kiện chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi.

Nếu giữ đàn bò sữa, TP sẽ làm gì để các nông hộ yên tâm giữ nghề?

Để ngành chăn nuôi bò sữa phát triển ổn định, TP đã triển khai thực hiện một số nội dung, như: Xác định vùng được phép chăn nuôi ổn định để người dân, doanh nghiệp an tâm đầu tư sản xuất.

Vận động người chăn nuôi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi bò sữa theo mô hình chăn nuôi tuần hoàn, bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

Chăn nuôi bò sữa nông hộ ở TP.HCM - bài cuối: Vì sao TP.HCM quyết tâm giữ đàn bò sữa? - Ảnh 6.

Trong chăn nuôi bò sữa, yếu tố môi trường được đặc biệt quan tâm. Những vi phạm về môi trường trong chăn nuôi có thể bị xử phạt hành chính. Ảnh: Quang Sung

Có chính sách về cải thiện chất lượng đàn giống như nhập nguồn tinh cao sản cải thiện đàn giống hiện hữu; cơ giới hóa, hiện đại hóa các khâu chăn nuôi, hợp lý hóa chi phí đầu vào, kết hợp phát triển chuỗi liên kết sản phẩm bò sữa nguyên liệu và các sản phẩm sữa chế biến đạt tiêu chí OCOP.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong ngành chăn nuôi bò sữa đòi hỏi sự vận hành đồng bộ của các hợp phần trong chuỗi sản xuất sữa. Đặc biệt, ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ đã được chứng minh hiệu quả ở các nước chăn nuôi bò sữa phát triển trong công tác sản xuất giống vào ngành chăn nuôi bò sữa TP.

Đối với những hộ chuyển đổi từ nghề nuôi bò sữa sang nghề khác, TP có giải pháp gì để hỗ trợ?

Hiện nay, những hộ chuyển đổi từ nghề nuôi bò sữa sang nghề khác có thể chọn lựa 1 trong 2 hướng chuyển đổi, như chuyển đổi từ nghề nuôi bò sữa sang nghề khác nhưng vẫn là nghề nông nghiệp, như nghề trồng rau an toàn, nghề trồng hoa kiểng, nghề nuôi cá cảnh. Hoặc, chuyển đổi từ nghề nuôi bò sữa sang nghề phi nông nghiệp, như nấu ăn, nghề điện tử, điện lạnh…

Chăn nuôi bò sữa nông hộ ở TP.HCM - bài cuối: Vì sao TP.HCM quyết tâm giữ đàn bò sữa? - Ảnh 7.

Nghề chăn nuôi bò sữa kéo theo các nghề xoay quanh, điển hình như nghề thu mua phân bò. Ảnh: Quang Sung

Hiện tại, UBND TP.HCM có Kế hoạch số 711 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP năm 2023. Theo đó, sẽ hỗ trợ tư vấn học nghề và việc làm cho các hộ nông dân, trong đó có hộ chăn nuôi bò sữa. Tiếp theo, trên cơ sở 1 trong 2 hướng chuyển đổi nói trên các hộ chăn nuôi bò sữa sẽ được hỗ trợ dạy nghề theo nhu cầu và phù hợp với danh mục nghề đã được ban hành.

Việc dạy nghề sẽ do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo chất lượng theo quy định về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, chương trình đào tạo nghề. Đặc biệt, học viên sẽ được hỗ trợ theo Quyết định số 46 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn với mức tối đa 2 triệu đồng/người/khoá học. Nếu là đối tượng thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo được hỗ trợ mức tối đa 3 triệu đồng/người/khoá học.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem