Vị Quốc sư chữa bệnh "hoá hổ" cho vua Lý và đúc "An Nam Tứ đại khí"
Theo sơ lược Thánh tích chùa Trông, Thiền sư Nguyễn Minh Không (hay còn gọi đức Nam Thiên Thánh Tổ) tên thật là Nguyễn Chí Thành, pháp hiệu Minh Không, sinh năm 1062 đời vua Lý Nhân Tông.
Thuở nhỏ, Ngài có bẩm tính thông minh, năm 16 tuổi, ngài xuất gia đầu Phật. Sau đó, Ngài sang Tây Trúc thỉnh kinh cầu đạo, được Đức Quán Thế âm Bồ Tát truyền trao tâm ấn và dạy cho nhiều phép thuật.
Năm 1136, vua Lý Thần Tông mắc bệnh "hoá hổ", Ngài đã chữa khỏi bệnh cho vua, được vua phong "Lý Triều Quốc sư". Một lần sang yết kiến vua Tống, cảm phục tài năng phép thuật của Ngài, vua ban thưởng nhiều tài vật quý.
Về nước, Ngài đem số đồng vua ban, tạc tượng Phật tại chùa Quỳnh Lâm, đúc vạc Phổ Minh, đúc chuông Quy Điền, xây dựng tháp Báo Thiên. Đó là "An Nam tứ đại khí", tứ trấn địa linh của đất Đại Việt.
Sau đó, Ngài đi du hoá bốn phương, xây cất nhiều chùa, dựng tháp tạc tượng, đúc chuông và hoằng dương chính pháp…
Cuối đời, Ngài về chùa Trông tu hành thường xuyên trị tụng kinh "Tổng trì Đalani", "Bát nhã tâm kinh", lập đàn khai đạo thuyết pháp độ sinh và chữa bệnh cho muôn dân bách tính.
Giờ Ngọ ngày 26/3 năm Giáp Tuất, niên hiệu Đại Định thứ 2 (1141), đời vua Lý Anh Tông, tự nhiên có đám mây vàng sa xuống núi tam viên hay còn gọi là đống Mả Thầy.
Ngài liền cưỡi mây bay về hướng Tây hoá Thánh, hiện thân với nhiều vị trí, vai trò khác nhau thể hiện tinh thần nhập thế, tuỳ duyên hoá độ chúng sinh. Ngài không chỉ là bậc Thiền sư cao tăng – Thánh tổ trời Nam mà còn là bậc Đại danh y, Tổ nghề đúc đồng Việt Nam.
Cuộc đời sự nghiệp của Thiền sư Nguyễn Minh Không đã dành trọn cho Đạo Pháp và Dân tộc.
Màn rước kiệu xoay hút hàng nghìn người xem
Đặc biệt, tại lễ hội chùa Trông, có màn rước kiệu "Xuất Đông nhập Tây" với màn thể hiện quay kiệu ở tại các điểm ngã ba, ngã tư trên đường rước đã thu hút hàng nghìn người xem.
Mỗi khi có một cỗ kiệu đi đến những nơi như ngã 3, ngã tư, các phụ kiệu lại quay mấy vòng giữa đường, khiến người đi đường thích thú, đón xem rất đông.
Trước đó, ngày 23/4 (15/3 Âm lịch), diễn ra lễ thỉnh kinh rước nước, bao sái tắm tượng. Đây cũng là nghi lễ độc đáo, bởi quá trình rước nước, đoàn rước từ chùa sẽ xuất phát lên đê, ra sông.
Tại đây, đoàn rước chia làm 2 đoàn nhỏ, một đoàn do nhà sư trụ trì và các phật tử làm nghi thức cúng tại một miếu đài bên sông; một đoàn xuống thuyền ra giữa sông Luộc, chạy xuôi dòng 1km, sau đó quay lại chạy ngược dòng 1km, chọn đoạn giữa khúc sông để múc nước theo hướng ngược dòng. Để nhằm mục đích múc được những gáo nước sạch, trong mát về làm nghi thức tắm tượng.
Clip: Màn rước kiệu xoay tại lễ hội truyền thống chùa Trông năm 2024, xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. T/h: Nguyễn Việt.
Cùng với đó, trước và sau khi múc nước, đoàn rước sẽ thả tiền đen, vàng mã xuống sông như một nghi thức "xin nước" và cám ơn thần Sông, Hà Bá đã cho đoàn xin nước trong mát về để thực hiện nghi thức mộc dục (tắm tượng).
Ngoài ra, lễ hội truyền thống chùa Trông còn nhiều phần nghi lễ đặc sắc, phần hội với nhiều hoạt động, trò chơi hấp dẫn.