Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều đặc sản, món ăn nổi tiếng, trong đó có bánh cống Đại Tâm. Đây là món ăn lâu đời, đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).
Theo bà Trầm Thị Đào, một người làm bánh cống lâu năm ở xã Đại Tâm, tên gọi bánh cống bắt nguồn từ hình dạng của chiếc khuôn làm bánh có hình trụ tròn, đáy bằng, cao khoảng 5 cm và giống hình cái cống.
Nguyên liệu làm bánh khá đơn giản gồm: bột gạo, đậu nành, đậu xanh, tôm, thịt lợn, sắn, khoai môn, hành tím và một số loại gia vị.
Để làm bánh cống, người thợ mất khá nhiều công đoạn, từ pha bột, làm nhân cho đến chiên bánh. Sau khi đổ đầy bột và nhân vào khuôn, người thợ đặt lên trên một con tôm rồi chiên ngập dầu khoảng 5 phút.
Để bánh giòn và có màu vàng sẫm, người thợ lấy bánh ra khỏi khuôn, tiếp tục chiên thêm chừng 2 phút rồi mới vớt ra để ráo dầu.
Bánh cống thường ăn kèm với rau sống, bắp cải, diếp cá, nước mắm tỏi ớt, ít đồ chua làm từ củ cải trắng và cà rốt xắt sợi, ngâm chua.
Ăn miếng bánh, du khách cảm nhận được sự kết hợp giữa lớp vỏ giòn tan, nhân mềm với vị chua ngọt của nước chấm. Tất cả tạo nên một trải nghiệm ẩm thực vừa gần gũi vừa thơm ngon.