Ông đánh giá thế nào về những khó khăn khi nông dân tiếp cận vay vốn, kể cả với những nông dân được coi là xuất sắc?
- Thực tế cho thấy, hiện nay các hộ nông dân khi vay vốn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, tài sản trên đất đai gia đình thường có giá trị thấp, không thể vay được nhiều vốn để kinh doanh lớn. Trên thực tế, từng có nhiều hộ nông dân vay ngân hàng không có khả năng trả nợ, ảnh hưởng xấu tới nợ xấu, tới hoạt động của các chi nhánh ngân hàng. Vì thế, nhiều ngân hàng cũng dè dặt trong cho vay.
Theo ông, làm sao để nông dân có thể vay được vốn?
- Vấn đề là các hộ dân và các hợp tác xã (HTX) phải có đủ tư cách pháp nhân để có thể vay vốn và có các tài sản thế chấp cho khoản vay. Khó có thể đòi hỏi ngân hàng cho vay không có cơ sở đảm bảo vì đây là nguyên tắc hoạt động của ngân hàng. Họ là mô hình kinh doanh đặc thù, “kinh doanh tiền” nên cũng cần có nguyên tắc đảm bảo an toàn.
Theo tôi, để nông dân vay được vốn có thể theo 2 cách: Phải có người bảo lãnh đủ để ngân hàng tin cậy. Đó có thể là Hội Nông dân hay hiệp hội chăn nuôi (lợn, gà, thủy sản..) tỉnh hay huyện. Nhưng để được ngân hàng tin cậy là cả một vấn đề! Vì uy tín và tài sản của các hội này có hạn. Cần có sự bảo lãnh của các cơ quan cấp cao hơn.
Ông Thành tắm cho đàn lợn tại trang trại ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). ảnh: Trần Quang
Việc cấp thủ tục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận tài sản trên đất theo ông có cần thiết không?
- Việc này rất cần thiết để xác nhận quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, các HTX và các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, hiện các quy định này mới đang được các cơ quan quản lý hoàn thiện thủ tục pháp lý nên nông dân vẫn còn phải chờ đợi, chưa thể được cấp ngay. Theo tôi, các cơ quan chức năng cần phải đẩy nhanh việc xây dựng các quy định về mặt pháp lý cũng như sớm cấp chứng nhận cho quyền sử dụng đất, chứng nhận tài sản trên đất cho nông dân, HTX để họ có cơ sở pháp lý vay vốn từ ngân hàng.
Ông có cho rằng cần bỏ tiêu chí cho vay yêu cầu phải có sổ đỏ mà chỉ nên dựa vào phương án kinh doanh khả thi?
- Vấn đề không phải ở sổ đỏ. Vấn đề là tài sản thế chấp khoản vay, một nguyên tắc bất di bất dịch của hoạt động cho vay! Không có tài sản đảm bảo để khi cần, người cho vay có thể thu hồi được nợ đã cho vay thì không chủ nợ nào an tâm cho vay cả. Còn vay tín chấp, như tôi nói là dù đã có quy định nhưng sẽ rất khó để tiếp cận được vốn từ ngân hàng.
Vậy có nên bỏ hạn mức cho vay 500 triệu đồng, vì đã quá lạc hậu do quá nhỏ và dở dang so với nhu cầu đầu tư của nông dân nói chung?
- Đúng vậy. Tôi cho rằng các quy định tại Nghị định 55 đến nay cũng đã bộc lộ những hạn chế cần sớm được sửa đổi cho phù hợp. Hiện nay, có nhiều nông dân, HTX đầu tư với quy mô hàng chục tỷ đồng nên nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của họ cũng ngày càng lớn. Do đó, theo tôi, nếu đã cho vay dự án sản xuất kinh doanh thì không nên giới hạn hạn mức mà phải dựa vào nhu cầu vốn của dự án và mức độ của tài sản đảm bảo của người vay.
Để nông dân vay được vốn, theo ông cần phải có những giải pháp cụ thể nào và ông có đề xuất kiến nghị gì, thưa ông?
-Theo tôi, cần nâng cao vai trò của Hội nông dân cũng như các Hiệp hội ngành nghề ở các địa phương để các hội đủ uy tín, đủ năng lực cả về tổ chức và tài chính có thể đứng ra bảo lãnh vay vốn cho các hội viên.
Nâng cao tính pháp lý, tính hiệu lực của các hợp đồng kinh tế giữa các hộ nông dân với các cơ quan, tổ chức có liên quan để các hợp đồng này có thể được coi là căn cứ pháp lý khi cho vay dự án sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển các hình thức bảo hiểm trong chăn nuôi, trồng trọt nhằm giảm thiểu rủi ro trong đầu tư, thực hiện các dự án nông nghiệp; bản thân các hộ gia đình và các HTX phải nâng cao tính công khai, minh bạch trong kinh doanh và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ để tăng độ tín nhiệm với các ngân hàng.
Mặt khác, phải quy hoạch tốt các ngành nghề, các khu vực phát triển các loại cây con trong nền kinh tế, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, không để nông dân phải tự tìm, tự lo tất cả mọi vấn đề trong sản xuất, tiêu thụ, đầu ra, đầu vào của hoạt động sản xuất, đặc biệt giải quyết bài toán đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp một cách toàn diện.
Đồng thời, cần tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp để giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả đầu tư trong nông nghiệp. Trong đó chú trọng nâng cao công nghệ bảo quản và chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, giảm rủi ro cho hoạt động đầu tư và cho vay…
Xin cảm ơn ông!
Ngân hàng NNPTNT Bắc Giang đã cử đoàn công tác làm việc với ông Tô Hiến Thành Trong một diễn biến khác, tối nay 26.7, ông Thành có thông báo cho PV Báo NTNN/Dân Việt, ông đã được Vụ trưởng Vụ Tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gọi điện chia sẻ. Theo đó, phía ngân hàng cũng tư vấn cho ông Thành hoàn thiện thủ tục hợp pháp cho diện tích đất mà đơn vị ông đang thuê làm trang trại, thì ngân hàng sẽ chấp thuận cho ông vay số vốn theo yêu cầu. Tuy nhiên theo ông Thành, hiện Hiệp Hòa đang đòi ông Thành phải trả 1,8 tỷ đồng coi như làm lại thủ tục thuê đất mới nhưng ông không đồng ý vì diện tích đất đó đã được lãnh đạo xã Danh Thắng lúc trước (giờ đã về hưu) đã ký không đúng thẩm quyền cho ông thuê 30 năm và giờ ông mới sử dụng dc 17 năm, còn 13 năm mới hết hạn. Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này. Trần Quang (ghi) |