Bị cáo Trương Minh Tuấn (ảnh TTXVN).
Vợ của ông Trương Minh Tuấn cho biết, đã thay chồng nộp tất cả khoản tiền đã thu lợi bất chính, việc nộp được tiến hành 3 lần.
"Tiền chồng tôi thu lợi bất chính không mang về nhà, để có khoản tiền nộp khắc phục, gia đình lo lắng, vay mượn để khắc phục", vợ ông Trương Minh Tuấn nói và cho biết, ở trong trại tạm giam ông Tuấn viết thư nhờ vợ con ở nhà lo khắc phục cho chồng.
Vợ của bị cáo Trương Minh Tuấn nói thêm, số tiền khắc phục đã nộp đủ, xin tòa bỏ lệnh kê biên nhà đất mà bà đang ở.
Vào chiều qua, khi trả lời về khoản tiền 200.000 USD đã nhận của Phạm Nhật Vũ, bị cáo Trương Minh Tuấn nói:
Trong bối cảnh rất nhiều người đến chúc mừng sau Đại hội Đảng (bị cáo Tuấn lúc đó được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương) nên lúc đầu, bị cáo nhận thức là quà chúc mừng của bị cáo Phạm Nhật Vũ.
"Nhưng sau này, tôi suy nghĩ ra nếu mình không ký quyết định 236 (phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone) chưa chắc bị cáo Vũ đã tặng số tiền đó. Tôi đã nhận thức đây là tiền cảm ơn của bị cáo Vũ khi ký quyết định 236 và khai báo với Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, đồng thời, có ý thức nộp lại số tiền thu lợi bất chính", bị cáo Tuấn nói.
Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng đề nghị HĐXX xem xét lại việc kê biên nhà đất ở Ô Chợ Dừa do số tiền bất chính đã được gia đình bị cáo nộp lại đủ.
Vợ của ông Phạm Nhật Vũ (ảnh PV).
Cũng tại phiên xử vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG chiều 17/12, bà Kolmakova Ekaterina Valerievna, vợ cựu Chủ tịch HĐQT của AVG Phạm Nhật Vũ, được HĐXX hỏi và bà này đã trình bày một số nội dung.
Dù là người nước ngoài nhưng bà Kolmakova Ekaterina Valerievna nói tiếng Việt khá rõ, bà cho biết: “Chồng tôi đã nhận thức và thành thật ăn năn, về nhà động viên gia đình, vợ con phải khắc phục hậu quả, không để cho Nhà nước bị thiệt hại. Để khắc phục, trả lại số tiền này, chồng tôi đã phải vay mượn rất nhiều.”
Theo bà Kolmakova Ekaterina Valerievna, ông Phạm Nhật Vũ là người duy nhất trong lịch sử các vụ án ở Việt Nam đã chủ động khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án với số tiền đặc biệt lớn như vậy.
“Khi sự việc xảy ra, chồng tôi dám đứng ra chịu trách nhiệm, không trốn tránh dù có cơ hội ở lại nước ngoài, dù có người khuyên như vậy. Anh ấy từng tâm sự là phải khắc phục để chứng minh mình không chiếm đoạt tiền của Nhà nước, của nhân dân. Chúng tôi phải gom góp tiền từ 1 năm để trả tiền cho Mobifone. Đến lúc này, chúng tôi đang mang khoản nợ gần 1.000 tỷ đồng. Việc làm đó của chồng tôi có được xem là sự tử tế hay không, có xứng đáng để nhận được sự khoan hồng đặc biệt hay không?” - bà Kolmakova Ekaterina Valerievna trình bày.
Bà này nói thêm, những điều nói ra như vậy không phải để kêu ca, phàn nàn mà để HĐXX thấy được Phạm Nhật Vũ đã quyết tâm sửa chữa, bản thân bà cũng ủng hộ chồng.
Bà Kolmakova Ekaterina Valerievna cho biết, bà đã sống ở Việt Nam nhiều năm, coi Việt Nam là quê hương thứ 2. “Anh Vũ là sợi dây lớn nhất gắn kết tôi với cuộc sống, xã hội ở đây”, bà nói.
“Giờ anh Vũ đi tù thì mẹ con tôi vô cùng bế tắc. Tôi xác định cùng các con ở lại với chồng để vượt qua sóng gió. Chồng tôi đã dám chịu trách nhiệm, đã thành tâm sửa chữa những việc đã làm. Kính mong HĐXX quan tâm để chồng tôi nhận được sự khoan hồng đặc biệt”, bà nhấn mạnh.
Trong cáo trạng, cơ quan tố tụng nhận định, bị cáo Phạm Nhật Vũ mặc dù không phải chịu trách nhiệm chính về các hậu quả thiệt hại của Mobifone do hành vi phạm tội vi phạm về đầu tư công của Nguyễn Bắc Son và đồng phạm gây ra, nhưng trước khi khởi tố vụ án, ông Vũ đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho MobiFone gồm: 8.445.324.611.000 đồng tiền chuyển nhượng cổ phần và 329.105.607.292 đồng là số tiền lãi phát sinh chi phí liên quan đến dự án.
Đồng thời, ông Vũ đã tích cực phối hợp cung cấp tài liệu để cơ quan điều tra làm rõ hành vi của các bị cáo vi phạm về đầu tư công, cũng như hậu quả của vụ án. Trong quá trình điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ, Phạm Nhật Vũ đã có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú về hành vi phạm tội, nhận thức rõ và ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội; tích cực khai báo và hợp tác với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can nhận hối lộ, giúp cho cơ quan tố tụng sớm kết thúc điều tra vụ án.