Khách đến làng cổ Phúc Lộc Thọ ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An như được đắm mình trong không gian văn hoá của một số dân tộc và những triều đại vua chúa thời xa xưa.
Làng cổ Phước Lộc Thọ ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đang thu hút đông đảo du khách gần xa bởi không gian, đặc biệt cuốn hút với phong cách kiến trúc của nhiều nhà cổ của ba vùng miền trong cả nước...
Tuy lượng khách tham quan chưa nhiều như những khu du lịch khác, nhưng khi đến làng cổ Phước Lộc Thọ, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ, nhà rường được chủ nhân của khu làng cổ sưu tập trên khắp mọi miền đất nước.
Anh Nguyễn Minh Sang, người phụ trách khu làng cổ Phước Lộc Thọ cho biết: Ngôi làng cổ này được xây dựng vào năm 2006 và bắt đầu đón khách du lịch vào năm 2010. Do đam mê sưu tầm đồ cổ nên ông Dương Văn Mỹ đã bỏ công sức, tiền của đi sưu tầm được 22 ngôi nhà cổ về đây trưng bày, lưu giữ.
Anh Sang cho biết thêm, ngôi nhà có số cột nhiều nhất là 114 cột và ít nhất là 36 cột với những lối kiến trúc vừa lạ vừa đẹp mắt.
Đặc biệt, ở đây còn có 6 ngôi nhà sàn với phong cách văn hóa của đồng bào Tây Nguyên đều được xây dựng bằng gỗ cao cấp, hầu hết được sưu tầm từ Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai,…
Cột của các ngôi nhà là những tác phẩm điêu khắc gỗ từ thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với sự kết hợp hài hòa giữa sự rắn chắc và mềm mại, uyển chuyển theo triết lý âm dương. Hầu hết các kèo, cột, thanh rường, cột trụ, bao lam, vách trần,... đều được khảm trai, ốc xà cừ, chạm khắc công phu, có cả những câu đối.
Anh Sang cho biết thêm, mục đích ban đầu là đam mê mà sưu tầm, lưu giữ nên ông Mỹ không thống kê tài chính được tổng giá trị các ngôi nhà cổ và những món cổ vật tại đây.
Làng cổ Phước Lộc Thọ ở Đức Hòa, tỉnh Long An với những nhà cổ độc đáo, trong ảnh là một nhà sàn cổ.
Ngoài bộ sưu tập nhà cổ, ở Phước Lộc Thọ còn có những cổ vật từ thời chúa Nguyễn, vua Bảo Đại như: những chiếc long sàng được sơn son thiếp vàng hay những bộ tiền cổ cũng được trưng bày tại đây. Bên cạnh đó, Phước Lộc Thọ còn là nơi lưu giữ các vật dụng sinh hoạt của nhiều thành phần xã hội xưa từ vua chúa, quan quân, địa chủ cho đến người dân.
Các vật tâm linh văn hóa của người Việt bằng đủ các chất liệu gỗ, sắt, đồng, gốm sứ đa dạng về niên đại, phong phú về chủng loại.
Trong đó có cả những vật dụng cổ mang phong cách hiện đại thời thực dân Pháp mới sang đô hộ Việt Nam, như điện thoại, radio, máy hát, máy chụp hình, đèn ngủ,...
Hiện nay, tại làng cổ Phước Lộc Thọ vừa được bổ sung thêm vào bộ sưu tập tượng 3 vị bồ tát. Mỗi tháng, bình quân làng cổ đón khoảng 3.000 lượt khách đến tham quan, du lịch.
Anh Trần Thanh Tuấn, người dân ấp 4, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa cho biết: “Do đam mê sưu tầm đồ cổ và muốn lưu giữ lại cho con cháu đời sau cũng như những ai đến đây tham quan tìm hiểu thêm về những nét văn hoá độc đáo của ông cha từ thời xa xưa, chứ tôi nghĩ, ông Dương Văn Mỹ, người lập ra ngôi “làng cổ” này không nhắm đến lợi ích kinh tế.
Bởi với số tiền đầu tư cho trọn bộ sưu tập những ngôi nhà và các cổ vật ở đây thì việc thu tiền vé tham quan của mỗi khách đến đây là 30.000 đồng/người lớn và 15.000 đồng/trẻ em sẽ,…không thấm vào đâu”.
Còn bạn Nguyễn Thị Thảo My, nhà ở xã Hoà Khánh Tây chia sẻ: Em và chồng sắp cưới cũng đã bàn tính với nhau sẽ thuê mặt bằng đãi tiệc cưới tại đây vì phong cảnh đẹp, thơ mộng.
Hơn nữa, khi khách đến đây dự tiệc cưới còn có dịp được tham quan khu du lịch, hoà mình vào với thiên nhiên yên bình mà không phải nơi nào cũng có được giữa cuộc sống bộn bề hiện nay.
Tại ngôi làng cổ Phúc Lộc Thọ còn có một vườn hoa lan rộng hơn 1.000m2 với gần 300 loại hoa lan khác nhau cũng được chủ nhân chăm chút.
Khách tham quan có thể lựa chọn cho mình một vài giò lan mang về làm quà cho người thân. Ngoài ra, ở đây còn có một ngôi chùa được xây dựng “mô phỏng” theo lối kiến trúc của chùa Một Cột ở Hà Nội.
Với kỳ công sưu tầm và phục dựng những ngôi nhà cổ của chủ nhân ngôi làng Phước Lộc Thọ, năm 2012, ngôi làng này đã được sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là nơi lưu giữ và sở hữu nhiều ngôi nhà cổ nhất cả nước...