Bắt lươn đồng ở ngoài ruộng mang về nuôi trong chậu nhựa, bất ngờ lại thành công
Nuôi lươn đồng, ra đồng bắt lươn giống về nuôi trong chậu nhựa, thanh niên nghèo tỉnh Hà Tĩnh nuôi chí làm giàu
Thứ ba, ngày 30/03/2021 13:04 PM (GMT+7)
Sự chịu khó tìm tòi, học hỏi việc thuần dưỡng, nuôi lươn đồng rồi bán làm lươn giống của anh Nguyễn Văn Thỏa (xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) bước đầu cho kết quả tốt.
Trước khi bắt tay vào thuần dưỡng, nuôi lươn đồng rồi bán làm lươn giống, anh Thỏa đi làm thuê.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mất sớm nên học hết lớp 9, anh Nguyễn Văn Thỏa (SN 1990, thôn Phú Quý, xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) quyết định dừng lại để đi làm thuê đỡ đần kinh tế cho gia đình.
Sau thời gian làm công nhân xây dựng ở Nghệ An rồi sang Thái Lan làm thuê, cách đây 2 năm, anh trở về quê nhà tìm kiếm việc làm và tiện chăm sóc mẹ, bà ngoại đã tuổi cao, sức yếu.
“Ngay khi trở về quê hương, mình nghĩ là phải làm gì đó để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống. Qua tìm hiểu thì thấy mô hình nuôi lươn mang lại hiệu quả kinh tế cao và nhất là không phải lo đầu ra bởi sức tiêu thụ ổn định”, anh Nguyễn Văn Thỏa chia sẻ.
Suy nghĩ là vậy, nhưng cái khó với anh chính là chi phí đầu tư, bởi việc nuôi lươn đồng cần số tiền khá lớn về cả con lươn giống và cơ sở vật chất.
Trong lần đi bắt lươn đồng cùng một số người bạn, trong đầu anh chợt lóe lên ý nghĩ là tại sao không thuần dưỡng loài vật này mà phải đi mua con lươn giống. Thế rồi, anh bắt tay vào việc thử nghiệm thuần dưỡng lươn đồng, nuôi lươn đồng.
Thời gian đầu, anh lên mạng tìm kiếm tài liệu, tham gia nhiều hội nhóm để học hỏi cách thuần dưỡng lươn đồng, nuôi lươn đồng.
“Tìm hiểu thì thấy người ta cứ nói chung chung, chứ không có mấy người hướng dẫn nuôi lươn cụ thể, không thể áp dụng với lươn đồng ở quê mình được. Vì thế, tôi quyết định tự tìm kiếm “công thức” riêng cho bản thân”, anh Nguyễn Văn Thỏa chia sẻ.
Suốt cả tháng liền, người thanh niên này tự nghiên cứu, mày mò chế tạo thành công mô hình xử lý nước tuần hoàn làm từ ống và thau nhựa loại lớn để nuôi lươn.
Vì lươn đồng không thích ánh sáng, nên “hệ thống” này được đặt trong căn phòng chừng 40m2 phía dưới nhà. Trong mỗi chậu nhựa, anh bố trí thêm các dây nilon màu đen để lươn trú ngụ.
Suốt cả tháng liền, người thanh niên này tự nghiên cứu, mày mò chế tạo thành công mô hình xử lý nước tuần hoàn làm từ ống và thau nhựa loại lớn.
Vì lươn không thích ánh sáng, nên “hệ thống” này được đặt trong căn phòng chừng 40m2 phía dưới nhà. Trở lại với giống lươn, ngoài việc tự đi bắt ở các cánh đồng thì anh cũng thu mua lươn đồng lại của một số người.
Lươn đồng sau khi đưa về được phân loại rồi mới cho vào thau. “Mỗi thau nhựa chứa được khoảng 8 kg lươn đồng. Việc mình phân chia ra theo kích thước thì việc cho lươn ăn cũng dễ dàng và thuận lợi cho sự phát triển của chúng”, anh Nguyễn Văn Thỏa lý giải.
Lươn đồng khi mới về thuần dưỡng sẽ không cho ăn trong vòng 7 – 10 ngày. Việc này cùng với thay nước 2 lần mỗi ngày nhằm xử lý các ký sinh trùng bám trên thân lươn, tránh các bệnh về sau. Vượt qua được giai đoạn này, lươn được bổ sung thức ăn từ cá chẽm luộc lên rồi trộn với cám.
“Sau 2 năm thử nghiệm, mình nghĩ là đã làm đúng bởi lươn phát triển khá tốt, không có bệnh tật. Mới đây, mình vừa bán lươn giống cho mấy cơ sở với số tiền 15 triệu đồng. Mình cũng đang xây dựng hệ thống bể nuôi bằng bê tông trên diện tích 50m2 với số tiền 12 triệu đồng”, anh Nguyễn Văn Thỏa chia sẻ.
Đề cập tới chuyện mở rộng mô hình thuần dưỡng lươn đồng, anh Thỏa nói rằng có nghĩ tới, tuy nhiên, vì khó khăn về kinh phí nên chưa thể làm được.
“Muốn làm bài bản thì ít nhất phải có trong tay cả trăm triệu đồng nhưng nói thực, số tiền đó vượt quá khả năng của mình. Nếu có tiền đầu tư thì mình không chỉ cung cấp lươn giống, mà còn nuôi lươn thương phẩm. Mình tin chắc sẽ thành công”, anh Thỏa tâm sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.