Sáng 26/12, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng các đồng phạm. Tuy nhiên, phiên tòa phải hoãn do vắng mặt bị cáo Quyết, một số luật sư và nhiều bị hại.
Trước đó, tháng 8/2024, tòa sơ thẩm xác định ông Quyết và đồng phạm có hành vi lừa đảo trong việc phát hành cổ phiếu ROS và thao túng 5 mã chứng khoán họ FLC nên phải nhận án tổng hợp 21 năm tù.
Về dân sự, cựu Chủ tịch FLC phải bồi thường cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS là hơn 1.300 tỷ đồng, phải truy nộp số tiền 500 tỷ đồng thao túng chứng khoán. Như vậy, tổng số tiền mà ông Quyết phải khắc phục là hơn 1.800 tỷ đồng.
Ở giai đoạn sơ thẩm, ông Quyết được ghi nhận đã nộp khắc phục 254 tỷ đồng và sau đó, vợ ông nộp thêm 203 tỷ đồng. Ngày 19/12, vợ ông Quyết tiếp tục nộp thêm 150 tỷ đồng khắc phục hậu quả thay chồng. Như vậy, tổng số tiền ông Quyết khắc phục là hơn 607 tỷ đồng.
TAND cấp cao ấn định xét xử phúc thẩm vào hôm nay (26/12) nhưng trước đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã có đơn xin hoãn tòa vì 3 lý do chính.
Đầu tiên, cựu Chủ tịch FLC cho hay tình trạng sức khoẻ bản thân không tốt, đang trong quá trình điều trị bệnh lao ác tính với các triệu chứng ho ra máu, viêm gan, viêm dạ dày… và đang phải điều trị tích cực. Ông Quyết gửi thêm bệnh án để tòa phúc thẩm xem xét.
Lý do thứ 2 được nêu trong đơn, ông Quyết cho hay các luật sư của mình cần thêm thời gian sao chụp, nghiên cứu hồ sơ. Đây là những luật sư vừa được mời tham gia ở giai đoạn phúc thẩm nên họ chưa nắm được diễn biến ở cấp sơ thẩm hoặc giai đoạn trước của vụ án.
Đáng chú ý, ông Quyết khẳng định dù sức khoẻ không tốt trong thời gian qua nhưng: "Tôi vẫn giữ quyết tâm và ý thức về việc khắc phục bằng được toàn bộ hậu quả vụ án trong thời gian sớm nhất có thể".
Trong đơn, ông Quyết thể hiện đã nộp hơn 600 tỷ đồng khắc phục hậu quả và thời gian tới, sẽ thu xếp thêm tiền để hoàn thành việc khắc phục. "Tôi sẽ sử dụng nguồn tiền tài sản hỗ trợ giúp đỡ từ anh em, họ hàng, bạn bè, cộng thêm giá trị các tài sản của tôi hiện đang bị kê biên, phong toả trong vụ án này là đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả", ông Quyết trình bày trong đơn gửi tòa.
Cựu Chủ tịch FLC còn đề nghị toà phúc thẩm xem xét căn cứ Nghị quyết 164/2024 của Quốc hội về "Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự" để ra quyết định cho áp dụng biện pháp mua bán, chuyển nhượng toàn bộ các tài sản đã bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong toả trong quá trình giải quyết vụ án. Nghị quyết này có hiệu lực từ 1/1/2025.
Theo ông Quyết, các tài sản bị phong toả, kê biên của bản thân đều là các bất động sản có giấy tờ pháp lý đầy đủ, tính thanh khoản cao nên nếu được cho phép thực hiện theo Nghị quyết 164/2024, chỉ đến cuối Quý I năm 2025 là sẽ xử lý xong được tất cả và dùng để khắc phục hậu quả. Chưa kể những tài sản hợp pháp khác không bị kê biên của ông Quyết và gia đình cũng sẽ dùng cho việc này.