"Tôi ủng hộ quy định không mặc quần bò đi làm của Bộ Nội vụ"
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: “Tôi ủng hộ quy định không mặc quần bò đi làm của Bộ Nội vụ”
Hà Tùng Long
Thứ năm, ngày 24/06/2021 17:02 PM (GMT+7)
“Quy định này chỉ áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Nội vụ thì không có vấn đề gì phải bàn cãi”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Mới đây, bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa ký Quyết định ban hành về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đến công sở phải mặc trang phục lịch sự, đầu tóc gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu.
Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc (quần, áo kín đáo, váy dài quá đầu gối, không xẻ tà quá cao, không được mặc quần bò, áo phông không có ve cổ).
Sau khi bộ Quy tắc này được công bố, quy định cán bộ công chức, viên chức Bộ Nội vụ không được mặc quần bò đi làm đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều.
Có người ủng hộ quy định này để môi trường làm việc nghiêm túc, chính quy hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều người phản ứng vì quy định này hơi khắt khe. Họ cho rằng chỉ cần cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không ăn mặc phản cảm, hở hang… thì hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam về vấn đề này.
Thưa ông, Bộ Nội vụ vừa ban hành bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong đó, quy định, cán bộ công chức, viên chức Bộ Nội vụ không được mặc quần bò đi làm đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?
Trước hết, tôi ủng hộ cách làm của Bộ Nội vụ trong việc ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Bộ. Thực ra, đây không phải là một cách làm mới.
Ngay Bộ Nội vụ, năm 2008 cũng đã ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Nội vụ.
Tuy nhiên, việc ban hành bộ quy tắc ứng xử trong giai đoạn hiện nay vẫn rất cần thiết vì sau một thời gian khá dài (13 năm) thực hiện bộ quy tắc ứng xử năm 2008 chắc chắn sẽ có những điều chưa thực sự phù hợp với thực tiễn hiện nay, và việc điều chỉnh, bổ sung cũng là điều dễ hiểu.
Bộ Nội vụ lại là cơ quan cần phải làm gương trong việc xây dựng văn hoá công sở nên trong bối cảnh Chính phủ mới đang có những hành động quyết liệt trong chấn chỉnh các hoạt động nói chung, thái độ, hành vi ứng xử của công chức, viên chức nói riêng, thì việc làm này lại càng đáng khuyến khích.
Nhiều người cho rằng, quy định cán bộ công chức, viên chức Bộ Nội vụ không được mặc quần bò đi làm là hơi cứng nhắc, khắt khe... Chỉ cần không mặc đồ hở hang, phản cảm, trái với văn hoá công sở là được. Ông có đồng tình với ý kiến này?
Liên quan đến những quy định cụ thể như cách ăn mặc chẳng hạn, tôi cho rằng đó thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ. Nếu đây là quy định áp dụng chung cho toàn xã hội thì chúng ta có thể phải tranh cãi về tính phù hợp của nó. Tuy nhiên, đây chỉ áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Nội vụ thì lại không có vấn đề gì phải bàn cãi.
Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, cộng đồng hay thậm chí gia đình có thể có quy định riêng, thể hiện văn hoá của chính mình. Điều quan trọng là văn hoá ấy phù hợp với bối cảnh, đặc thù công việc, và được sự đồng tình, ủng hộ của mọi người trong cộng đồng ấy.
Khi chúng ta ứng xử với văn hoá, chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt, quyền văn hoá của mỗi người, trong đó có quyền quyết định về văn hoá của chính họ, miễn là những biểu hiện văn hoá ấy không đi ngược lại những giá trị của cộng đồng chung.
Chúng ta không nên có thái độ ép người khác phải nghĩ giống mình, nói giống mình và làm giống mình. Chỉ khi đó, chúng ta mới thực sự tạo điều kiện để bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hoá, giúp văn hoá phát triển.
Trước những sự việc ồn ào này, liệu ông có lời khuyên nào dành cho các tổ chức trong việc xây dựng bộ Quy tắc ứng xử nội bộ vừa phù hợp với sự phát triển văn hoá chung, vừa phù hợp với văn hoá công sở nội bộ mà không gây nên những ồn ào không đáng có?
Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên môi trường mạng, và giờ đây Bộ Nội vụ cũng ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cho Bộ của mình, tôi nghĩ đây là một xu thế chung để chúng ta có thể ứng phó với bối cảnh xã hội mới, nơi mà những tác động của xã hội, đặc biệt từ môi trường mạng, đã đôi lúc khiến chúng ta xao nhãng, mất định hướng trong hành vi ứng xử của mình.
Nếu như các bộ ngành, lĩnh vực khác của đời sống xã hội cũng có được bộ quy tắc ứng xử của mình, đó cũng là điều nên làm để tất cả có thể điều tiết hành vi ứng xử cho cộng đồng mình, từ đó là cho toàn xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.