Anh Tiêu Văn Hãnh, nông dân thôn Tân Thành, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà đang thu hoạch mắc ca của gia đình. Anh bảo, mắc ca chín đều quá, đập là trái rụng đầy. Anh và người nhà đang nhặt trái, chuẩn bị đập vỏ xanh và có thương nhân tới thu mua. Một điều khá đặc biệt, anh Tiêu Văn Hãnh là một trong những nông dân đầu tiên của Lâm Hà trồng cây mắc ca. Vườn mắc ca của gia đình anh hiện là một trong những vườn mắc ca nhiều tuổi nhất của quê Lâm Hà, cho năng suất ổn định và thu nhập tốt.
Anh Tiêu Văn Hãnh kể lại những ngày đầu, khi nông dân Tân Văn, Tân Hà đón Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng về thăm. Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng đã giới thiệu cây mắc ca đến bà con. Tin tưởng nhà khoa học, anh Hãnh và một vài nông hộ đã quyết tâm ra tận trại giống Ba Vì để nhập những cây mắc ca đầu tiên.
Anh kể: “Hồi ấy, tin bác Hùng, tìm thông tin tuyên truyền từ ngành nông nghiệp nên mình trồng mắc ca xen vào vườn cà phê của gia đình. Chứ thật sự, lúc đấy rất hiếm người biết về cây mắc ca. Bà con xung quanh ai cũng tò mò tôi trồng cây gì. Thật không ngờ, ngày nay cây mắc ca đã trở thành cây trồng quen thuộc với bà con Lâm Hà”.
Anh Tiêu Văn Hãnh, cũng như hầu hết nông dân hoàn toàn không biết về kĩ thuật chăm sóc cây mắc ca. Anh theo sát hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, mày mò trên mạng internet để tìm ra cách chăm sóc phù hợp.
Không phụ lòng người, cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê lớn dần. Ngay từ năm thứ ba, anh Tiêu Văn Hãnh bắt đầu có thu nhập từ hạt mắc ca. Khi ấy, cây mắc ca cho quả còn khá mới lạ, ngay vụ đầu tiên, anh đã bán được giá 130 ngàn đồng/kg hạt, niềm vui không tưởng với gia đình một người nông dân.
Nhận thấy giá trị của cây mắc ca, anh Hãnh càng chăm sóc tốt. Qua thời gian, cây mắc ca cao vượt, phủ bóng, anh phá cà phê, để mắc ca lớn thuần trong vườn. Sau 16 năm, hiện vườn mắc ca đã mang dáng dấp một khu vườn rừng rợp bóng, dưới đất không còn cỏ mọc. Anh Tiêu Văn Hãnh nhận xét, với nông dân vùng Tân Văn, trồng mắc ca mang lại thu nhập ổn định, trù phú cho đất quê.
Anh nhận xét: “Cây mắc ca là cây sống rất lâu, dễ chăm sóc. Cây sau năm thứ 8 mới cho năng suất ổn định. Nhà tôi chỉ có trên một ha, trồng 250 cây, mỗi cây trung bình thu nhập 3-4 triệu đồng/năm. Mắc ca cũng không yêu cầu chăm sóc nhiều công như cà phê, nhàn và phù hợp với những gia đình ít công lao động. Giá mắc ca ổn định 100 ngàn đồng/kg hạt, mỗi năm gia đình cũng thu được 300-400 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí”.
Anh Hãnh cũng khẳng định, đây là nguồn thu không nhỏ đối với gia đình một người nông dân.
Sau 16 năm gắn bó với cây mắc ca, anh Tiêu Văn Hãnh rút ra nhiều kinh nghiệm quý. Đầu tiên, đó là chọn giống chuẩn và kỹ thuật trồng đúng. Theo anh, nhiều nông dân trồng mắc ca không thành công do chọn giống không chuẩn, cây lâu ra trái, trái nhỏ, giá trị kinh tế không cao.
Đồng thời, anh nhắc nhở nông dân khi xuống giống phải đảm bảo khoảng cách giữa các gốc, đảm bảo đủ ánh sáng cho toàn vườn, tránh tình trạng tán cây giao nhau khiến cây giảm năng suất. Cây mắc ca chăm sóc đơn giản, phân bón ít nhưng cần quan sát vườn thật kỹ để phòng ngừa bệnh thường xuyên. Anh cũng đánh giá, chi phí đầu tư cho vườn mắc ca chỉ chiếm khoảng 10-12 % thu nhập. Với giá cả mắc ca ổn định từ nhiều năm nay, người nông dân sẽ có nguồn thu rất tốt với một chi phí hợp lý.
Ông Nguyễn Đình Tuệ - Trưởng thôn Tân Thành, xã Tân Văn đánh giá, anh Tiêu Văn Hãnh là một nông dân hết sức tiến bộ của thôn. Anh và một vài nông hộ đã đi đầu trong việc xen canh mắc ca trong vườn. Từ thành công của anh Tiêu Văn Hãnh và những nông hộ ấy, nông dân Tân Thành nói riêng và nông dân xã Tân Văn, cũng như khu vực Tân Hà đã mạnh dạn trồng cây mắc ca xen trong vườn cà phê, vừa tạo sinh cảnh đẹp, bảo vệ môi trường, vừa tăng thu nhập cho người nông dân. Đến hiện tại, có thể nhận xét, nông dân thôn Tân Thành giàu lên nhờ cây mắc ca.
Anh Tiêu Văn Hãnh cũng là hộ nông dân thường xuyên áp dụng các tiến bộ khoa học vào chăm sóc mắc ca. Hiện tại, anh đang phối hợp cùng ngành Nông nghiệp thực hiện Mô hình Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây mắc ca tại huyện Lâm Hà, nhằm tìm ra kỹ thuật quản lý dịch hại hiệu quả, chuyển giao cho người nông dân.