Di tích khảo cổ học Gò Duối là một gò đất nằm nổi cao khoảng 2m so với mặt ruộng trũng xung quanh, diện tích trên 4.000m2, mang đặc điểm địa chất của vùng thềm gò phù sa cổ, có sự bồi tích phù sa thường niên của lũ lụt và hệ thống sông, rạch Vàm Cỏ Tây.
Với địa thế gò cao ít ngập nước, được thiên nhiên ưu đãi về sản vật, Gò Duối trở thành nơi cư trú lý tưởng của những lớp cư dân cổ đầu tiên đến chinh phục vùng đất này.
Di tích được các nhà nghiên cứu phát hiện từ năm 1996. Trải qua nhiều lần khảo sát và thám sát, đến năm 2013, di tích được các chuyên gia, nhà khảo cổ khai quật.
Quá trình khai quật đã làm xuất lộ 2 vết tích bếp lửa và 3 mộ táng, 3 hiện vật sắt, 21 hiện vật đồng, 2 hiện vật đồ trang sức bằng thủy tinh, 5 hiện vật đá, hàng ngàn mảnh chạc gốm, mảnh gạch, đồ gốm nguyên (dọi xe sợi, bi và bát chân cao), mảnh gốm vỡ.
Cảnh quan Di tích Gò Duối năm 2017 tại ấp Trung Trực, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng). Đây là di tích cư trú lẫn mộ táng của cư dân thời đại hậu kỳ kim khí trên đất Long An.
Vết tích bếp lửa xuất lộ ở độ sâu 20cm so với mặt đất, chạy dài nối tiếp nhau theo hướng Bắc Nam, có màu nâu đỏ, trong lớp đất lẫn một số gốm vụn, minh chứng cho hoạt động dùng lửa trong quá trình sinh hoạt, đun nấu thức ăn và sưởi ấm của cư dân.
Mộ táng tại Di tích Gò Duối được phát hiện ở độ sâu từ 80cm so với mặt đất trở xuống, thuộc giai đoạn văn hóa trên của di tích được chôn xuống tầng văn hóa dưới, nằm ngay trên bề mặt sinh thổ. Mộ được chôn thành khu, dạng mộ huyệt đất, chôn theo hình thức hung táng (hình thức mai táng thi hài trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó sẽ được cải táng) và có di vật chôn theo là những vòng tay thủy tinh, vòng kim loại,...
Từ các loại hình đồ gốm được tìm thấy như nồi, bát bồng, đĩa chân cao, dọi xe sợi và bi gốm, có ý kiến cho rằng người Gò Duối đã nắm vững và kết hợp nhiều phương pháp chế tạo đồ gốm như bàn xoay kết hợp nặn tay, cắt gọt để tạo ra những đồ gốm có sự cân đối cao như bát hay nồi gốm.
Đáng chú ý là 1.816 mảnh chạc gốm được tìm thấy trong hố đào chiếm 59,4% tổng số đồ gốm và đất nung thu được. Trong đó, đa số là loại chạc ba chĩa (có một đầu nhô ba chĩa nhọn hướng lên trên, thân hình trụ tròn thẳng, chân chạc hình chiếc bát úp ngược) và 81 mảnh chạc mỏ neo (thân tròn thẳng, chân đế loe rộng, đáy được khoét sâu tạo dạng bát úp, không tìm thấy phần nhánh đầu chạc).
Có nhiều lý giải về công dụng của các mảnh chạc được đưa ra, đây có thể là công cụ phục vụ làm muối hoặc giả để phục vụ việc làm gốm, tuy nhiên, vấn đề còn cần được nghiên cứu thêm.
Bộ vòng nguyên khối, kết thành chuỗi với 17 vòng dính liền nhau, được chôn theo người chết tại Di tích Gò Duối, ấp Trung Trực, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An).
Từ những khảo sát và nghiên cứu trước đó cùng với kết quả khai quật của năm 2013, các nhà khảo cổ học đã đi đến nhận định, di tích thuộc giai đoạn tiền sơ sử trên đất Long An có niên đại bắt đầu khoảng 2.500 năm trước Công nguyên và kết thúc ở khoảng cận kề trước sau Công nguyên.
Đây là nơi sinh sống lâu dài của cộng đồng cư dân cổ thuộc hậu kỳ kim khí, với những hoạt động kinh tế, văn hóa phong phú. Đặc biệt, di vật tìm thấy được trong các cụm mộ như vòng tay thủy tinh, bộ vòng ximen,... cộng với cách thức mai táng đã phản ánh phần nào phong tục tín ngưỡng và sự phân hóa giàu - nghèo trong đời sống của cư dân.
Thông qua những hiện vật được tìm thấy và diễn biến tầng văn hóa trong hố khai quật năm 2013, có thể thấy được mối liên hệ gần gũi giữa Di tích Gò Duối với các di tích khác trong huyện Vĩnh Hưng như Gò Đình, Gò Ô Chùa, Cổ Sơn Tự, Lò Gạch,...
Những đặc điểm cư trú và mộ táng ở di tích có mối liên hệ với cộng đồng cư dân cổ khác ở Đông và Tây Nam bộ. Cùng với kết quả đã nghiên cứu, ở các di tích khảo cổ lân cận như Lò Gạch, Gò Ô Chùa, Gò Đình,... những phát hiện ở di tích Gò Duối đã góp phần vào việc nghiên cứu giai đoạn tiền sơ sử ở Long An nói riêng và Nam bộ Việt Nam nói chung.