Ông Lê Tiến Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận liên quan gì đến dự án của Tập đoàn Rạng Đông?

Bùi Phụ-Ngọc Ánh Thứ sáu, ngày 22/04/2022 09:24 AM (GMT+7)
Ông Lê Tiến Phương là người trực tiếp ký kết nhiều quyết định quan trọng như báo cáo một số vấn đề lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của dự án Ocean Dunes Golf Club (gọi tắt là sân Golf Phan Thiết) liên quan đến Tập đoàn Rạng Đông.
Bình luận 0

Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án Tân Việt Phát 2. Ngoài dự án này ra, còn 8 dự án khác mà Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đang giải quyết theo nguồn tin tố giác tội phạm xảy ra tại UBND tỉnh Bình Thuận và các sở ngành liên quan.

Ông Lê Tiến Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận liên quan gì đến dự án của Tập đoàn Rạng Đông? - Ảnh 1.

Công trình của Tập đoàn Rạng Đông trước đây là sân Golf Phan Thiết. Ảnh Bùi Phụ

Cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Lê Tiến Phương và sân Golf Phan Thiết

Nổi cộm nhất là dự án biến đổi 62ha đất sân Golf Phan Thiết thành khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Ông Lê Tiến Phương cũng là người trực tiếp ký kết nhiều quyết định quan trọng và những báo cáo một số vấn đề lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến việc chuyển mục đích sân golf Phan Thiết sang xây dựng đô thị... Bên cạnh đó là quyết định phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất với diện tích gần 36,4ha được phép chuyển đổi mục đích trong dự án...

Theo nguồn tin và tư liệu PV Dân Việt thu thập được, tại cuộc họp ngày 4/3/2014, sau khi nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo việc chuyển mục  đích sử dụng sang đất ở đô thị, ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh và Thường trực Thành ủy Phan Thiết,… ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình nhấn mạnh:

"Theo báo cáo của nhà đầu tư thì sân Golf Phan Thiết hoạt động không hiệu quả, liên tục thua lỗ, đây là một trong những lý do mà dự án đã chuyển nhượng qua nhiều nhà đầu tư và hiện nay chủ đầu tư xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở đô thị. Mặt khác, sân Golf Phan Thiết được nằm trong quy hoạch hệ thống sân golf Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và được quy hoạch đất thể dục - thể thao tại Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 04/5/2013 của Chính phủ về phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của tỉnh Bình Thuận.

Qua xem xét nhiều chiều, UBND tỉnh Bình Thuận nhận thấy, Phan Thiết trước đây là thị xã, quy mô dân số còn nhỏ, đô thị chưa phát triển, vị trí được chọn làm sân Golf lúc đó là khu đầm lầy, một phần đất dân cư, đất trồng rau, lùm bụi,...

Để thu hút đầu tư tạo thế cho Phan Thiết phát triển, việc lãnh đạo tỉnh thời kỳ đó đã chọn vị trí và đề xuất Trung ương quyết định chủ trương thu hút đầu tư sân Golf Phan Thiết là phù hợp. Song, hiện nay thành phố Phan Thiết đã phát triển (là đô thị loại II), quỹ đất ở và đất công cộng trong đô thị hạn chế, trong khi đó hiệu quả sử dụng đất của sân Golf Phan Thiết thấp, đóng góp cho ngân sách không đáng kể nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân Golf Phan Thiết sang đất ở đô thị là phù hợp nhằm tạo điều kiện cho thành phố Phan Thiết khai thác, sử dụng quỹ đất hợp lý và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị Phan Thiết xứng tầm với thành phố du lịch trong tương lai.

Trước mắt, tạo sự kết nối tuyến giao thông ven biển và một số tuyến đường ngang từ đường Thủ Khoa Huân xuống biển..., giảm thiểu ô nhiễm môi trường do lượng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ mà hàng ngày phải sử dụng cho sân Golf; tăng thêm quỹ đất ở, tạo ra khu đô thị mới, đáp ứng nhu cầu tốt hơn cho nhân dân thành phố Phan Thiết và các địa phương khác có nhu cầu; có thêm nguồn thu cho ngân sách từ việc chuyển mục đích sử dụng đất; về lâu dài, khi đô thị mới hình thành đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho lao động và  tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.

Đồng thời, theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ thì trên địa bàn tỉnh Bình Thuận quy hoạch 8 sân Golf, trong đó thành phố Phan Thiết có 5 sân Golf, nếu chuyển mục đích sử dụng đất sân Golf Phan Thiết sang đất ở đô thị thì vẫn còn 4 sân Golf sẽ đáp ứng nhu cầu chơi golf của nhân dân Phan Thiết và du khách đến Bình Thuận.

Từ những vấn đề trên, UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét cho chủ trương việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của sân Golf Phan Thiết sang đất ở đô thị theo đề nghị của Công ty Cổ phần Rạng Đông.

Ông Lê Tiến Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận liên quan gì đến dự án của Tập đoàn Rạng Đông? - Ảnh 3.

Công trình của Tập đoàn Rạng Đông trước đây là sân Golf Phan Thiết. Ảnh Bùi Phụ

Nếu được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng, tham mưu lập các thủ tục cần thiết để báo cáo các Bộ, ngành liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sân Golf Phan Thiết sang đất ở đô thị; điều chỉnh giảm số lượng quy hoạch sân Golf trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; điều chỉnh giảm diện tích đất thể dục - thể thao, tăng diện tích đất ở đô thị; chỉ đạo nhà đầu tư và các ngành chức năng lập quy hoạch chi tiết khu đô thị mới tại vị trí sân Golf Phan Thiết theo hướng hiện đại và phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp và cộng đồng xã hội, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP.Phan Thiết tăng cường công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân biết để hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong xã hội về vấn đề trên…"

Dự án sân Golf Phan Thiết của Công ty Golf và Câu lạc bộ Golf  Phan Thiết có vị trí tại phường Phú Thủy và phường Thanh Hải thuộc thành phố Phan Thiết đã được Ủy Ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp Giấy phép đầu tư từ năm 1993, với diện tích hơn 62 ha, thời hạn sử dụng đất 50 năm (đến tháng 12/2044) theo hình thức Nhà nước cho thuê đất và trả tiền thuê đất hàng năm, dự án đi vào hoạt động từ năm 1997, qua 4 lần thay đổi và đến ngày 15/11/2013, UBND tỉnh Bình Thuận đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Rạng Đông.

Ông Lê Tiến Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận liên quan gì đến dự án của Tập đoàn Rạng Đông? - Ảnh 4.

Ông Lê Tiến Phương (SN 1957), có trình độ Cử nhân kinh tế, cao cấp lý luận chính trị. Ảnh tư liệu

Đề nghị kỷ luật ông Lê Tiến Phương

Ngày 2/12/2010, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa 8 họp kỳ thứ 15 đã bầu bổ sung ông Lê Tiến Phương, (SN 1957), Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2004-2011. Ông Phương thay ông Huỳnh Tấn Thành đã nộp đơn xin thôi giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh.

Sau những năm làm chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, sáng 11/12/2015, ông Lê Tiến Phương được Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa 9 đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh do ông có đơn xin thôi giữ chức để nghỉ hưu trước tuổi.

Người tiền nhiệm của ông Lê Tiến Phương là ông Huỳnh Tấn Thành cũng được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020; Ban cán sự Đảng UBND tỉnh các nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021 và các cá nhân gồm ông Huỳnh Văn Tí (nguyên bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015), ông Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020), ông Lê Tiến Phương (nguyên chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016), ông Nguyễn Ngọc Hai và ông Lương Văn Hải (nguyên chủ tịch và phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021), ông Hồ Lâm (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021).

Ông Lê Tiến Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận liên quan gì đến dự án của Tập đoàn Rạng Đông? - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Ngọc Hai, nguyên Chủ tịch ( phải) và ông Lương Văn Hải, nguyên phó UBND tỉnh Bình Thuận - cả hai ông đã bị khởi tố và bắt giam. Ảnh CTV

UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020; Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và các ông:

Ông Huỳnh Văn Tí, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Tiến Phương, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Ngọc Hai, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lương Văn Hải, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Hồ Lâm, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem