Dân Việt

Chồng đòi tiền ăn, khám bệnh của vợ lúc chia tay có vi phạm quy định?

Nguyễn Đức 05/03/2021 14:24 GMT+7
Theo luật sư, sau vụ việc chia tay, người chồng giữ lại giấy tờ tùy thân như bằng đại học, sổ bảo hiểm xã hội… của người vợ và yêu cầu người vợ phải đưa số tiền (hơn 42 triệu đồng) mới trả giấy tờ là vi đáng lên án, có thể có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Như Dân Việt đưa tin, trên mạng đang lan truyền một biên bản bàn giao với nội dung khi chia tay, nếu người vợ muốn lấy lại giấy tờ tùy thân thì phải trả các khoản tiền mà người chồng đã "đầu tư" trước đó như: Tiền ăn, học phí, khám chữa bệnh phục vụ sinh sản…

Theo nội dung biên bản, người vợ đã chuyển cho anh H. số tiền 42,6 triệu đồng. Biên bản bàn giao cũng có đại diện thôn, chi hội phụ nữ, công an viên phụ trách thôn làm chứng.

Ngày 4/3, ông Vũ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn cho hay, cả anh H. và chị H. đều đã từng có gia đình, sau khi chia tay người cũ thì hai người đến với nhau, có làm đăng ký kết hôn.

Về việc lập biên bản bào giao, theo ông Thắng là chuyện riêng giữa anh H. và chị H., chính quyền địa phương không can thiệp mà chỉ thực hiện các bước theo quy trình ly hôn thì tổ chức hòa giải trước, nếu hòa giải không thành hai người sẽ đưa nhau ra tòa để làm thủ tục ly hôn.

Chồng đòi tiền ăn, khám bệnh của vợ lúc chia tay có vi phạm quy định? - Ảnh 1.

Trên mạng lan truyền biên bản bàn giao với nội dung khi chia tay, nếu người vợ muốn lấy lại giấy tờ tùy thân thì phải trả các khoản tiền mà người chồng đã "đầu tư" trước đó như: Tiền ăn, học phí, khám chữa bệnh phục vụ sinh sản…

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho hay, vụ việc nêu trên nếu là thật thì cách hành xử của anh chồng không chỉ thiếu tính nhân văn và còn không đúng quy định của pháp luật. 

Khoản 3 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình quy định nguyên tắc xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.

Đồng thời, pháp luật cũng quy định vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.

Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Chính vì vậy, người chồng đòi tiền vợ khi đưa vợ đi khám chữa bệnh là không đúng về thuần phong mỹ tục và quy định của pháp luật.

Chồng đòi tiền ăn, khám bệnh của vợ lúc chia tay có vi phạm quy định? - Ảnh 3.

Biên bản bàn giao được cho là của chị H. viết lan truyền trên mạng xã hội.

Về việc anh chồng giữ lại giấy tờ tùy thân như bằng đại học, sổ bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động… của người vợ và yêu cầu người vợ phải đưa số tiền (42,6 triệu) như đã nói ở trên mới trả giấy tờ cho người vợ. Hành vi này có thể có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

"Nếu như cơ quan chức năng xét thấy có dấu hiệu của việc uy hiếp, bắt buộc người vợ phải đưa tiền mới trả những giấy tờ tùy thân cho người vợ thì người chồng có thể bị điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản được quy định tại điều 170 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017", luật sư Bình nói

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, hành vi của người chồng rất đáng lên án cả về mặt đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và lương tâm, trách nhiệm của người chồng trong gia đình.

Hành vi này tuy không cấu thành tội phạm nhưng trong quan hệ hôn nhân gia đình được coi là hành vi cưỡng ép ly hôn và cũng cần thiết phải xử lý bằng pháp luật mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa tình trạng bạo lực trong gia đình.

Nếu như cơ quan chức năng xác minh, làm rõ, có thể người chồng sẽ bị xử lý về hành vi: "Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác" theo Khoản 2 Điều 55 Nghị định 167/2013 với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.