Dân Việt

Lao động bị “đem con bỏ chợ”

25/06/2012 07:22 GMT+7
(Dân Việt) - Với hy vọng đi nước ngoài lao động để được đổi đời, nhiều nông dân đã vay mượn, cầm cố nhà cửa lấy tiền nộp cho Công ty cổ phần Bách nghệ Toàn cầu (GLO- TECH) để kiếm suất xuất ngoại sang Ảrập Xêút.

Thế nhưng, khi đặt chân tới nơi, họ mới biết mình bị “đem con bỏ chợ”...

Cả tin mất nhà...

Vừa đi một chặng đường hơn 300km từ xã Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An ra đến Hà Nội, hai lao động Nguyễn Văn Hải (SN 1979) và Nguyễn Văn Thông (SN 1977) đã tìm đến Báo NTNN để nhờ làm cho ra nhẽ việc Công ty cổ phần Bách nghệ Toàn cầu, có trụ sở tại Hạ Hồi, Tân Lập, Đan Phượng (Hà Nội) đã vi phạm những cam kết đã ký với người lao động. Hai anh cho biết, vừa mới tay trắng trở về từ Ảrập Xêút, sau 5 tháng làm việc khổ cực (làm đường, trải nhựa...) ở vùng sa mạc của đất nước này.

img
Anh Nguyễn Văn Hải (trái)- nạn nhân của xuất khẩu lao động sang Ả rập Xê út.

Theo hồ sơ mà 2 "nạn nhân" này cung cấp cho Báo NTNN, họ quen biết một nhân viên của Công ty GLO-TECH và được nhân viên này môi giới, hướng dẫn ký hợp đồng đi xuất khẩu lao động 2 năm tại Ảrập Xêút. Hợp đồng được ký bởi ông Trần Xuân Thuỷ - Tổng Giám đốc GLO-TECH.

Theo 2 lao động này, để ký được hợp đồng xuất khẩu lao động họ đã phải vay mượn, cầm cố sổ đỏ để nộp cho GLO- TECH số tiền là 1.800 USD. Ngoài ra, họ phải đóng nhiều khoản chi phí khác, như phí môi giới lao động, phí dịch vụ xuất khẩu lao động, phí khám sức khoẻ...

Sau khi nộp tiền đầy đủ, họ được phía công ty bố trí nghỉ tại một khách sạn ở Hà Nội và sau 4 ngày thì lên máy bay xuất ngoại. Anh Nguyễn Văn Hải kể, khi lên máy bay, phía Công ty có đưa một tấm logo của công ty: AL-SHAREEK WORKS FOR RECRUITMENT. Đại diện Công ty dặn người lao động: "Chỉ cần cầm logo này sang đến sân bay ở Ảrập Xê út là ngay lập tức có người đón".

Quá mừng vì thủ tục được giải quyết nhanh gọn, 2 lao động này cùng hàng chục lao động khác hăm hở lên đường, với hy vọng sau 2 năm bán sức ở nước ngoài sẽ có ít vốn trả nợ, làm ăn... Tuy nhiên, ngay từ khi đặt chân xuống sân bay của Ảrập Xêút, họ đã biết mình bị lừa và phải cam chịu cảnh lao động khổ sai ở xứ người...

Liên tục vi phạm hợp đồng

Theo hợp đồng mà người lao động ký với GLO- TECH, tại điểm 3 ghi rõ: Thời gian làm việc của lao động là 10 giờ mỗi ngày và 6 ngày trong 1 tuần. Nhưng trên thực tế, theo anh Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Văn Thông phản ánh: “Các lao động phải làm cả 7 ngày trong tuần, thời gian từ 3 giờ sáng đến 17 giờ 30 hàng ngày (chỉ được nghỉ 30 phút ăn trưa). Như vậy, mỗi ngày công nhân phải làm việc 14 tiếng đồng hồ, dưới nhiệt độ nóng khủng khiếp của xứ sở Ảrập Xêút (từ 45 - 50oC).

Không chỉ bị làm việc quá thời gian quy định, chế độ tiền lương của các lao động này cũng bị chủ lao động vi phạm nghiêm trọng. Theo hợp đồng đã ký với GLO- TECH, mức lương hàng tháng của lao động nhận được là 900SR, cộng với 200SR tiền lương tối thiểu làm thêm giờ và 200SR tiền chủ lao động hỗ trợ ăn theo khẩu vị, tổng số là 1.300SR (tương đương khoảng 6,5 triệu đồng). Tuy nhiên, trên thực tế, các lao động chỉ nhận được 650SR, tức khoảng 3,2 triệu đồng...

Ngày 22.6, phóng viên Báo NTNN đã đến Văn phòng của công ty tại số nhà B22, khu tập thể Trung ương Đoàn, đường Đông Quan, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội để làm việc với lãnh đạo công ty. Sau khi đề nghị phóng viên xuất trình Thẻ Nhà báo, một nhân viên hành chính của công ty xưng tên Hà đã yêu cầu chúng tôi ngồi chờ. Tuy nhiên, chờ hơn 1 tiếng đồng hồ, phóng viên vẫn không được tiếp xúc với đại diện công ty để làm rõ những thông tin lao động phản ánh...

Anh Nguyễn Văn Thông bức xúc: Chúng tôi làm đủ giờ, không vi phạm nội quy nhưng chủ lao động trả bao nhiêu chúng tôi biết bấy nhiêu.

Hàng chục người thắc mắc thì được đại diện của công ty cho biết phía Công ty AL-SHAREEK WORKS FOR RECRUITMENT đã bỏ tiền ra mua những lao động này từ Công ty GLO-TECH của Việt Nam, nên trừ mọi chi phí họ chỉ nhận được số tiền lương như vậy. Còn theo anh Nguyễn Văn Hải, ngay cả khi lao động ốm đau, đề nghị được đi khám bệnh, phía chủ sử dụng lao động cũng từ chối đưa đi bệnh viện.

“Nếu ai ốm tự nghỉ 1 ngày thì bị họ trừ tiền công 3 ngày. Do đó, nhiều lao động ốm đau vẫn phải cố chịu đựng để đi làm”- anh Nguyễn Văn Hải cho biết.

Sau nhiều tháng bị bóc lột một cách tệ hại, 2 lao động này đã xin quay trở lại Việt Nam để đòi quyền lợi cho mình. Tuy nhiên, đại diện Công ty hẹn lần hẹn lữa và không trả lời. Bức xúc trước việc này, 2 lao động này đã gửi đơn tố cáo đến Báo NTNN, Sở LĐTBXH TP.Hà Nội, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH)...