img

òn nhớ, trước đó năm 2017, vụ đột kích kho xưởng gỗ nghiến ở huyện Vị Xuyên, chỉ chưa đầy 14 m3 gỗ bị thu giữ, đã được coi là phi vụ lớn nhất địa phương này và sau đó Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã có chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu chấn chỉnh thảm trạng. Còn con số hiện nay, ít nhất gấp… 50 lần. Ở tỉnh Lào Cai kế bên, năm 2019 hai đối tượng chặt 1 cây nghiến ở huyện Mường Khương tổng thể 24m3 (chưa kịp lấy đi mảnh nào) đã lãnh án tù giam 11 năm.

Chúng tôi đã tìm nhiều nguồn tư liệu, số liệu các cơ quan chức năng liên quan đến các vụ việc phá rừng gỗ nghiến đã được phát hiện. Tính đến thời điểm này, vụ việc tại Bắc Mê (Hà Giang) có thể coi là vụ "thảm sát" rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam!

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam! - Ảnh 2.

Vài chục thân nghiến hàng chục, hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ trong rừng ở Bắc Mê, Hà Giang.

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam! - Ảnh 3.

Có gốc cây, nhà báo nằm trên đó lọt thỏm như con mèo nằm cuộn trong chiếc nong. Đường kính gốc 2,7m; cây gỗ cao vài chục mét, thử hỏi mỗi cây mấy chục mét khối gỗ thuộc nhóm IIA - xếp vào hàng quốc cấm "nguy cấp, quý hiếm" của Việt Nam ta?

Trong nhiều ngày đi rừng, chúng tôi chứng kiến ít nhất 5 khu vực các "báu vật thiên nhiên trên núi đá" bị đốn hạ. Những cây gỗ cổ thụ được nhóm phóng viên thống kê, ghi hình. Trung tuần tháng 6, trong những chuyến đi rừng, PV đến những khu chưa có dấu hiệu được cơ quan kiểm đếm điều tra ghi nhận đánh dấu gỗ nghiến bị đốn hạ.

Khi đó, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Hải Lý - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Giang đã phải ghi nhận ban đầu: vài chục cây nghiến cổ đã bị đốn hạ.

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam! - Ảnh 4.

Tổng lượng gỗ rừng già bị tổn thất, bị ăn cắp đem đi, bị vứt lại trong các "công xưởng" xẻ gỗ mênh mông, ít nhất phải vài trăm hoặc nhiều trăm mét khối …

Rừng cổ thụ không biết nói tiếng người, nhóm PV Dân Việt phải bí mật nhờ những người dân, những cán bộ "tốt" đưa vào rừng để tận thấy thảm trạng kể trên. Khi thấy nhóm PV, ông Lù Quốc Hưng - Trưởng Công an huyện Bắc Mê còn bảo nhà báo: "Ở đây có gì mà viết bài, đi chỗ khác đi".

Chúng tôi đi đến đâu cũng bị theo dõi, dân và cán bộ đưa chúng tôi đi rừng liên tục bị "can thiệp" và có người phải bỏ cuộc dù đã hứa. Chúng tôi chỉ còn biết điều tra độc lập và lên tiếng một cách minh bạch nhất có thể.

Báo Điện tử Dân Việt là tờ báo đầu tiên đăng tin về vụ phá rừng nghiến cổ thụ trong Vườn quốc gia Du Già, ngày 11/6. Đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang vẫn chưa ai "dũng cảm" chính thức đưa số lượng cây, khối lượng gỗ bị đốn hạ trong vụ phá rừng kinh khủng này.

Tính đến nay, nhóm Phóng viên Dân Việt đã dày công nhiều ngày đi bộ, leo núi, luồn rừng để đến được nhiều điểm rừng bị phá. Có chỗ cách đường ô tô vài trăm mét, có góc rừng tan hoang đi bộ 4 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Đi chỗ nào cũng "chảy máu mắt" vì xót xa cho rừng nghìn năm tuổi. Ít nhất vài chục cây nghiến khổng lồ, với hàng trăm mét khối gỗ quý bị thảm sát.

Số gỗ bị chặt hạ ở Vườn Quốc gia Du Già, ở rừng phòng hộ Bắc Mê là vài chục gốc cây cổ thụ, chúng tôi đo, có cây 2,7m; có cây 1,6m đường kính gốc. Tính thêm chiều cao của cây sẽ ước lượng ra khối gỗ bị chặt hạ.

Song, họ đã lấy gỗ đi khỏi rừng rồi, chỉ còn gốc và ảo ảnh về một cánh rừng tối sẫm không thấy ánh sáng mặt trời sau cả nghìn năm các cụ nghiến gặn chắt từng giọt nước, từng cọng đất để ngạo nghễ vươn lên trên núi đá tai mèo xám ngoét. "Sợ gì gió, sợ gì mưa", đó là câu thơ tôn vinh sức mạnh kiên cường của các rừng nghiến miền Bắc núi đá Việt Nam ấy.

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam! - Ảnh 5.

Lần đầu, chúng tôi đi từ xã Minh Ngọc, vài giờ đi bộ thì gặp một cánh rừng lớn ngổn ngang. Đếm, rồi cơ quan chức năng đến đánh số bằng sơn đỏ từ cây thứ nhất đến ít nhất "cây thứ 26". Có thể có các con số khác chúng tôi "thấy cây mà chưa thấy hết rừng".

Được người dân ủng hộ, phóng viên đi bộ đến một tán rừng thưa, 3 cây nghiến đại thụ bị đổ kềnh, còn chưa có dấu hiệu cán bộ đến kiểm tra (vạch sơn đỏ, sơn trắng lên gốc cây). Hôm sau chúng tôi giấu ô tô thật kĩ, 4 giờ sáng giắt dao quắm và đèn pin (không bật sáng) vào hành lý, lặng lẽ đi lên rừng trước khi trời sáng để tránh bị theo dõi.

Ở rừng già thuộc hai xóm 4 và 5 thôn Lùng Càng, có hơn 10 cây nghiến lớn bị đốn hạ tan hoang. Một góc rừng đặc dụng (Vườn Quốc gia) nát bươm với hơn bốn chục cây nghiến bị đốn hạ.

Sang đến rừng phòng hộ cũng thê thảm không kém. Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Mê, ông Hoàng Công Trình trả lời phỏng vấn trực tiếp với Dân Việt, đã thừa nhận bằng bản báo cáo nhanh của Hạt kiểm lâm huyện Bắc Mê, lập và ký ngày 27/6/2021. Theo đó, 21 cây nghiến bị đốn hạ, riêng ở rừng sản xuất (chưa tính rừng của VQG Du Già) đã là 72,417 m3 gỗnghiến bị lâm tặc bỏ lại trong rừng. Số gỗ lâm tặc lấy đi trót lọt bao nhiêu thì "có giời mà biết".

Chúng tôi tiếp tục vào rừng bằng cách bỏ tiền thuê người dẫn đường bí mật sau nhiều giờ vắt cắn, lấm lem bê bết, chân toạc máu vì các đỉnh núi ủ rêu trơn trượt. Dân lại tố có một "xưởng mộc" giữa rừng với 8 cây nghiến đại thụ. Đi tiếp, rừng phòng hộ cũng bị phá, cũng có nghiến cổ thụ - loài cây quý ở góc độ bảo tồn và đắt đỏ vài trăm triệu đồng/cây theo giá chợ đen - bị đốn hạ tan tành.

"Kiểm lâm đã đến bắn tọa độ khoảng 30 cây nghiến bị đốn hạ ở chỗ này", người dẫn đường từng đưa cán bộ đi kiểm kê lâm sản bị "xẻ thịt" trái phép tiết lộ. Chúng tôi đếm, kiệt sức rồi, không muốn đếm thêm nữa. Ghi nhận bước đầu cũng ngót mấy chục cây nghiến khổng lồ bị chặt hạ, cưa xẻ.

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam! - Ảnh 6.

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam! - Ảnh 7.

Vậy là 3 loại rừng ở Bắc Mê đều có các vựa nghiến khổng lồ bị tàn phá. Câu trả lời - có thể chắc chắn chưa là câu trả lời cuối cùng và cũng rất dễ gây tranh cãi khi "ai đó" muốn giấu thực trạng để mất rừng - đã dần dà xuất hiện. Lượng gỗ bị đốn hạ quá lớn. Thống kê chưa đầy đủ, cũng năm sáu chục cây đã được ghi nhận. Bấm đốt ngón tay, cũng biết một cây đại thụ đường kính gốc 2,7m mà cao 40m, đem lại "nguồn lợi" bao nhiêu mét khối gỗ cho lâm tặc cầm cưa và lâm tặc tham nhũng rừng.

Nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi, vài trăm mét khối (số bị vứt lại hiện trường của riêng một "ổ" nhỏ được báo cáo bằng văn bản đã gần 73m3!)  gỗ nghiến kia là con số kỉ lục tới mức nào? Chúng tôi dùng từ"vụ việc có khối lượng gỗ nghiến cổ thụ bị tàn phá lớn chưa từng có" ở Hà Giang cho loạt bài này đã thuyết phục chưa? Thế các vụ từng được biết đến nhỏ hơn ra sao?

Gõ trên Google tìm thông tin về các vụ phá rừng nghiến, phá án về gỗ nghiến lớn nhất Việt Nam, đọc các bài báo đã viết về chủ đề này, tìm số liệu từ cơ quan chức năng. Có những con số như thế này: ngày 1/10/2019, Báo Nhân Dân đăng: 11 năm tù dành cho hai đối tượng người huyện Mường Khương vì chặt một cây gỗ nghiến.

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam! - Ảnh 8.

Giàng Quáng Phủng và Hồ Cổ Du (người xã Nậm Chảy) giết chết đúng 1 cây nghiến với khối lượng tổng thể (chưa hề mang tang vật đi như vụ chúng ta đang nói ở trên) là 26,4 m3. Số gỗ kia chỉ là gỗ ở rừng phòng hộ, tính chất trầm trọng của nó thấp hơn hẳn vụ ở "Vườn Quốc gia" Du Già tỉnh Hà Giang hiện nay. Đấy là chưa kể, ước tính, số lượng gỗ nghiến cổ thụ bị phá ở Bắc Mê vừa qua phải lên đến vài trăm mét khối (so với 26,4m3 đã đi tù 11 năm kia).

Trước đó, TTXVN đưa bài viết "Bắt giữ vụ gỗ nghiến được sơ chế dạng thớt lớn nhất từ trước đến nay" ở Hà Giang.  Tổng khối lượng là hơn 13m3, được thu giữ ở kho xưởng của ông Vũ Mạnh Hoạch, thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên. Và sau đó, trước tình trạng "nóng" trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Hà Giang, Bộ NNPTNT cần ra quân ngăn chặn tình trạng phá rừng nghiến trên địa bàn. 13m3 đã kinh động như thế, thử hỏi, vụ này gấp mấy chục lần con số "kỷ lục" kia thì sao? Nếu cho chúng tôi đi rừng thêm buổi nữa, có thể con số sẽ không dừng lại ở mức… vài chục đại thụ bị "hành quyết".

Nói thật, các vụ điều tra phá rừng nghiến của chúng tôi trước đó, có khi chỉ 1-2 cây bị chặt ở Tuyên Quang, đã khởi tố hình sự. Vài cây bị đốn hạ, Bí thư Tỉnh ủy đã vào đến hiện trường kiểm tra, Cục Kiểm lâm đã hỏa tốc vào cuộc. So sánh như thế để thấy, vụ việc ở Bắc Mê, ở rừng đặc dụng Du Già hiện nay, tính chất "kinh hoàng" hơn gấp nhiều lần.

Bởi, đây là khu vực tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động vật nằm trong sách đỏ, được bảo vệ cao nhất trên toàn cầu như vọoc mũi hếch Bắc Bộ, vượn đen má trắng, sơn dương nâu…; nhiều loài thực vật quý hiếm như: bách xanh, bách xanh núi đá, nghiến, đinh. Việc mất rừng trên quy mô lớn chưa từng thấy, với những cây gỗ nghiến bị chặt phá đường kính thậm chí lên tới 2,7m như hiện nay trong khu vực là một tổn thất lớn của chúng ta, nhất là khi chúng còn là một phần quan trọng của di sản Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Phía sau vụ “thảm sát” rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam! - Ảnh 9.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem