Nông nghiệp - trụ đỡ qua gian khó

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 11/11/2020 13:36 PM (GMT+7)
Ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 69 thành lập Bộ Canh nông (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT) với nhiệm vụ giải quyết ngay nạn đói và chấn hưng nền nông nghiệp. Sau 75 năm thành lập Bộ Canh nông, ngành nông nghiệp đã liên tục viết nên những thành tích quan trọng, đưa nông sản Việt vươn xa.
Bình luận 0

Nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Bộ Canh nông, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Dân Việt thực hiện loạt bài nhìn lại những thành tựu quan trọng của ngành nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế đất nước.

Bài 1: Cấy nhiều khỏi lo đói

Thực hiện tăng gia sản xuất cấp tốc ngay sau khi thành lập, từng bước chấn hưng nền nông nghiệp, Bộ Canh nông không chỉ giải quyết cơ bản nạn đói, cung cấp lương thực cho chiến trường mà còn từng bước đưa nông sản Việt vươn xa.

Từ thiếu đói đến thu nhiều tỷ đô

Chỉ sau 2 tháng tuyên ngôn độc lập, ngày 14/11/1945, tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã nhấn mạnh: Việt Nam là một nước chuyên về nông nghiệp… Muốn giải quyết vấn đề canh nông vừa về phương diện xã hội, vừa về phương diện chuyên môn, cần phải có một cơ quan tối cao để điều hành, chăm lo chỉ đạo phát triển các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp, ngư nghiệp và hợp tác xã.

Nông nghiệp - trụ đỡ qua gian khó - Ảnh 1.

Từ chỗ thiếu đói, đến năm 1989, Việt Nam xuất khẩu lô gạo đầu tiên, hiện, đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực. (Trong ảnh: Thu hoạch lúa hữu cơ ở Hà Nội). Ảnh: P.V

Thực hiện quyết nghị của phiên họp, ngay sau đó, ngày 1/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 69 thành lập Bộ Canh nông. Kể từ đó đến nay, ngày 14/11 hằng năm là "Ngày Truyền thống ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam".

Ngay sau đó, Bộ Canh nông đã xác định rõ 2 nhiệm vụ: Thực hiện chương trình tăng gia sản xuất cấp tốc ở Bắc Bộ và miền Bắc Trung bộ để giải quyết một phần vào nạn đói đang đe dọa đồng bào. Sửa soạn một nền tảng chấn hưng nông nghiệp để mở đường phát triển cho một nền kinh tế nông nghiệp quốc gia sau này.

Với mục tiêu trước mắt là giải quyết một phần nạn đói, với phương châm "cấy nhiều thì khỏi đói", Bộ Canh nông đã tích cực triển khai thực hiện nhiều chính sách mang tính cách mạng của Đảng và Chính phủ để khuyến khích phát triển sản xuất. Nhờ đó, đến năm 1954, sản lượng quy thóc đạt gần 3 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946.

Thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh (thời kỳ 1975 - 1985), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã phấn đấu vượt qua khó khăn đi tiên phong trong công cuộc đổi mới đất nước. 

Dựa trên những thử nghiệm thành công từ cơ sở tại Hải Phòng, Vĩnh Phúc, ngày 13/1/1981, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 100 CT/TW về "cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp" đã tạo ra động lực mới trong nông nghiệp.

Giai đoạn 5 năm (1981-1985), sản xuất nông nghiệp đã đạt mức tăng trưởng bình quân hằng năm 4,9%; sản xuất lương thực đạt bình quân đạt 17 triệu tấn/năm so với mức tương ứng là 1,9%/năm và 13,4 triệu tấn/năm trong các năm 1976-1980. Năm 1989, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu gạo.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, sự phát triển mang tính đột phá của ngành nông nghiệp được ghi nhận trong giai đoạn 10 năm trở lại đây. 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020" và Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" thực hiện theo Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp ngành nông nghiệp gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận.

 Trong 10 năm qua tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp liên tục đạt trung bình từ 2,8-3%/năm.

Hàng năm, Việt Nam sản xuất được khoảng gần 50 triệu tấn lương thực, 5,8 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn thủy sản; gần 20 triệu m3 gỗ rừng trồng và giá trị lớn về cây công nghiệp.

Hóa giải 3 thách thức, phát triển bền vững

Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt và ngày càng phức tạp, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đang và sẽ phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn: Đầu tiên là Việt Nam chủ yếu vẫn đang sản xuất ở quy mô hộ nhỏ lẻ. Đây là nút thắt, nếu càng hội nhập sâu rộng thì sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ càng khó cạnh tranh.

Nông nghiệp - trụ đỡ qua gian khó - Ảnh 2.

Tham quan cánh đồng canh tác lúa theo hướng hữu cơ ở thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế. Ảnh: A.T

Thách thức thứ hai là tác động của biến đổi khí hậu khi Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất của biến đổi khí hậu, xảy ra trên cả 7 vùng kinh tế xã hội. Thách thức thứ ba là chúng ta đang trong quá hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.

Để vượt qua thách thức, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp...

Nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng và phục vụ xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thông minh, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 Đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp theo chuỗi. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ. Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng.

"Quy mô sản xuất nông sản của Việt Nam ngày một tăng, đáp ứng cơ bản nhu cầu cho 100 triệu dân và dành phần xuất khẩu rất lớn với giá trị xuất khẩu nông sản lên đến trên 40 tỷ USD đến gần 200 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn cao".

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu,...

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành, bao gồm nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản;...

Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản gắn với hội nhập quốc tế. Phát triển, tổ chức lại thị trường tiêu thụ nông sản (sản xuất phải bắt đầu từ thị trường), kết nối với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu với mục tiêu chung là tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản cho nông dân; nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam, cả thị trường nội địa và quốc tế.

Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân. 

Năm 1954, sản lượng quy thóc đạt gần 3 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946

Giai đoạn 5 năm (1981-1985): mức tăng bình quân hằng năm 4,9%; sản xuất lương thực đạt bình quân đạt 17 triệu tấn/năm. Đến nay: Sản xuất được khoảng gần 50 triệu tấn lương thực, 5,8 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn thủy sản; 20 triệu m3 gỗ rừng trồng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem