Nhiều năm trở lại đây, xu hướng mời các nhân vật nổi tiếng trong showbiz, KOLs (người có sức ảnh hưởng), KOC (những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường)… quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình đã trở nên phổ biến.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trên thực tế, tiếp thị sử dụng người có ảnh hưởng (KOLs, KOC) đang ngày càng phổ biến, có tác động lớn đến hành vi của người tiêu dùng. Kết quả điều tra cho thấy, có đến 79% số người tiêu dùng mua hàng sau khi được KOLs đề xuất. Mức chi tiêu của doanh nghiệp cho loại hình này cũng tăng cao trong thời gian qua.
Tuy nhiên, việc có nhiều nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng thực tế của sản phẩm đã gây mất niềm tin của người tiêu dùng. Trong khi đó, Luật Quảng cáo năm 2012 không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Do đó, chưa có chế tài hoặc quy định ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo không đúng sự thật hoặc yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm và có trách nhiệm về nội dung quảng cáo.
Trên thực tế, nhiều sao Việt như: Cát Tường, Hồng Vân, Vân Trang, Nam Thư, Quyền Linh, Dương Cẩm Linh… từng "hồn nhiên" quảng cáo sai sự thật, nói quá về công dụng của các sản phẩm, gây mất lòng tin đối với khán giả và gây bức xúc trong dư luận nhưng lại chỉ nói lời xin lỗi rồi thôi, không chịu bất kỳ một trách nhiệm nào trước những điều mình đã làm. Nhiều sao Việt khác thậm chí còn "lờ" đi, coi như mình vô tội. Điều này lại khiến nhiều người thấy việc cần bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đưa ra các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của những cá nhân tham gia quảng cáo trong Luật sửa đổi bổ sung Luật Quảng cáo lần này.
Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi có bố cục gồm 3 điều, bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo tại khoản 8 Điều 2 để bảo đảm bổ sung các hình thức chuyển tải sản phẩm quảng cáo mới hiện nay. Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua các hoạt động của mình trên mạng xã hội, trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự.
Đáng chú ý, dự thảo Luật đã có những quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đó là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải có các trách nhiệm kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân; cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không đảm bảo các yêu cầu.
Dự thảo Luật cũng đã bổ sung trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo; thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo; khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Về trách nhiệm của tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo, dự thảo Luật quy định, tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo có trách nhiệm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo trình Bộ VHTTDL phê duyệt; tổ chức thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo; xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở về quảng cáo.
Điều 19 Luật Quảng cáo năm 2012 chỉ quy định nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, hoạt động kinh doanh, kinh doanh thương mại điện tử đang ngày càng phát triển. Việc quảng cáo của các tổ chức, doanh nghiệp cũng phát triển đa dạng cả về hình thức và nội dung.
Đồng thời, pháp luật về thương mại điện tử cũng đưa ra các quy định về việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ khiến tổ chức, cá nhân gặp khó khăn khi thực hiện quảng cáo. Vì vậy, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về yêu cầu chung đối với nội dung quảng cáo và phân định giữa hoạt động quảng cáo với các hoạt động chuyên ngành khác.
Cụ thể, nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Nội dung quảng cáo cần được phân biệt rõ ràng với nội dung thông tin khác. Trường hợp quảng cáo có kèm ghi chú, khuyến cáo thì phần ghi chú, khuyến cáo phải bảo đảm hình thức thể hiện rõ ràng, đầy đủ, dễ tiếp cận.
Nội dung quảng cáo không bao gồm các tài liệu, thông tin và hình ảnh mô tả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, trừ quảng cáo thương mại theo quy định của pháp luật về thương mại…
Như vậy, với những quy định mới của Luật Quảng cáo sửa đổi khi được hành sẽ như một "vòng kim cô" khiến các nghệ sĩ nổi tiếng, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo không thể tiếp tục "hồn nhiên", thiếu trách nhiệm khi đưa đến công chúng, người tiêu dùng những thông tin về sản phẩm mà thiếu sự kiểm chứng, kiểm nghiệm chất lượng.
Trước đó, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, số lượng quảng cáo hàng năm là rất lớn vì thế mà nhu cầu được thẩm định các sản phẩm quảng cáo cũng tăng cao. Hội đồng thẩm định của Bộ VHTTDL khó có thể thẩm định hết các sản phẩm quảng cáo, cũng như đáp ứng đúng yêu cầu đề ra. Điều này có thể sẽ để lại "khoảng trống nhu cầu" thẩm định của các doanh nghiệp.
Dẫn kinh nghiệm trong quản lý lĩnh vực điện ảnh, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, Điều 21 của Luật Điện ảnh năm 2023 đã quy định cho phép doanh nghiệp được tự thực hiện phân loại phim khi đáp ứng một số điều kiện nhất định. Quy định này, một mặt, vừa giảm tải gánh nặng thẩm định phim cho cơ quan nhà nước, vừa tạo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp.
Từ kinh nghiệm trong quản lý lĩnh vực điện ảnh, ông Đậu Anh Tuấn và các chuyên gia tham gia Hội thảo nhất trí đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc đổi mới cơ chế thẩm định sản phẩm quảng cáo theo hướng phân cấp cho Hiệp hội.
Ông Trần Hùng - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cũng đề nghị cần giao Hiệp hội Quảng cáo hoặc các hiệp hội ngành nghề tổ chức thẩm định sản phẩm quảng cáo. Hội đồng thẩm định của hiệp hội sẽ phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định pháp luật.
Đồng thời, các chủ thể khác cũng sẽ có quyền yêu cầu thẩm định lại trong trường hợp nhận thấy sản phẩm quảng cáo có dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo. Bộ VHTTDL sẽ tổ chức thẩm định lại sản phẩm quảng cáo; kết luận thẩm định này sẽ là kết luận cuối cùng, được sử dụng trên toàn quốc.