Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
"Tỉnh đã đề nghị công an vào cuộc. Tới đây, kiên quyết làm rõ, xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản không hợp pháp", ông Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định.
Kỳ họp thứ 17 HÐND tỉnh Bình Định khóa XIII bước vào phiên chất vấn, trả lời chất vấn đối với các Giám đốc Sở, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định.
Tại đây, đại biểu HĐND tỉnh Bình Định cho rằng, còn buông lỏng quản lý trong khai thác tài nguyên khoáng sản, từ việc quy hoạch, cấp phép, vận chuyển… Vì vậy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lê Văn Tùng cần trả lời, rõ trách nhiệm, các vấn đề trên.
"Cấp phép xong doanh nghiệp khai thác, thì ai sẽ quản lý. Cấp phép 1 đằng, khai thác 1 nẻo, cấp ít khai thác nhiều, những việc này cần làm rõ để xử lý trách nhiệm. Các mỏ khoảng sản tại sao không đấu giá khai thác lại để kéo rê từ năm này sang năm khác dẫn đến việc chủ đầu tư, huyện, xã không có khoáng sản để phục vụ thi công công trình", Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu Giám đốc Sở Lê Văn Tùng, trả lời thẳng vấn đề.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tỉnh này đã xử lý 20 doanh nghiệp vi phạm với tổng số tiền xử phạt hành chính lên đến 2,4 tỷ đồng. Trong đó, đề nghị đình chỉ hoạt động 6 giấy phép và thu hồi 2 giấy phép, đã cấp cho doanh nghiệp. Tới đây, Bình Định sẽ tiếp tục tăng cường công tác hậu kiểm, những trường hợp vi phạm sẽ cương quyết xử lý nghiêm.
"Đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản vượt trữ lượng so với giấy phép đã cấp thì phải kê khai các khoản thuế theo quy định, thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước", ông Lê Văn Tùng nói.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định đề nghị, các địa phương chỉ đạo kịp thời để xử lý các trường hợp vi phạm, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh.
Đối với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, phải chịu trách nhiệm xác định nguồn gốc khoáng sản hợp pháp. Trong đó, những doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái quy định của pháp luật, không có đầu vào hợp pháp, thì chủ đầu tư cần làm rõ, kiên quyết không thanh toán khối lượng. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra xử lý các trường hợp vận chuyển khoáng sản vi phạm.
"Tới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của doanh nghiệp, nếu vi phạm cương quyết xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép, dù bất kể đó là ai. Đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt camera tại 159 mỏ đã được UBND tỉnh cấp phép, đặt 52 trạm cân và đang đề xuất xây dựng phần mềm theo dõi trên hệ thống, để kiểm tra giám sát bằng công nghệ", ông Lê Văn Tùng nói.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, quy trình cấp phép mỏ khoáng sản được thực hiện theo luật, lấy ý kiến từ dưới địa phương, cộng đồng dân cư, đúng quy hoạch thì cấp huyện đề xuất lên để UBND tỉnh cấp phép.
Trách nhiệm trong việc khai thác khoáng sản trái phép thuộc về địa phương, cụ thể là cấp xã.
"Vừa rồi xảy ra loạt vấn đề liên quan đến khai thác khoáng sản, Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo và trực tiếp tôi đã có ý kiến thành lập Tổ liên ngành đi kiểm tra chấn chỉnh, xử lý ngay tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, trái quy định. Đặc biệt, cũng đã đề nghị công an vào cuộc", ông Nguyễn Tuấn Thanh nói.
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định, có tình trạng ở dưới địa phương móc ngoặc với nhau để khai thác khoáng sản trái phép, không hợp pháp.
"Nếu đúng như vậy thì tới đây kiên quyết, làm rõ để xử lý. Trước Hội đồng Nhân dân, tôi nói thẳng thực trạng, để thấy được trách nhiệm, chứ không phải riêng gì trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường. Về phía quản lý nhà nước, khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản không đúng quy định, UBND tỉnh đã kiểm điểm, chấn chỉnh đối với Sở Tài nguyên và Môi trường", ông Nguyễn Tuấn Thanh thẳng thắn.
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đề nghị UBND tỉnh, quản lý chặt chẽ trong việc quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản.
Các công trình thương mại, thì xây dựng tiêu chí đấu giá khai thác khoáng sản, gắn với việc phù hợp quy hoạch.
Các công trình của tỉnh, huyện, xã sử dụng ngân sách nhà nước, cần cấp phép khai thác khoáng sản để phục vụ thi công. Xã, huyện nào không xin cấp phép khai thác khoáng sản các công trình do mình làm chủ đầu tư, thì xã, huyện đó, chịu trách nhiệm.
"Việc này, UBND tỉnh hướng dẫn Chủ tịch UBND huyện ký vào, để sau này khỏi đổ thừa. Lâu nay, xã đổ thừa huyện, huyện đổ lên tỉnh, kết quả mấy năm nay không có mỏ khoáng sản nào cả. Cuối cùng mạnh ai nấy hốt trộm. Nếu không làm, thì vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản không đúng quy định, chính việc này dẫn đến sai phạm. Như thế là không được", ông Hồ Quốc Dũng đặt vấn đề.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định, đất, cát tại Bình Định không thiếu nhưng do cách làm không đầy đủ, chưa hết trách nhiệm của cán bộ, nên dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
"Việc này cần phải chấn chỉnh. Khi đã cấp phép thì phải quản lý chặt chẽ, lắp đặt camera, trạm cân, kiểm tra tải trọng", Bí thư Hồ Quốc Dũng nhắc nhở Giám đốc Sở Lê Văn Tùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.