Dân Việt

G7 gửi thông điệp mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc "nổi đóa"

Các nhà lãnh đạo G7 ngày 26.5 nhất trí gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tranh chấp hàng hải ở Tây Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc ngày càng có những động thái quyết liệt nhằm theo đuổi các yêu sách của nước này trên biển bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng bao gồm Nhật Bản và nhiều nước Đông Nam Á.

G7 cứng rắn về vấn đề Biển Đông

img

Các nhà lãnh đạo G7 trong phiên họp ngày 26.5.

Những bước đi ngày càng quyết liệt của Trung Quốc, đặc biệt là trong tranh chấp trên Biển Đông đã trở thành chủ đề nóng tại Hội nghị Thượng định G7, diễn ra trong 2 ngày 26.5-27.5 tại Nhật Bản.

Theo đó, Phó chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết, trong phiên họp ngày 26.5, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã dẫn dắt cuộc thảo luận về tình hình hiện nay trên Biển Đông và Hoa Đông. Các nhà lãnh đạo G7 khác cho rằng đã đến lúc G7 cần phát đi một tín hiệu rõ ràng.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng nhấn mạnh, G7 cần có “quan điểm cứng rắn” về vấn đề nóng này.

 G7, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Đức, Ý và Canada, cũng tái khẳng định tranh chấp hàng hải cần phải được giải quyết "hòa bình" và tôn trọng "tự do đi lại trên biển, trên không".

Các lãnh đạo G7 còn nhấn mạnh tuyên bố chủ quyền cần phải dựa trên luật pháp quốc tế. Các quốc gia nên kiềm chế, không có "hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng" và tránh "sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép để củng cố tuyên bố chủ quyền".

img

Giới lãnh đạo G7 có mặt tại Nhật Bản để họp hội nghị thượng đỉnh trong 2 ngày 26.5-27.5

Trước đó, Trong cuộc họp báo chung chiều ngày 25.5, Thủ tướng Nhật Bản Abe và Tổng thống Mỹ Obama cũng bày tỏ quan điểm thống nhất và dứt khoát về tình hình căng thẳng trên Biển Đông.

Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, Nhật Bản hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc nhưng ông cũng nhắc lại rằng Tokyo phản đối những hành động làm thay đổi hiện trạng khu vực tranh chấp trên biển. 

Trong khi đó, Tổng thống Obama kêu gọi Trung Quốc giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ chỉ quan tâm tới vấn đề tự do hàng hải và hàng không ở khu vực.

Trung Quốc phản ứng

Ngay sau tuyên bố của G7 về vấn đề Biển Đông cuối cuộc họp ngày 26.5, tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên tiếng tuyên bố rằng vấn đề Biển Đông “không liên quan gì” tới G7 hoặc bất kỳ thành viên nào của G7.

“Trung Quốc kiên quyết phản đối các nước thổi phồng vấn đề Biển Đông để phục vụ cho mục đích cá nhân”, bà Oánh nhấn mạnh.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng lên tiếng hối thúc các nước thành viên G7 tập trung vào các vấn đề kinh tế toàn cầu đồng thời cảnh báo họ không làm gia tăng căng thẳng khu vực.

img

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ông Vương còn yêu cầu các thành viên G7 phải có "lập trường công bằng, không thiên vị thay vì áp tiêu chuẩn kép hay tư duy liên minh".

"Chúng tôi không muốn thấy các cuộc thảo luận hay hành động có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực", Financial Times dẫn lời ông Vương Nghị.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cũng lên tiếng cảnh báo vấn đề Biển Đông không nên bị thổi phồng và rằng, Trung Quốc cam kết đi theo con đường phát triển hòa bình; không ngừng nỗ lực thúc đẩy hợp tác khu vực; không bao giờ do dự và chân thành muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và không bao giờ trốn tránh trách nhiệm bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực...

Tuy nhiên, Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, nơi có nhiều tuyến hàng hải quan trọng đi qua, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Philippines, Việt Nam. Nước này còn tiến hành bồi đắp, cải tạo phi pháp một số thực thể trong khu vực bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc cũng có tranh chấp với Nhật Bản, thành viên G7, về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh có thể dùng vũ lực để củng cố yêu sách của họ nếu cần.