Thời gian này Trấn Thành có bao nhiêu show?
- Sau “Người bí ẩn”, “Tuyệt đỉnh tranh tài”, Trấn Thành sẽ làm giám khảo cho các chương trình “Ai dám hát”, “Vũ điệu tuổi xanh”…
Không chỉ làm MC mà còn là giám khảo nữa, hơi giống đạo diễn Lê Hoàng nhỉ?
- Ai cũng vậy, đều muốn khai thác mình ở những góc độ mới.
- Ngoài sự khách quan, công bằng, để làm một giám khảo tốt cần có cảm nhận nghệ thuật đúng đắn. Thí sinh có thể nói, ông này đâu có chuyên môn mà cứ đòi chấm điểm cho mình, đồng ý. Nhưng ví dụ như “Ai dám hát”, đó là một chương trình giải trí thôi, hù dọa để thí sinh không thể hát, thi xem ai dám hát chứ không phải ai hát hay. Tôi nghĩ đâu nhất thiết phải có chuyên môn mới biết ai dám hát, tôi chỉ ngồi đó làm không khí chương trình vui hơn.
Còn với “So you think you can dance”, tôi đã tham gia hai mùa nên hiểu thí sinh, tôi có kiến thức về bộ môn này nên biết thế nào là đẹp. Hơn nữa, không nhất thiết giám khảo thì phải làm hay hơn thí sinh, quan trọng là họ có nhận định nghệ thuật đúng đắn. Nếu như được mời làm MC chương trình yêu cầu chuyên môn cao hơn thì tôi sẽ không đến để nói quá nhiều về chuyên môn, mà sẽ nói về cảm xúc khi xem tác phẩm nghệ thuật ấy. Còn nếu thấy mình không "làm nên trò trống gì", tôi sẽ không nhận lời tham gia. Tôi biết mình nên làm gì.
Có bao giờ anh tự hỏi vì sao số người yêu/ghét mình là 50/50 không? Yêu thì quá yêu mà ghét thì như hắt nước vào mặt…
- Những người có gia vị đậm đương nhiên sẽ có người rất thích và người rất ghét. Còn những người nhạt nhẽo thì chẳng ai muốn bàn luận tới. Cũng có những nghệ sỹ chấp nhận sống nhạt để khỏi bị dư luận bàn tán.
Với tôi, đã là người của công chúng, phải luôn có người thương và người ghét. Không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Tôi từng nói nếu làm một món ăn, tôi muốn làm sầu riêng hoặc mắm. Ai ăn được thì thích lắm và ai không ăn được thì cực ghét. Quan trọng hơn, tôi được làm những gì tôi muốn.
Tôi nghĩ nhiều người ghét vì tôi thuộc top 5 người được quan tâm theo dõi nhiều nhất trên facebook Việt Nam. Nhưng những người ghét đó không thể là số đông được, nếu không, sao có được số lượng theo dõi như thế. Nếu khán giả không thương thì nhà sản xuất đâu mời tôi tham gia làm gì.
Trên mạng xã hội, người ta ghét cũng “like” và “follow”, xem mình bị ghét ra sao đấy nhé!
- Nghệ sĩ luôn bị soi mói mà. Bạn thử hỏi xem có người nào bị chỉ trích mà được like nhiều vậy không? Thậm chí được like nhiều để bị chỉ trích cũng gọi là thành công. Nghệ sĩ là gì? Là phải được mọi người biết đến, dù theo hướng nào. Mà tôi không nghĩ mình tệ đến mức đó, vì nếu tôi bị ghét thì nhà sản xuất sẽ không mời, rớt rating chương trình thì sao?...
Anh nói thích làm mắm hay sầu riêng, tại sao không chọn cơm, hơn 90 triệu dân Việt vẫn ăn hàng ngày kìa…
- Vì tôi không thích nhạt. Quan trọng là cơm chúng ta ăn như một thói quen, ăn để sống, ăn một cách vô thức. Tôi nghĩ là món gì để người ta thèm, người ta tìm mua, ăn xong rồi bàn về nó, món này ngon lắm nè. Tôi muốn được như vậy.
Và vì muốn thế nên nghe nói anh chảnh lắm?
- Tôi cũng không làm gì để nhiều người cảm thấy quá khó gần. Tôi băn khoăn là hình như ở Việt Nam người ta ít được dạy cách biểu đạt cảm xúc và tính cách của mình. Đó là lí do vì sao các game show, reality show của nước ngoài luôn hấp dẫn hơn mình, vì những người chơi ở nước ngoài biểu đạt cảm xúc rất rõ ràng. Họ yêu cái gì, ghét cái gì đều rất thật. Và tôi là người sống thật, tôi tôn trọng cảm xúc và cá tính của tôi hàng đầu. Tôi nghĩ sao thì nói như thế. Ai hiểu thì thương, ai không hiểu thì bảo ngông cuồng. Tôi không nghĩ mình sống thật người ta sẽ ghét mình hoài được.
Tôi không cố hoàn hảo để che đậy con người của mình, tôi là tôi, các bạn thích thì tôi trao cho các bạn sự chân thành, và nếu không thích thì tôi không cưỡng cầu bạn đến bên cạnh tôi.
Xin cảm ơn anh!