Nuôi cá tra kiểu "xóm nghèo", chưa ai bị lỗ, dịch Covid vẫn bán ngon ơ 2.000 tấn

Trần Đáng Thứ năm, ngày 03/12/2020 07:17 AM (GMT+7)
Nhờ con cá tra, từ một xóm nghèo xơ xác, đến nay đời sống người dân khu Cầu trắng - Xóm chài (ấp 3B, xã Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM) đã trở nên sung túc hơn, góp phần đưa xã Bình Hưng về đích nông thôn mới (NTM).
Bình luận 0

Hiện khu Cầu trắng - Xóm chài có khoảng 100ha diện tích ao nuôi cá tra với hàng chục hộ nuôi. Gần 20 năm trước, đây là vùng trồng lúa. Thấy nuôi cá "có ăn", một số nông dân nạo vét đất ruộng thành ao rồi lấy nghề nuôi cá làm nghề chính.

Thoát nghèo bền vững

Ông Nguyễn Công Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hưng, cho biết để giao thương được thuận lợi, bà con nuôi cá đã cùng nhau bỏ ra hơn 40 triệu đồng để "cứng hóa" con đường đất Cầu trắng - Xóm chài dài khoảng 400m. 

Cặp con đường làng này, mấy ngày nay, anh Nguyễn Văn Hồng - nông dân có 23ha ao nuôi cá tra, đang thu hoạch 6 tấn cá tra/ngày.

"Tuần này giá cá tra nhích lên tí. Mặc dù giá không bằng cùng thời điểm năm 2019 nhưng nông dân nuôi cá cũng thấy nhẹ thở hơn. Các hộ nuôi cá tra ở đây chưa ai lỗ, thậm chí trong mùa dịch Covid-19 vẫn có lời" - anh Hồng chia sẻ.

Xóm nghèo đổi đời nhờ con cá tra - Ảnh 1.

Thu hoạch cá tra tại ao nhà ông Nguyễn Văn Hồng. Ảnh: T.T.Đ

"Sở NNPTNT TP.HCM cũng vừa công bố cá tra nuôi ở Bình Hưng là sản phẩm tiêu biểu của thành phố. Giờ bà con nuôi cá tra ở đây không còn ai nghèo nữa. Nhà nào cũng đầy đủ tiện nghi, con cái ăn học đàng hoàng".

Ông Trương Công Sơn

Theo ông Sơn, sở dĩ có chuyện nông dân Sài thành nuôi cá tra không lỗ dù giá rớt thê thảm trong thời gian qua là bởi thức ăn cho cá tra là "cơm thừa, canh cặn" được lấy hoặc mua từ quán ăn, nhà hàng, công ty, trường học, chợ búa…

"Có thứ nông dân xin, còn nếu mua thì cũng với giá rẻ nhằm giảm giá thành chi phí đầu vào con cá tra. Tại đây cá tra chỉ được cho ăn cám viên công nghiệp trong 1 tháng đầu" - ông Sơn thổ lộ.

Hiện, mỗi năm làng cá tra Sài thành này xuất ra thị trường hơn 2.000 tấn cá. Tất cả số lượng cá này đều phục vụ thị trường trong nước chứ không xuất khẩu.

Chất lượng cá tra ở đây được ngành nông nghiệp thành phố đánh giá là ngon và sạch hơn cá tra nuôi công nghiệp bởi không sử dụng thuốc kháng sinh, tăng trưởng. 

"Vừa rồi, Hội Nông dân xã có lấy mẫu cá tra nuôi đi kiểm tra. Kết quả, thịt cá tra ở đây khá sạch" - ông Sơn thông tin.

Giúp nhau cá giống

Thấy tương lai con cá tra xán lạn, để giúp nhau thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng NTM, những năm qua, CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã đã triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ cá tra giống cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn có điều kiện vươn lên.

Xóm nghèo đổi đời nhờ con cá tra - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hưng Nguyễn Công Sơn và con cá vồ đém được bà con nuôi cá tra tặng. Ảnh: T.T.Đ

Theo ông Sơn, nhằm giúp nông dân vượt qua khó khăn, năm 2016, CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xã Bình Hưng ra đời gồm 38 thành viên với phương châm "Lấy sức dân chăm lo cho dân". 

Ban đầu CLB chỉ hỗ trợ công, cho mượn cám, vốn vay, sau đó mới bắt đầu hướng đến hỗ trợ cho những hộ dân nghèo bằng cách góp vốn, vận động Mạnh Thường Quân trao tặng cá giống cho hội viên, nông dân nghèo.

Ông Nguyễn Minh - một trong những hộ được hỗ trợ cá giống cho biết, gia đình ông là một trong những hộ cận nghèo ở địa phương. Năm 2019, gia đình ông được nhận 10.000 con cá giống ba sa và 10 bao cám viên. Nhờ chăm lo làm ăn, đến cuối năm 2019, trừ hết chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 200 triệu đồng. 

"Việc hỗ trợ con giống của CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xã Bình Hưng đã thành động lực cho bà con nơi đây. Mọi người hăng hái tương trợ nhau, sẵn sàng cho mượn vốn, hỗ trợ công kéo lưới, đắp đê. Thậm chí, nếu thấy trường hợp nào kinh tế còn khó khăn, bà con nhường luôn ngày bán cho thương lái để giúp" - ông Minh thổ lộ.

"Đây là hoạt động truyền thống của nông dân xã Bình Hưng nhằm hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện, gắn với xây dựng NTM" - ông Trương Công Sơn bộc bạch. 

Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem