Dân Việt

Cà Mau: Nuôi dày đặc thứ cá dữ ở bể xi măng, thiên hạ lao đao vì sao anh này vẫn "bình chân như vại"?

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, “lấy công để làm lời”, anh Trương Thanh Tú, ở ấp 5, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) vừa đi thu mua cá phi theo các vuông về bán lại lấy lời, vừa tận dụng một cá phi ươn, cá phi dạt để làm cá mồi nhằm duy trì mô hình nuôi cá sấu của mình.

Nhờ cách làm này, anh Trương Thanh Tú (xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) không những trụ vững với mô hình nuôi cá sấu mà còn có thêm thu nhập cho kinh tế gia đình.

Cà Mau: Nuôi dày đặc thứ cá dữ ở bể xi măng, thiên hạ lao đao vì sao anh này vẫn "bình chân như vại"? - Ảnh 1.

Anh Trương Thanh Tú ((xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) đang cho cá sấu ăn.

Từ năm 2012, khi giá cá sấu tăng cao, anh Trương Thanh Tú, ở ấp 5, xã Khánh Tiến, huyện U Minh cũng như nhiều nông dân khác trong vùng đầu tư vốn xây dựng chuồng, mua cá sấu giống, đi học hỏi kinh nghiệm để thực hiện mô hình nuôi cá sấu thương phẩm. 

Qua mô hình nuôi cá sấu, anh Tú muốn tận dụng tốt tiềm năng đất đai, nguồn cá mồi sẵn có để tạo việc làm, tăng thu nhập cho kinh tế gia đình. 

Anh Tú nhớ lại, trước đây mỗi kg cá sấu thương lái đến tận nhà cân có giá từ 160.000 đến 180.000 đồng. Có thời điểm hút hàng, giá 1kg cá sấu có thể tăng lên 200.000 đến 220.000 đồng/kg. 

Đến năm 2018 – 2019, giá cá sấu rớt xuống chỉ còn khoảng 100.000 đến 110.000 đồng/kg. Mặc dù vậy, người nuôi cá sấu vẫn có lời. Đến năm 2020 và 2021 này, giá cá sấu tiếp tục giảm sâu, chỉ còn từ 60.000 đến 70.000 đồng/kg – mức giá thấp từ trước đến nay. 

Có lúc, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cá sấu thương phẩm không có ai mua, người nuôi cứ để lâu để chờ giá tăng lên rồi mới bán. 

Nhưng càng nuôi, càng chờ giá lên thì càng lỗ nặng. Thời điểm này, nhiều hộ nông dân nuôi cá sấu đã “hụt hơi”, thiếu vốn nên phải bỏ cuộc, phơi ao vì giá xuống thấp, khó tìm đầu ra cho sản phẩm. 

Riêng anh Trương Thanh Tú, ở ấp 5, xã Khánh Tiến, huyện U Minh vẫn tiếp duy trì nghề nuôi cá sấu của mình.

Sở dĩ anh Tú không bỏ cuộc với mô hình nuôi cá sấu của mình là vì anh đã đầu tư tương đối nhiều tiền vốn cho xây dựng chuồng trại để thực hiện mô hình nuôi. 

Giờ đây, nếu không tiếp tục với mô hình nuôi cá sấu này nữa thì coi như mất trắng nguồn vốn đã đầu tư. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Tú quyết định duy trì nghề nuôi cá sấu của gia đình theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, “lấy công để làm lời”.

Để tiếp tục nghề nuôi cá sấu của gia đình mà giảm bớt chi phí đầu tư, hàng ngày anh Tú chạy xe vào các vuông nuôi tôm để thu mua cá phi. 

Số cá lớn, cá tươi anh cân lại cho bạn hàng để kiếm lời, có thêm thu nhập cho kinh tế gia đình. Số cá ươn, cá dạt không bán được cho bạn hàng anh để lại làm cá mồi cho cá sấu ăn. Vào thời điểm này, trung bình mỗi ngày anh Tú thu mua được từ 700 đến 900 kg cá phi, với giá mua từ 6.000 đến 7.000 đồng/kg. 

Nếu vuông có số lượng cá nhiều, cá tốt, anh cân với giá 8.000 đến 9.000 đồng/kg. Số cá này, anh bán lại cho bạn hàng từ 10.000 đến 12.000 đồng/kg. 

Sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi ngày anh Tú có lãi khoảng 1 triệu đồng và có thêm cá phi ươn, cá phi dạt để làm mồi cho cá sấu ăn. Nhờ cách làm này, anh Tú không những làm tăng thu nhập cho kinh tế gia đình, giảm chi phí trong sản xuất mà còn duy trì được nghề nuôi cá sấu của gia đình.

Cà Mau: Nuôi dày đặc thứ cá dữ ở bể xi măng, thiên hạ lao đao vì sao anh này vẫn "bình chân như vại"? - Ảnh 2.

Khoảng 40 con cá sấu có trọng lượng từ 8 đến 10kg của anh Tú đang phát triển tốt.

Hiện nay, trong 5 hồ nuôi cá sấu của gia đình anh Tú có 400 con cá sấu nuôi cùng lứa, mỗi con có trọng lượng từ 8 đến 10kg và đang trong thời kỳ phát triển tốt. 

Thời điểm này, cách 2 ngày anh Tú cho đàn cá sấu của gia đình ăn từ 120 đến 150 kg cá phi. Với số lượng cá mồi tương đối lớn nhưng nhờ tận dụng các ươn, cá dạt và thu mua tại gốc nên anh Tú đã giảm được chi phí và duy trì được mô hình nuôi cá sấu của mình.

Anh Tú cho biết: “Đã gần 10 năm qua tôi gắn bó với nghề nuôi cá sấu thương phẩm. Có lúc giá cá sấu lên cao ngất ngưỡng, có lúc nó xuống đến chạm đáy, nhiều hộ nuôi trong vùng phải bỏ cuộc vì thua lỗ. 

Riêng tôi, những năm qua nhờ thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, “lấy công để làm lời” nên trong quá trình nuôi cá sấu tôi không tốn kém nhiều tiền mua thức ăn cho cá. 

Mặc dù, cá sấu rớt giá thê thảm như vậy nhưng tôi nuôi vẫn có lời. Với 400 con cá sấu trong 5 hồ nuôi của gia đình tôi nếu 3 tháng nữa không có trở ngại gì, khi thu hoạch trừ chi phí tôi còn lời khoảng 120 triệu đồng”.

Anh Trần Thanh Toán người hàng xóm với anh Tú cho biết: “Trong lúc nhiều nông dân bỏ cuộc vì giá xuống thấp, khó tìm đầu ra cho sản phẩm thì anh Trương Thanh Tú, ở ấp 5, xã Khánh Tiến vẫn tiếp duy trì nghề nuôi cá sấu của mình và nuôi với số lượng lớn. Anh Tú có cách làm hay đó là thực hiện theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, “lấy công để làm lời”. 

Hàng ngày, ngoài việc giăng lưới dưới vuông bắt cá phi lên cho cá sấu ăn, anh Tú còn đi mua cá phi bán lại cho bạn hàng rồi tận dụng cá dạt làm mồi cho cá sấu ăn nên không tốn kém chi phí trong chăn nuôi...".

"Ngày nào thu mua với số lượng nhiều, bán không hết vẫn không lỗ, số cá phi đó anh đem về muối nước đá để cho cá sấu ăn hàng ngày. Nhờ siêng năng, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm mà anh Trương Thanh Tú đã duy trì nghề nuôi cá sấu đến ngày nay. Anh Tú xứng đáng là tấm gương sáng và điển hình để cho những thanh niên khác học tập, noi theo”, anh Trần Thanh Toán-hàng xóm của anh Tú chia sẻ thêm.