Dân Việt

Pha ghi bàn nào thể hiện phong độ "như diều gặp gió" của Tuấn Hải?

Phạm Trần Oánh 10/11/2023 14:10 GMT+7
Bàn thắng thứ 2 của Tuấn Hải cho Hà Nội FC ở trận gặp Wuhan Three Towns là 1 pha trình diễn kỹ thuật hoàn hảo, nhưng đáng khen nhất lại là sự lỳ lợm, kiềm chế bản năng, không vội vàng dứt điểm ngay khi có cơ hội.

Tuấn Hải đang chơi rất hoàn hảo

Điểm mạnh dễ nhận thấy nhất của tiền đạo Phạm Tuấn Hải chính là sức mạnh, tốc độ, chịu khó di chuyển, hỗ trợ phòng ngự bằng cách tranh bóng đến cùng với hậu vệ đối phương. Khả năng ghi bàn của Tuấn Hải đã được cải thiện và ngày càng tốt lên. Điều này được thể hiện ở số bàn thắng anh ghi được cho đội bóng.

Tính từ năm 2022, Tuấn Hải là cầu thủ nội ghi bàn nhiều nhất với 25 bàn thắng, trong đó 20 bàn cho CLB và 5 cho đội tuyển. Xếp sau anh là Nguyễn Tiến Linh với 23 bàn và Nguyễn Văn Quyết 20 bàn.

Pha ghi bàn nào thể hiện phong độ đang lên "như diều gặp gió"của Tuấn Hải? - Ảnh 1.

Tuấn Hải đang có trạng thái thi đấu thăng hoa. Ảnh: Vietnam+

Nếu theo dõi, ta sẽ nhận thấy sự cải thiện cả ở trong kỹ thuật mà tiền đạo này ghi bàn, mà bàn thắng quyết định đem về chiến thắng 2-1 cho CLB Hà Nội trước CLB Wuhan Three Towns vừa qua tại AFC Champions League là một ví dụ điển hình. Bỏ qua việc chọn vị trí, tư duy chiến thuật, chúng ta chỉ xem xét đơn thuần khía cạnh kỹ thuật của 3 động tác trong pha bóng dẫn đến bàn thắng này.

Ngay sát vòng 16m50, phía sau là 1 hậu vệ theo kèm, nhận đường chuyền của đồng đội, động tác đầu tiên, Tuấn Hải dùng lòng trong chân trái không chế bóng, xoay người kéo bóng về phía cầu môn, vượt qua hậu vệ theo kèm và lọt vào vòng 16m50, đối diện với cầu môn. Tiếp theo là 1 động tác giả sút bóng bằng chân phải, kéo bóng vượt qua hậu vệ đang lao người che chắn cầu môn. Động tác thứ 3 là cú chính mũi đưa bóng vào gôn. Cả 3 động tác đều thể hiện kỹ thuật khéo léo và được thực hiện 1 cách hoàn hảo, đặc biệt đẹp mắt là động tác đầu tiên, xoay người vừa khống chế bóng vừa qua người.

Nhưng thứ mà ta ít thấy ở các tiền đạo của Việt Nam trong tình huống này lại không phải là những động tác qua người kiểu như pha qua người đầu tiên rất đẹp mắt của Tuấn Hải. Thứ ta ít thấy nhất lại là sự lỳ lợm, tỉnh táo để đưa ra quyết định thực hiện động tác thứ hai, một động tác kỹ thuật rất cơ bản, rất đơn giản.

Khi đối mặt với khung thành rộng mở, như trong tình huống này, sau khi có động tác qua người đầu tiên, trước lựa chọn sút bóng cầu môn ngay hay không, hầu hết các tiền đạo Việt Nam sẽ đưa ra quyết định sút bóng. Với mẫu tiền đạo như Tiến Linh, chắc chắn trong tình huống này sẽ là 1 cú úp mu hết lực về phía cầu môn. Nếu vậy, rất có thể cú sút sẽ không lọt qua sự cản phá của hậu vệ đội bạn.

Đâu là điểm giá trị nhất, đáng khen nhất trong bàn thắng quyết định của Tuấn Hải vào lưới Wuhan? - Ảnh 1.

Tiền đạo Văn Quyến trong màu áo ĐT Việt Nam trước đây. Ảnh: Livesportsasia.com

Thực tế, động tác kỹ thuật này thuộc dạng cơ bản, cầu thủ nào cũng có thể thực hiện được. Nhưng trong bối cảnh không gian và thời gian rất hạn hẹp, các tiền đạo bị tâm lý sợ cơ hội trôi mất chi phối, dẫn đến các pha dứt điểm vội vàng. Để đủ bình tĩnh, kiềm chế bản năng, đủ tỉnh táo, quan sát, đưa ra cách xử lý để tạo ra tình huống ngon ăn hơn thì không phải tiền đạo nào cũng thực hiện được. Và điều này tạo ra sự khác biệt về chất lượng các tiền đạo. Điển hình cho sự lỳ lợm và tinh quái này của bóng đá Việt Nam chính là Văn Quyến, tiền đạo của CLB Sông Lam Nghệ An và ĐT Việt Nam một thời.

Không chỉ trong pha bóng này, Tuấn Hải đã có nhiều pha bình tĩnh làm động tác giả qua người rồi dứt điểm để ghi bàn thắng. ĐT Việt Nam thường xuyên thiếu vắng 1 tiền đạo vừa mạnh mẽ, càn lướt, băng cắt, vừa khéo léo, khôn ngoan, lỳ lợm. Hy vọng, với phong độ tốt, đang ở độ chín của sự nghiệp, Tuấn Hải sẽ tỏa sáng trong đội hình ĐT Việt Nam của HLV Troussier ở vòng loại thứ hai World Cup 2026 châu Á.