Phát triển nhà ở xã hội cần giảm bớt thủ tục hành chính
Phát triển nhà ở xã hội: Giảm bớt thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Thái Nguyễn
Thứ năm, ngày 29/09/2022 11:05 AM (GMT+7)
Thực tế, kết quả phát triển nhà ở xã hội còn thấp so với yêu cầu và trên thực tế chưa giải quyết được nhu cầu của người dân về nhà ở xã hội. Nguyên nhân là do theo quy định, doanh nghiệp cần phải làm rất nhiều thủ tục hành chính khiến việc xây dựng nhà ở xã hội chưa được các doanh nghiệp mặn mà.
Thời gian qua, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có các quy định về hỗ trợ, ưu đãi để tạo điều kiện thông thoáng cho các đơn vị tham gia đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên, vẫn nhiều khó khăn, hạn chế, trong đó, nguyên nhân được nhắc nhiều nhất là do cơ chế, chính sách hiện nay chưa đủ mạnh, chưa phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội...
Cho ý kiến về quy định liên quan đến nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty CP tư vấn dịch vụ thương mại địa ốc Hoàng Quân đề xuất nhà ở xã hội về tính chất đều giống nhau thì nên cho tất cả 11 đối tượng đó được mua trong tất cả các dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Thêm vào đó, nhà ở lưu trú công nhân là loại hình rất đặc biệt, cần làm rõ hơn, Trong đại dịch vừa qua, đây là nơi bị tác động lớn nhất nhưng dự thảo luật lại chưa quy định rõ.
"Nếu công nhân muốn mua nhà thì phải thường trú ở đó 1 năm mới được mua. Tôi nghĩ miễn có nguyện vọng lưu trú là được. Một nhà máy phải mở ra thì công nhân họ mới về, họ đã đăng ký lưu trú thì họ có quyền thuê, mua mà không cần phải đợi tới một năm. Cùng với đó, nên khuyến khích các chủ đầu tư được đưa vào giá thành khu công nghiệp. Giả sử tòa nhà đó 50 tỷ thì họ được quyền đưa vào hết. Công nhân sẽ gần như được miễn phí hoặc ở với chi phí rẻ thì mới chịu được. Chứ nếu không thì thời gian hoàn vốn không thể nào trong 20 năm được. Tôi nghĩ cần có chính sách đặc biệt hơn để chủ đầu tư bỏ tiền vốn đầu tư và được bỏ 100% vào", ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cũng cho rằng về đất nên chắc chắn 100% phải là đất sạch. Đó là nhu cầu của địa phương, nhà nước lẫn người dân mà trong đó, nhà nước và tỉnh là được lợi nhiều nhất. Còn về thiết kế quy hoạch, ông Tuấn kiến nghị hiệp hội cần làm việc với bộ quy hoạch nhiều hơn nữa để làm ra thiết kế một cách rõ ràng thực sự.
Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lan Hưng cũng chỉ ra vấn đề khó khăn khi doanh nghiệp làm nhà ở xã hội chính là thủ tục bán nhà. Theo quy định, doanh nghiệp muốn bán nhà ở xã hội phải gửi danh sách về Sở Xây dựng kiểm tra và phản hồi lại thì mới được ký hợp đồng mua bán. Điều này làm mất rất nhiều thời gian, không biết bao giờ doanh nghiệp mới được bán nhà, về phía người dân cũng rất lâu mới được nhận nhà.
"Tôi được biết là đang có khoảng 1.800 hồ sơ thì kiểm tra đến bao giờ xong. Doanh nghiệp sẽ chậm thu hồi vốn, có khi đến 2-3 năm cũng không xong. Tôi đề nghị để các doanh nghiệp được ký hợp đồng và tự chịu trách nhiệm", ông Toàn chia sẻ.
Ông kiến nghị, cần có chủ trương cụ thể để quy trình phê duyệt nhà ở xã hội được đẩy nhanh, vì thực tế có những trường hợp nhiều năm không xong, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi nhiều người có nhu cầu tìm chỗ ở thì vẫn không mua được nhà.
Bên cạnh đó, một vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội là nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội được lợi nhuận 10% nhưng lại bắt bỏ 20% để cho thuê. Theo ông Toản đây là phương án là bất hợp lý, quá lãng phí và làm khó cho doanh nghiệp.
Đối với Nhà ở xã hội, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh, Chuyên gia pháp lý đất đai, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản cho rằng việc Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đề xuất áp dụng phương thức giao đất không thu tiền sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội sẽ gây ra vướng mắc, bất cập có thể dự báo ngay từ thời điểm này.
Ông Đỉnh cũng kiến nghị 2 giải pháp: Thứ nhất, Luật Đất đai sửa đổi vẫn quy định Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội như luật hiện hành. Tuy nhiên ở điều luật quy định về giá đất cụ thể có bổ sung quy định: "Trường hợp giao đất để xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội thì giá đất tính thu tiền sử dụng đất được xác định theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất. Chủ đầu tư dự án được miễn tiền sử dụng đất.
Thứ hai, Luật Đất đai sửa đổi quy định Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên ở điều luật quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có bổ sung thêm quy định riêng đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.