Căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, với những thông tin được đưa ra từ Công an TP.Hà Nội và thông tin báo chí đăng tải về quyết định (QĐ) xử phạt hành chính đối với phóng viên (PV) Quang Thế (báo Tuổi Trẻ), theo tôi, quyết định này có những điểm sai cả về nội dung lẫn hình thức.
Một số căn cứ xử phạt chưa thuyết phục
Trước hết, một số nội dung trong QĐ xử phạt hành chính số 29 ngày 29.9 của Công an quận Tây Hồ (sau đây gọi là QĐ 29) với PV Quang Thế là chưa ổn vì thiếu căn cứ pháp lý vững chắc.
Hành vi thứ nhất: “Vào khu vực cấm, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung phạm vi bí mật Nhà nước mà không được phép (vi phạm điểm đ khoản 1 Điều 18 Nghị định số 167/2013 của Chính phủ quy định về an ninh trật tự); mức phạt 2 triệu đồng”. Hành vi thứ hai: “Chụp ảnh tại khu vực cấm (vi phạm điểm e khoản 1 Điều 18 Nghị định số 167/2013 của Chính phủ); mức phạt 2 triệu đồng”.
Cú đấm vào mặt và cú đá của cảnh sát hình sự mà đại diện Công an TP.Hà Nội cho là “gạt trúng vào má và có hành vi giơ chân đá” (Ảnh: HTD)
Để phân tích tính hợp pháp của nội dung xử phạt hai hành vi này phải căn cứ vào Điều 5 và Điều 6 Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước ngày 28.12.2000. Chiếu theo các điều luật này thì PV Quang Thế không vi phạm vì anh đi tác nghiệp báo chí ở một địa điểm không có giới hạn cấm nào. Ngoài ra theo Điều 7 pháp lệnh này, danh mục bí mật Nhà nước thuộc độ mật phải do người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức đề nghị bộ trưởng Bộ Công an quyết định. Do vậy để quy kết việc chụp ảnh của PV có xâm phạm bí mật Nhà nước hay không thì phải chỉ ra một QĐ nào đó của Bộ Công an xác định hành vi đó thuộc trường hợp mật. QĐ 29 lại không viện dẫn được QĐ nào của Bộ Công an quy định về nội dung này.
Mặt khác, tất cả clip phản ánh tại hiện trường đều xác định rằng cơ quan công an không chăng dây, không treo biển cấm chụp ảnh tại hiện trường vụ việc. Thực tế thì hiện trường của vụ án xảy ra tại chỗ đông người, bất kỳ ai đứng gần đó đều có thể dùng phương tiện cá nhân của mình để ghi âm, ghi hình, chụp ảnh được. Đây là thực tế khách quan vững chắc để không thể nói hiện trường trên thuộc trường hợp bí mật của Nhà nước như QĐ 29 nêu ra.
Hành vi thứ ba: “Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ (vi phạm điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định số 167-2013; mức phạt 2,5 triệu đồng”. Về hành vi này, muốn xử phạt thì cơ quan công an phải có chứng cứ cụ thể về việc PV đã lăng mạ người thi hành công vụ. Ở đây, theo công bố của phía cơ quan công an thì tôi chưa thấy được chứng cứ đó.
Hành vi thứ tư: “Lợi dụng tư cách nhà báo, PV can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân (vi phạm điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định số 159-2013 của Chính phủ); mức phạt 7,5 triệu đồng”. Theo các clip, hình ảnh và lời kể của các nhà báo tại hiện trường thì nơi PV Quang Thế bị đấm, đá nằm cách xa khu vực hiện trường. Cạnh đó, chỉ có một mình PV bị vây giữa cả chục cảnh sát hình sự to khỏe thì PV có muốn cũng không thể cản trở được lực lượng thi hành công vụ. Do vậy, xử phạt PV về hành vi này là vô lý. Những gì chúng ta đã thấy cho đến nay chỉ là cảnh PV bị cảnh sát hình sự rượt theo đấm, đá chứ không hề có cảnh PV cản trở hoạt động của lực lượng thi hành công vụ.
Chỉ riêng hành vi thứ năm là Đỗ xe mô tô trên cầu, phạt 350.000 đồng bản thân PV thừa nhận là có vi phạm.
Không lập biên bản, không thể ra QĐ xử phạt
Tiếp đó, về thủ tục xử phạt, QĐ 29 cũng không tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định phải tiến hành lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và hồ sơ phải được lưu trữ theo quy định. Đối chiếu lại toàn bộ sự việc cho thấy không có biên bản nào được lập và PV Quang Thế cũng không được yêu cầu ký biên bản nào, trong khi theo quy định việc xử phạt này bắt buộc phải lập biên bản. Do vậy việc công an xử phạt hành chính mà không lập biên bản là trái pháp luật.
Khoản 2 và khoản 3 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định chi tiết về trình tự, thủ tục lập biên bản vi phạm như phải được ghi rõ từng mục theo quy định, phải được lập thành ít nhất hai bản (giao cho người vi phạm một bản). nếu người vi phạm không có mặt hoặc cố tình trốn tránh ký thì phải có chữ ký của đại diện chính quyền nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến…
QĐ 29 cũng nêu chưa đủ các nội dung theo quy định của điểm c khoản 1 Điều 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đó là trong QĐ không nêu biên bản vi phạm hành chính, kết quả xác minh, văn bản giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc biên bản họp giải trình và tài liệu khác (nếu có).
Báo Tuổi Trẻ đề nghị Công an Hà Nội xem xét lại quyết định xử phạt Tối 30.9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị Công an TP.Hà Nội xem xét lại QĐ xử phạt hành chính đối với nhà báo Quang Thế. Theo lời anh Quang Thế tường trình với chúng tôi, anh chỉ có lỗi để xe máy trên cầu Nhật Tân khi vội vàng tác nghiệp chứ không bị những lỗi khác như QĐ xử phạt của Công an quận Tây Hồ”. Theo ông Trung, những hình ảnh ghi lại vụ việc này cũng cho thấy các nhà báo đã bị ngăn cản ngay từ đầu nên họ không thể tác nghiệp, chưa thu thập được thông tin về vụ tài xế taxi tự tử. Hiện trường không được giới hạn rõ trong phạm vi nào nên không thể kết luận các nhà báo (gồm Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tuổi Trẻ Thủ Đô, Zingnews…) đã “vào khu vực cấm” và “cản trở hoạt động của tổ chức, cá nhân” như QĐ xử phạt quy kết. Hơn nữa, cơ quan công an không có biên bản về các lỗi hành chính mà anh Quang Thế bị cho là vi phạm thì căn cứ trên cơ sở nào để xử phạt anh Thế rất nhiều lỗi như vậy? “Liệu Công an TP.Hà Nội đã thực hiện đúng theo chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.Hà Nội là điều tra việc “Công an huyện Đông Anh hành hung PV” (chứ không phải gạt tay trúng má) và “xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” hay chưa? Đó là câu hỏi cần được lãnh đạo Công an TP.Hà Nội trả lời đầy đủ và có trách nhiệm không chỉ cho lãnh đạo TP mà còn cho công chúng cả nước” – ông Trung đặt vấn đề. Trao đổi với chúng tôi cùng ngày, ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, cho hay đến chiều 30.9, Hội Nhà báo Việt Nam (Hội Nhà báo VN) vẫn đang chờ văn bản của Công an TP.Hà Nội về công văn của Hội Nhà báo Việt Nam gửi ngày 24.9, đề nghị Công an TP.Hà Nội xử nghiêm minh, đúng người, đúng việc đúng tội, ai có lỗi đều phải xử lý công bằng trước pháp luật. Hội cũng chưa nhận văn bản của báo Tuổi Trẻ đề nghị hội với chức năng của mình có ý kiến về việc này. Hội sẽ có tiếng nói chính thức khi nhận được các văn bản trên. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm cá nhân, ông Minh bày tỏ: “Thực ra trong thâm tâm với kết quả trả lời trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Công an TP.Hà Nội, tôi thấy có những lăn tăn. Ví dụ như chi tiết bao nhiêu người dừng lại xem sao không phạt lại phạt mỗi nhà báo vì để xe máy trên cầu. Hay việc nói rõ động tác, động thái của công an đã hợp lý chưa, nói thế nhân dân không tin tưởng tiếng nói của ngành chức năng, mức độ như dùng tay gạt trúng vào má hay có hành vi giơ chân đá…. Trong ngày, mặc dù chúng tôi đã có gắng liên lạc điện thoại với lãnh đạo Công an quận Tây Hồ và lãnh đạo của Công an TP.Hà Nội để hỏi rõ thêm các thông tin liên quan đến sự vụ này nhưng đều không được. Q.Trang - V.Thịnh - T. Phan |
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả).