Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Năm 2022, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã vận động hội viên, nông dân góp kinh phí cùng hơn 1.000 ngày công sửa chữa, làm mới 101 cây cầu, sửa chữa 42km đường, tham gia xây dựng 140 công trình nông thôn mới và đô thị văn minh, thực hiện 63 mô hình bảo vệ môi trường…
Cuối tháng 11/2022, Hội Nông dân tỉnh phối hợp UBND huyện Vĩnh Thuận khánh thành cầu Kênh Xéo, tại ấp Thị Mỹ, xã Vĩnh Phong. Cầu Kênh Xéo dài 21m, ngang 3,2m, tải trọng 2,5 tấn, tổng kinh phí xây dựng 250 triệu đồng; trong đó Hội Nông dân tỉnh vận động tài trợ 50 triệu đồng, nhóm thiện nguyện ở TPHCM tài trợ 200 triệu đồng. Đây là cây cầu thứ 4 của huyện được Hội Nông dân tỉnh kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ huyện Vĩnh Thuận.
Ông Ngô Văn Bền, ngụ ấp Thị Mỹ chia sẻ: "Cầu Kênh Xéo được xây dựng tại vị trí tiếp giáp giữa hai xã Vĩnh Phong và Ninh Thạnh Lợi A của huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) sẽ góp phần kết nối giao thông hai tỉnh. Cầu mới được xây dựng, bà con ở đây ai cũng phấn khởi".
Nông dân xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022. Đây là địa phương được Hội Nông dân tỉnh giải ngân 500 triệu đồng hỗ trợ nông dân thực hiện dự án trồng lúa chất lượng cao trong tháng 11/2022. Ảnh: NQ.
Theo Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, ngoài vận động xây cầu, Hội còn phối hợp cất 67 căn nhà đại đoàn kết giúp hội viên an cư lạc nghiệp. Đồng thời, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hơn 150.600 hộ tham gia bảo hiểm y tế.
Theo Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đến nay đạt 44,3 tỷ đồng, tăng 6% so đầu năm 2022. Theo đó, các cấp Hội đã đầu tư 28,2 tỷ đồng cho 142 dự án bằng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, giúp nông dân khôi phục sản xuất sau đại dịch Covid-19.
Năm 2022, Hội Nông dân tỉnh xây dựng mô hình điểm với 95ha lúa chất lượng cao, rau an toàn cho 122 hộ, đồng thời, tập huấn, chuyển giao khoa học, công nghệ cho 280 nông dân; tổ chức 34 lớp dạy nghề nông nghiệp cho hơn 1.000 lao động nông thôn; hướng dẫn xây dựng mô hình sản xuất tạo việc làm tại chỗ sau khi học nghề cho hơn 1.000 hội viên, nông dân.
Bên cạnh đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh có nhiều nét mới. Qua bình xét, toàn tỉnh có hơn 77.900 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Nông dân trồng hoa xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang thu hoạch hoa bán Tết. Ảnh: NQ.
Ngoài ra, phát huy tinh thần tương trợ, giúp nhau vượt khó, thoát nghèo, các cấp Hội trong tỉnh đã giúp gần 200 hội viên thoát nghèo, với số tiền hỗ trợ 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ trên 7 tỷ đồng vật tư, cây con giống, lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho nông dân.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp giữa Sở NNPTNT, Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu Điện tỉnh hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025. Từ đó, đã phối hợp đưa các sản phẩm như nước mắm Phú Quốc, dưa lê cùng nhiều sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.
Đường giao thông nông thôn xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: NQ.
Theo ông Đỗ Trần Thịnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, năm 2023, tỉnh Hội tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 11-CT/TU của Tỉnh ủy và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng tổ chức Hội trong sạch vững mạnh.
"Hội sẽ chọn 1 xã làm điểm chỉ đạo nhân rộng; tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, sáng tạo; hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia hiệu quả trong mối liên kết "6 nhà" về sản xuất, tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, Hội chỉ đạo tổ chức đại hội điểm cấp huyện và cơ sở, tổ chức Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2023-2028", ông Thịnh cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.