Việc một số người quá khích, manh động, bị công an bắt là không bàn cãi; việc Cty Quang Thuận tiếp tục khai thác titan là đương nhiên vì được tỉnh Ninh Thuận cấp phép. Điều cần nói ở đây là, chính quyền chỉ nghe một phía- doanh nghiệp, còn phía người dân thì lại bỏ qua.
Hôm 26.3, Công an huyện Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận đã khởi tố và bắt giam một số người dân ở thôn Sơn Hải xã Phước Dinh vì có hành vi đốt lán trại và đuổi đánh nhân viên của Công ty TNHH Quang Thuận đang khai thác titan tại đây. Những tưởng, sau khi một số người quá khích bị bắt, vụ việc sẽ dịu lại nhưng sáng ngày 27.3, số lán trại còn lại của công ty này tiếp tục bị đốt cháy, tình hình càng nghiêm trọng hơn.
Năm 2012, Công ty Quang Thuận được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép khai thác titan tại xã Phước Dinh nhưng công ty này đã làm sụt mạch nước ngầm, gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại đây, UBND tỉnh Ninh Thuận phải ra quyết định buộc công ty dừng khai thác titan. Sau 2 năm tạm ngừng thì mới đây, UBND tỉnh này lại cho phép Công ty Quang Thuận tiếp tục khai thác titan nên xảy ra sự cố kể trên.
Việc một số người quá khích dẫn đến những manh động, bị công an bắt giam là điều không bàn cãi; việc Công ty Quang Thuận tiếp tục khai thác titan cũng là chuyện đương nhiên vì họ được tỉnh Ninh Thuận cấp phép.
Điều cần nói ở đây là, chính quyền chỉ nghe từ một phía- phía doanh nghiệp, còn phía người dân thì lại bỏ qua! Không phải ngẫu nhiên mà người dân lại phản đối quyết liệt như vậy. Họ chấp nhận vi phạm pháp luật và bị bắt giam vì nếu im lặng thì cuộc sống của họ bị đảo lộn do tình trạng khai thác titan theo dạng “tận diệt”, bất chấp môi trường bị ảnh hưởng.
Chuyện người dân các tỉnh ven biển miền Trung liên tục ngăn cản không cho các doanh nghiệp khai thác titan và hút cát nhiễm mặn ở các cửa sông đã diễn ra từ nhiều năm nay. Doanh nghiệp thì trưng ra các loại giấy tờ được các cấp có thẩm quyền cho phép khai thác để “đấu” với dân, còn người dân thì “không cần biết”, hễ thấy xe múc xe đào nổ máy xúc xúc ủi ủi là họ huy động cả làng ra ngăn cản.
Cuối năm rồi, đỉnh điểm của sự phản đối là hàng ngàn người dân xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đã kéo về huyện lỵ để phản đối, gây ách tắc giao thông trên Quốc lộ 1 trong nhiều giờ liền. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi phải xuống hiện trường để xin lỗi dân, cơn sốt phản đối mới được hạ nhiệt.
Vì sao các doanh nghiệp khai thác titan và hút cát nhiễm mặn đụng đến đâu là dân phản đối đến đó? Vì thực chất của các “dự án” này là núp bóng “thoát lũ cho cửa sông” để hút cát bán ra nước ngoài và “tận thu” từ mặt bằng chuẩn bị xây nhà máy tại một số khu công nghiệp ven biển (thực chất là không xây gì) để khai thác titan.
Nguồn thu mang lại cho các doanh nghiệp từ những dự án tận thu cát và titan này là siêu lợi nhuận nên việc “cố đấm ăn xôi”, bất chấp sự phản đối của người dân là chuyện dĩ nhiên. Những người cấp phép cho các doanh nghiệp “tận thu” cũng cần lắng nghe tiếng nói của dân và cần biết nỗi thống khổ của họ trước khi đặt bút ký. Chuyện khởi tố hay bắt giam một số người quá khích cũng chỉ là giải pháp tình thế, sẽ không giải quyết tận gốc của vấn đề.