Nuôi loài bò lừ đừ ăn bờ ngủ bụi, bán đắt tiền, chàng "Quách Tĩnh" lại lên "sóng" Báo Dân Việt lần thứ 3
Nuôi loài bò lừ đừ ăn bờ ngủ bụi, bán đắt tiền, chàng "Quách Tĩnh" lại lên "sóng" Báo Dân Việt lần thứ 3
Xuân Tuấn
Thứ ba, ngày 15/09/2020 13:09 PM (GMT+7)
Anh Phạm Ngọc Tĩnh ở thôn Tu Lễ (xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) hiện là ông chủ của trang trại nuôi rắn nước và ốc nhồi lớn nhất vùng. Vốn ham học hỏi và nuôi khát vọng làm giàu, anh Tĩnh đang ấp ủ nhận rộng mô hình nuôi ốc nhồi ra khắp vùng đồng bằng chiêm trũng.
Clip: Phạm Ngọc Tĩnh ở thôn Tu Lễ (xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) với mô hình nuôi ốc nhồi.
Phạm Ngọc Tĩnh là chàng nông dân năng động, ham học hỏi, thích thử nghiệm những vật nuôi mới lạ. Đây là lần thứ 3 anh lên "sóng" Báo điện tử Dân Việt.
Lần thứ nhất, báo viết khi anh thành công với mô hình nuôi rắn mòng (rắn nước, nhiều nơi gọi là rắn nùng nục). Lần thứ 2 anh lên "sóng" Báo điện tử Dân Việt là khi anh nuôi thành công cua đồng.
Và lần này là lần thứ 3, Báo điện tử Dân Việt viết khi anh nuôi thành công loài ốc nhồi đặc sản-1 vật nuôi không chỉ bán đắt tiền mà còn là chỉ dấu cho sự trở lại an toàn của môi trường ao, hồ, sông, đồng ruộng.
Khu nuôi ốc của anh Tĩnh nằm giữa cánh đồng thuộc thôn Tu Lễ, xã Kim Đường, vùng đồng chiêm trũng huyện Ứng Hoà (TP Hà Nội).
Anh Tĩnh từng nổi tiếng khắp vùng nhờ tài nuôi rắn mòng (rắn nước). Chàng trai quê vùng chiêm trũng này luôn có khát khao cháy bỏng là làm giàu từ đồng đất quê mình. Ngoài nuôi rắn nước, anh còn chuyển sang nuôi cua, nuôi ốc nhồi.
Những con vật mà thủa chưa xa xưa lắm có đầy đồng, đầy ao hồ, sông suối. Nhưng những năm gần đây, rắn, ốc, cua bỗng trở thành đặc sản bởi khan hiếm.
Và nhiều người cùng nhận định rằng, ngoài việc săn bắt vô tội vạ với các phương thức đánh bắt huỷ diệt thì thủ phạm gây ra tình trạng khan hiếm con đặc sản chính là thuốc trừ sâu hoá học, phân bón hoá học, thuốc diệt cỏ và ô nhiễm các loại hoá chất khác...
Anh Phạm Ngọc Tĩnh đã quyết định nuôi những con đặc sản này. Khu nuôi ốc nhồi được anh Tĩnh chia ra làm nhiều ô. Mỗi ô rộng chừng 20m2. Xung quanh ô được trồng khoai nước, thả rau muống, thậm chí trồng cả cỏ dại. Lá khoai ngứa, rau muống, cỏ dai vừa làm thức ăn cho đám ốc nhồi vừa là cái giường êm cho ốc nhồi "nghỉ ngơi".
Giữa trưa, trời nắng gắt, nhưng anh Tĩnh vẫn không ngần ngại sắn quần, lội ao để kiểm tra sức khoẻ đàn ốc nhồi. Đôi tay anh thọc sâu dưới đám bèo, chỉ trong nháy mắt, anh đã đưa lên cả vốc ốc nhồi.
Con ốc nhồi nào cũng béo tròn và đều chằn chặn. "Đám ốc nhồi ưa thích nhất là ở bờ, ở bụi. Thức ăn của chúng cũng chỉ có cỏ, rau muống, lá chuối…Ốc nhồi ăn đơn giản và ở nơi rất đơn sơ, không cần cầu kì về chuồng trại miễn sao phòng, tránh được chuột bọ...".
Theo chàng "Quách Tĩnh", trong số những con vật mà nhà nông hay nuôi như lợn, gà, cá, ngan, vịt, con ốc nhồi là dễ nuôi nhất và cần ít vốn nhất. Ốc nhồi không ăn tốn cám, tốn ngô, tốn thóc như các vật nuôi khác. Ốc nhồi cũng không chạy nhảy, phá hoa màu, trông giữ vất vả như trâu, bò...
Trong khu nuôi ốc nhồi của anh Tĩnh được chia làm nhiều ao nhỏ. Trong mỗi ao, anh Tĩnh thả khoảng vài nghìn con ốc nhồi giống. Từ khi thả ốc nhồi giống, đến lúc thu hoạch chỉ mất 4 tháng - 5 tháng.
Cứ mỗi kg ốc (khoảng 30 con - 40 con) là anh bán được giá 100.000 đồng/kg. Nuôi ốc nhồi gần như không phải mất chi phí về thức ăn, chỉ mất công. Với giá bán cao như vậy, con ốc nhồi là loại mang lại siêu lợi nhuận cho nhà nông.
Nói về lợi nhuận từ việc nuôi ốc nhồi, ai cũng mê, nhưng không phải ai cũng có đủ quyết tâm để theo đuổi cái nghề tưởng như làm chơi ăn thật này.
Theo tính toán của anh Tĩnh, con ốc nhồi giống anh đang bán tại trang trại với giá 250 đồng/con (trên thị trường bán 400đ/con ốc giống).
Từ khi thả ốc nhồi giống xuống ao, đến lúc thu hoạch mất khoảng nửa năm. Giá trung bình một con ốc nhồi thương phẩm mang lại cho người nuôi lên đến 2.500 đồng/con. Như vậy, lãi gấp 10 lần mà chi phí bỏ ra rất ít.
Thức ăn cho ốc không phải mua, người nuôi có thể tận dụng nguồn rau, cỏ quanh nhà.
Nguồn lợi nhuận từ con ốc nhồi mang lại rất lớn, nhưng khi nuôi chúng cũng phải thỏa mãn nhiều điều kiện. Việc đầu tiên là nguồn nước nuôi ốc phải sạch, không bị nhiễm thuốc trừ sâu.
Ốc nhồi rất thích ở bờ, ở bụi, nên không cần ao rộng, ao sâu. Mực nước trong ao nuôi ốc nhồi chỉ cần khoảng 1m. Hơn nữa, nguồn thức ăn cho ốc nhồi cũng phải sạch.
Ốc nhồi rất dị ứng với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học. Theo tính toán của anh Tĩnh, trên 1ha mặt nước, nếu chia được làm nhiều ao nhỏ, có thể nuôi được cả chục tấn ốc thương phẩm. So với nuôi các con vật khác, ốc nhồi là loài dễ nuôi, dễ bán nhất.
"Ốc nhồi vừa thả xuống ao được vài bữa, thương lái đã gọi tơi tới bảo là nếu bán thì để họ mua hàng. Chẳng bao giờ tôi có đủ ốc nhồi để bán. So với các con vật khác, người chăn nuôi phải chật vật lo đầu ra, riêng ốc nhồi rất dễ bán", anh Tĩnh cho biết.
Cạnh khu nuôi ốc nhồi, anh Tĩnh còn xây một gian nhà nhỏ. Trong đó, anh tiến hành ương ốc nhồi giống. Đám ốc nhồi siêu đẻ, nhưng nếu để trứng ở ngoài tự nhiên, chúng nở rất kém.
Do vậy, khi ốc nhồi đẻ xong, anh gom trứng lại và để vào một cái ao nhỏ trong nhà. Cái ao này được lót bạt và phía trên có đặt mấy khay trứng. Ở trong điều kiện mát mẻ và có đủ độ ẩm, trứng ốc nở rất tốt.
Theo anh Tĩnh, hiện nhu cầu mua giống ốc nhồi ở miền Bắc là rất lớn. Hầu hết các cơ sở cung cấp ốc nhồi giống không có đủ giống để bán.
Cái khó của việc nuôi ốc nhồi ở miền Bắc là ốc kém phát triển vào mùa đông. Với đam mê của mình, anh Tĩnh đã nghĩ ra cách nuôi ốc nhồi quanh năm. Cách làm này của anh Tĩnh phải trải qua rất nhiều lần thử nghiệm mới thành công.
Mùa đông ở miền Bắc, nhiệt độ xuống thấp, ốc nhồi không thể phát triển ở trong ao bùn. Anh Tĩnh đã nghĩ ra cách là lót bạt làm ao. Xung quanh ao cũng được che kín bằng bạt.
Ở trong môi trường kín gió, ốc vẫn có thể phát triển được. Anh Tĩnh cho rằng, phương pháp dùng bạt làm ao, nuôi ốc trong mùa đông là rất khả thi. Khi đó, giá bán ốc nhồi rất cao, gấp 1,5 lần so với chính vụ. Hơn nữa, cách làm này người nuôi tốn ít công hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.