Dân Việt

8 cái kết bi thảm của những kẻ phản quốc trong lịch sử Việt Nam

Hoàng Anh 30/05/2019 14:34 GMT+7
Trong trang sử hào hùng của dân tộc ta, bên cạnh những tấm gương xả thân hy sinh vì đại nghĩa giữ nước, làm rạng rỡ hào khí dân tộc, chúng ta vẫn không quên vết ô nhơ của những kẻ mãi quốc cầu vinh, vì mưu lợi riêng, tham công danh phú quý hay đơn thuần chỉ là nghe lời dụ dỗ của giặc, nhắm mắt trước thị phi, mà chấp nhận làm kẻ phản quốc, đi ngược lại quyền lợi quốc gia.

Song, quả thật, những kẻ ấy cũng bị trời cao trừng phạt thích đáng và phải trả giá cho tội lỗi của mình và ngàn đời vẫn bị thế gian lên án

1. Giặc ở sau lưng

Một truyện cổ khá kinh điển trong sử Việt là sự kiện Triệu Đà chiếm Âu Lạc. Nguyên nhân của việc này là do Mỵ Châu vì chút tình riêng, mê muội đã quá tin lời tình nhân nội gián của nàng mà quên đi sự an nguy của quốc gia như việc nàng cho Trọng Thủy xem “bảo vật trấn quốc” là nỏ thần.

img

Thục Phán đoạn tình riêng, giết con đền nợ nước.

Và khi theo cha bỏ chạy khỏi quân thù, nàng cũng vì luyến tiếc chút tình riêng nhỏ nhoi ấy mà rải lông ngỗng để Trọng Thủy tìm đường theo nàng. Khốn thay, giặc cũng theo sau. Và cái chết của nàng dưới lưỡi gươm cha tuy thật đau lòng nhưng việc nàng làm khiến dân ta rơi vào vòng Bắc thuộc tăm tối thì khó tha thứ, như thần Kim Quy đã chỉ tội “Giặc ở sau lưng vua đấy”

Thế mới hay, không gì nguy hại bằng giặc trong nhà, giặc sau lưng. Một công chúa liễu yếu đào tơ như Mỵ Châu trong phút sai lầm đã làm chao đảo Loa Thành. Cái dũng khí đoạn tình riêng của Thục Phán, giết con đền nợ nước cũng đã muộn màng. Quả thật, thiên binh vạn mã Nguyên Mông từ ngoài ta còn đánh bại, vậy mà họa mất nước từ trong e thật khó biết bao.

2. Phản thần Đỗ Thích

Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân và lên ngôi lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt và được xem là hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc. Nhà vua rất sủng ái một hoạn quan tên là Đỗ Thích, giữ chức Chi Hậu Nội Nhân. Nhờ có công cõng vua Đinh trốn chạy khi bị Nam Tấn Vương truy đuổi, hắn được lòng vua và theo về triều, ngày càng củng cố địa vị.

Vua Đinh Tiên Hoàng phế trưởng lập thứ, chọn con út là Hạng Lang làm Thái Tử để kế vị. Việc này làm con trưởng là Đinh Liễn oán giận. Đầu năm 979, Đinh Liễn sai người giết Hạng Lang để tranh quyền đoạt vị. Tuy nhiên, vua Đinh không trừng phạt tội ác của Đinh Liễn mà vẫn chấp nhận Đinh Liễn lên làm Thái Tử, từ đó gây rối ren trong triều chính.

Lại nói về Đỗ Thích, một hôm, y nằm mơ thấy ngôi sao băng rơi vào miệng, có kẻ giải mộng đó là điềm báo hắn sẽ trở thành vua. Quá đỗi vui mừng và tin vào giấc mộng huyễn hoặc ấy, Đỗ Thích mưu toan giết vua và Thái Tử để đoạt ngôi. Sau một buổi yến tiệc trong cung đình, Đỗ Thích đã thực hiện âm mưu của mình bằng cách bỏ thuốc độc vào món canh tẩm bổ, giã rượu cho Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn. Nhà vua và thái tử ngấm phải chất kịch độc đã băng hà ngay sau đó.

Nhưng giấc mộng bá vương của tên hoạn quan thích mộng tưởng những chuyện hoang đường họ Đỗ chưa kịp nhen nhúm cơ may trở thành hiện thực thì hắn đã bị Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc tóm gọn. Và hắn phải nhận lấy sự trừng phạt một cách tàn khốc, Nguyễn Bặc sai quân chém đầu rồi sai đập tan xương và cắt thịt ném cho thú dữ.

3. Trần Di Ái – Âm mưu bất thành đành chịu nhục

Trong cuộc kháng chiến 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, những danh tướng đời Trần đã tạo nên một cơn địa chấn mà sử sách gọi là “Hào Khí Đông A”. Tuy nhiên, vẫn có những quý tộc nhà Trần bắt tay với giặc, phản quốc. Trần Di Ái là một trong số đó.

Năm 1281, hoàng đế nhà Nguyên đòi vua Trần Nhân Tông phải sang chầu, vua Trần lấy cớ khước từ không sang, hoàng đế Nguyên gửi thư nói: “Nếu vua nước Nam không sang chầu được thì phải đưa vàng ngọc sang thay, và phải nộp hiền sĩ, thầy âm dương bói toán, thợ khéo mỗi hạng 2 người “. Thượng hoàng Trần Thánh Tông liền đưa chú của mình là Trần Di Ái cùng Lê Tuân và Lê Mục sang thay.

Nhà Nguyên không bằng lòng, muốn lập ngay bộ máy cai trị Đại Việt, bèn xuống chỉ lập tòa Tuyên phủ ti, đặt quan liêu thuộc để sang giám trị các châu huyện. Thế nhưng khi quan nhà Nguyên đến nơi, nhà Trần không chấp nhận và đuổi về. Vua nhà Nguyên tức tối, bèn phong Trần Di Ái làm An Nam quốc vương, phong cho Lê Mục làm Hàn lâm học sĩ, Lê Tuân làm Thượng thư rồi đưa về nước cùng lá thư cho vua Trần: “Ngươi cáo bệnh không vào chầu, nay cho người được nghỉ để thuốc thang điều dưỡng. Ta lập chú ngươi là Di Ái thay ngươi làm quốc vương An Nam cai quản dân chúng”

Trần Di Ái cũng mừng thầm, hy vọng dựa vào sức mạnh của quân Nguyên thì mình sẽ được làm vua, còn nếu không được thì sẽ viện lý do bị ép. Hoàng đế Nguyên là Hốt Tất Liệt sai Bột Nham Thiết Mộc Nhi cùng Sài Thung đưa 1.000 quân cùng Trần Di Ái về nước. Khi Trần Di Ái đến ải Nam Quan, Vua Trần Nhân Tông sai tướng đón đánh đội quân này, quân Nguyên bị đánh tan, Sài Thung bị trúng tên mù một mắt. Trần Di Ái bị bắt sống đưa về triều, được tha tội chết nhưng phải làm lính hầu ở phủ Thiên Trường, suốt đời không dám ngẩng mặt lên nhìn ai.

4. Trần Kiện – Cam tâm làm tay sai

Là cháu nội của vua Trần Thái Tông. Năm 1285, nhà Nguyên đem quân xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Phía Bắc Thoát Hoan cùng A Lý Hải Nha thống lĩnh 50 vạn đại quân tiến sang. Lúc này cánh quân 20 vạn của Toa Đô bị sa lầy ở Chiêm Thành được lệnh từ phía Nam tiến đánh vùng Thanh Hóa – Nghệ An. Tháng Giêng năm 1285, Trấn thủ Thanh Hóa là Trần Kiện (con Trần Quốc Khang, cháu nội vua Trần Thái Tông) đem toàn gia quyến đầu hàng.

Trần Kiện cũng chỉ điểm cho quân Nguyên khiến quân Đại Việt nhiều trận bị thiệt hại. Trần Kiện đầu hàng khiến phía Nam bị bỏ ngỏ, Trần Quang Khải được lệnh thống lĩnh quân đến phía Nam chặn Toa Đô.

Tháng 4 năm 1285, Thoát Hoan sai quân hộ tống Trần Kiện cùng các tôn thất nhà Trần đã đầu hàng về Bắc diện kiến hoàng đế Nguyên là Hốt Tất Liệt. Thế nhưng đến ải Chi Lăng, toán quân này bị quân Đại Việt phục kích vây đánh. Trần Kiện phá vòng vây chạy lên phía trước lại bị toán dân quân đón đánh. Gia tướng của Hưng Đạo Vương là Nguyễn Địa Lô dùng tên bắn chết Trần Kiện trên lưng ngựa. Liêu thuộc của Trần Kiện là Lê Tắc cướp được xác chủ, cột lên ngựa, nhân đêm tối lẻn chạy về Khâu Ôn và chôn Trần Kiện ở đấy. Một cái kết thích đáng cho kẻ tay sai, đê hèn.

5. Trần Văn Lộng – Nối giáo cho giặc

Là cháu của Thái sư Trần Thủ Độ, được cử làm tướng trấn giữ vùng Tam Đái. Năm 1284 quân Nguyên tiến đánh, Văn Lộng đem cả gia quyến ra đầu hàng rồi mang quân tấn công lại quân Đại Việt. Thế nhưng kết quả Đại Việt đại thắng, Trần Văn Lộng phải chạy trối chết sang Trung Quốc, sau này được làm quan rồi chết nơi đất khách quê người.

6. Hoàng tử Trần Ích Tắc – Lòng dạ hẹp hòi

Là hoàng tử thứ năm, con vua Trần Thái Tông, em vua Trần Thánh Tông, vốn là người giỏi văn hay chữ chứ không giỏi võ. Khi Giang Sơn bị nhà Nguyên dòm ngó, các võ tướng được coi trọng, vì thế mà Trần Ích Tắc không được xem trọng. Ông bất phục các hoàng tử khác, đặc biệt là Trần Hoảng (sau này được lên ngôi vua, hiệu là Trần Thánh Tông).

Thấy mình tài giỏi mà không được xem trọng, văn tài giỏi nhất nhưng lại không được lên ngôi vua, Trần Ích Tắc rất bất bình. Khi quân Nguyên chuẩn bị tiến đánh Đại Việt lần thứ hai, Trần Ích Tắc thấy đây là cơ hội tốt nhất để có thể lên ngôi vua, nên thông qua các lái buôn ở Vân Đồn đưa thư đầu hàng giặc.

Khi quân Nguyên tiến sang, Trần Ích Tắc được cử đưa quân trấn giữ miền Đà Giang. Khi quân Nguyên đến, Ích Tắc đưa toàn bộ gia quyến đến đầu hàng và được phong là An Nam Quốc Vương. Thế nhưng Đại Việt đã giành chiến thắng khiến âm mưu lên ngôi vua của Ích Tắc sụp đổ, Trần Ích Tắc sang sống và mất ở Trung Quốc.

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép rằng: “Đến nay, người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng chúng để mong làm vua. Người Nguyên phong là An Nam Quốc Vương. Sau khi người Nguyên thất bại, Ích Tắc lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc“. Tại Đại Việt, nhà Trần loại Trần Ích Tắc ra khỏi tông thất, đặt tên là Ả Trần, vĩnh viễn không còn liên hệ huyết thống với con cháu của Trần Ích Tắc sau này.

Trong cuộc chiến chống quân Nguyên, trước thế giặc hùng mạnh, rất nhiều người dao động sợ hãi mà bí mật âm thầm viết thư xin hàng quân Nguyên. Về số phận của những người này, Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép như sau: “Năm 1289, tháng 5, sau khi đánh thắng quân Nguyên lần thứ ba, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng (Trần Thánh Tông) sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc. Chỉ có kẻ nào đầu hàng trước đây, thì dẫu bản thân ở triều đình giặc, cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, sung công, tước bỏ quốc tính”.

7. Trần Thiêm Bình – Kẻ mạo xưng

Về tên thật của Trần Thiêm Bình, sử sách đề cập khác nhau. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Thiêm Bình có tên là Nguyễn Khang, Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì ghi Thiêm Bình vốn có tên là Trần Khang, vốn là gia nô của Trần Tông, một thổ hào ở vùng biên cương giữa Đại Việt và Chiêm Thành.

Cuối thế kỷ 14, cuộc chiến Việt-Chiêm bùng nổ ác liệt. Sau khi chiến tranh tạm lắng, nhà Trần hạ lệnh bắt trị tội nhiều thổ hào ở Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa và các tướng từng theo Chiêm Thành, trong số đó có Trần Tông. Sau khi Trần Tông bị bắt, Nguyễn Khang (hay Trần Khang) đổi tên là Trần Thiêm Bình và bỏ trốn sang Ai Lao, rồi đi theo đường Vân Nam chạy sang Trung Quốc.

Đến năm 1400, nhân sự kiện Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần-Đại Việt, lập ra nhà Hồ-Đại Ngu, Trần Thiêm Bình mạo xưng là con vua Trần Nghệ Tông, chạy sang Yên Kinh cầu viện nhà Minh xin giúp binh đánh Đại Ngu báo thù. Thiêm Bình khẩn khoản nói với Minh Thành Tổ ra quân, chỉ cần vài ngàn người có thể thắng lợi, vì đi tới đâu sẽ có người hưởng ứng.

Năm 1404, nhà Minh sai Lý Ỷ sang hỏi nhà Hồ về việc Trần Thiêm Bình. Lý Ỷ đến công quán sai người do thám tình hình Đại Ngu. Sau khi Lý Ỷ về, hoàng đế Hồ Hán Thương sai Nguyễn Cảnh Chân dâng biểu tạ tội và xin rước Trần Thiêm Bình về nước và tôn làm chúa .Tháng 4 năm 1406, lấy cớ đưa Trần Thiêm Bình về nước, Minh Thành Tổ sai Hàn Quan và Hoàng Trung mang 5.000 quân hộ tống để lập Trần Thiêm Bình làm vua.

Ngày 8 tháng 4, Hoàng Trung đánh vào cửa Lãnh Kinh. Hai cánh quân thuỷ bộ nhà Hồ đụng độ với quân Minh. Quân Đại Ngu khinh địch nên bị bại trận đầu tiên, 4 đại tướng tử trận, tể thần Hồ Nguyên Trừng suýt bị bắt sống .Nhưng đúng lúc đó, tướng Hồ Vấn mang quân từ Vũ Cao (Bắc Giang) đánh úp quân Minh. Hoàng Trung không chống nổi, đến đêm bèn rút quân về. Song các tướng Đại Ngu là Hồ Xạ và Trần Đĩnh mang quân đóng chặn ở ải Chi Lăng.

Quân Minh bị mất đường về, buộc phải chấp nhận giao nộp Trần Thiêm Bình và sai Cao Cảnh đưa hàng thư, đề nghị mở đường cho về nước: "Quan tổng binh Hoàng sai tiểu nhân tới đây trình bày ngài biết việc này: Trước vì Thiêm Bình chạy sang triều đình tâu rằng hắn chính là con của quốc vương An Nam, vì thế mới sai đại binh sang chiêu dụ. Không ngờ trăm họ xứ này đều không phục, rõ ràng là hắn nói bậy. Nay lui quan quân về tâu với triều đình thì bị quan ải dọc đường ngăn giữ, nghẽn lối không qua được. Nay đem Thiêm Bình tới nộp, xin thả cho đi thì may lắm". Hồ Xạ nhận hàng thư bằng lòng nhận Thiêm Bình và mở vòng vây cho quân Minh rút lui.

Trần Thiêm Bình bị quân Đại Ngu bắt mang về. Khi bị tra hỏi gốc tích quê quán thuộc tổng nào, Trần Thiêm Bình im lặng không chịu nói. Kết quả Thiêm Bình bị nhà Hồ xử tội lăng trì. Những thuộc hạ đi cùng Thiêm Bình được xá tội và đưa vào Nghệ An cho làm ruộng. Việc Trần Thiêm Bình bị giết khiến nhà Minh tức giận và dùng làm cớ tiến đánh nhà Hồ.

8. Lê Chiêu Thống – Cõng rắn cắn gà nhà

Lê Chiêu Thống  (1765 – 1793), tên thật là Lê Duy Khiêm, khi lên ngôi lại đổi tên là Lê Duy Kỳ, là vị hoàng đế thứ 16 và là cuối cùng của nhà Lê trung hưng. Với khẩu hiệu phù Lê diệt Trịnh, sau khi lật đổ họ Trịnh, anh em Tây Sơn giao lại Bắc Hà cho vua Lê (1786), rồi rút quân về Nam. Vua Lê lúc ban đầu là Lê Hiển Tông, sau khi qua đời, Lê Duy Khiêm (Lê Duy Kỳ) được kế vị, hiệu là Chiêu Thống, năm ấy 21 tuổi. Nhưng Chiêu Thống không đủ uy tín và tài năng để cai quản đất nước. Bắc Hà rơi vào loạn lạc, Lê Chiêu Thống phải hết dựa vào thế lực này đến thế lực khác, từ Đinh Tích Nhưỡng đến Nguyễn Hữu Chỉnh. Khi Chỉnh bị Võ Văn Nhậm diệt, Lê Chiêu Thống bỏ chạy sang Quảng Tây, Trung Quốc, cầu cứu nhà Thanh.

Nhân cơ hội ấy, quân Thanh do Tổng Lưỡng Quảng là Tôn Sỹ Nghị cầm đầu kéo sang. Ngay khi vào Thăng Long, chúng đã chẳng coi Lê Chiêu Thống ra gì. Vua ta phải hằng ngày vào chực ở bản doanh của Tôn Sỹ Nghị để nghe lời sai bảo. Tuy vua Lê đã được phong Vương, nhưng giấy tờ đưa đi các nơi, đều dùng niên hiệu Càn Long. “Ngày ngày sau buổi chầu, vua lại tới chờ ở doanh của Nghị để nghe truyền việc quân, việc nước. Vua cưỡi ngựa đi trước, Lê Quýnh cưỡi ngựa đi sau, quân lính hộ vệ chỉ vài chục người.

Người trong kinh có kẻ không biết là vua. Hoặc có người biết, thì họ nói riêng với nhau rằng: “Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì viết là Càn Long, việc gì cũng do viên tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào Trung Quốc?”. Lại có hôm, vua tới yết kiến, Nghị không buồn tiếp, chỉ cho người đứng ở dưới linh các truyền bảo: “Hôm nay không có việc quân, việc nước gì. Hãy về cung yên nghỉ!” (Hoàng Lê Nhất Thống Chí). Đối với quân lính và bọn người Hoa ở Việt Nam, thì y lại dung túng cho chúng mặc sức làm điều phi pháp.

Vua Lê tuy biết sự tệ hại ấy, nhưng đã trót mời quân Thanh sang, chỉ sợ vì việc đó mà làm mếch lòng chúng, nên không dám nói gì. “Hoàng đế Quang Trung với chiến lược thần tốc, táo bạo đã đánh bại 29 vạn quân Thanh. Lê Chiêu Thống cùng gia quyến và các bề tôi trung thành lại chạy theo sang Trung Quốc, hy vọng cầu viện nhà Thanh một lần nữa. Nhưng lúc này, tình hình đã khác. Quân Thanh, mà thực chất là quân 4 tỉnh gần Việt Nam (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu), sau những trận Ngọc Hồi, Khương Thượng, Đống Đa… đã trở nên khiếp sợ vua Quang Trung và quân Tây Sơn.

Theo Hoàng Lê nhất thống chí, khi quân ta đuổi chúng đến Lạng Sơn, đã nói phao lên rằng: “Sẽ giết hết rợ Hung Nô”. Do đó, ở đất Trung Quốc, “dân chúng lại càng nhốn nháo. Từ cửa ải Nam Quan trở về bắc, trai gái già trẻ, bồng bế dắt díu nhau chạy trốn, suốt vài trăm dặm, lặng ngắt không còn bóng người” (Hoàng Lê Nhất Thống Chí).

Tôn Sỹ Nghị bị cách chức, vua Càn Long cử Phúc Khang An là một người thuộc đội “cờ viền vàng”, được vua rất tin dùng, làm tổng đốc Lưỡng Quảng, thay mặt triều đình lo việc kinh lý với An Nam. Ở triều đình thì việc này giao cho Hòa Khôn (tức Hòa Thân, viên quan nổi tiếng tham nhưng lại được vua Càn Long tin dùng) trực tiếp phụ trách. Cả hai tên này đều không thích gì việc đánh Việt Nam.

Mặt khác, sau đại thắng, Quang Trung tìm cách hòa hiếu. Ông sai Ngô Thì Nhậm thảo thư gửi Phúc Khang An, nói rõ ta không có ý đánh nhau mà thực ra lỗi thuộc về Tôn Sỹ Nghị. An bày cho ta đưa vàng bạc đút lót cho Hoà Khôn. Khôn liền tâu với vua Thanh xin bãi việc binh, phong vương cho Quang Trung.

Khôn nói: “Từ xưa đến nay, chưa có đời nào làm nên công trạng ở cõi Nam. Nhà Tống rồi nhà Nguyên, nhà Minh, rốt cuộc đều bị thua trận, gương ấy hãy còn rành rành” (Hoàng Lê Nhất Thống Chí). Ngô Thì Nhậm cho Nguyễn Quang Thực, cháu gọi Nguyễn Huệ bằng cậu, giả làm Quang Trung, sang yết kiến vua Thanh, dâng thêm hai thớt voi đực. Dọc đường, người Thanh phải phục dịch chuyển vận rất khó nhọc.

Trong ngoài ai cũng biết là giả dối, mà không ai dám nói. Đến Yên Kinh, “vua” Quang Trung (giả) được đón tiếp rất chu đáo (Càn Long không biết hay biết nhưng cố tình lờ đi?), được phong vương. Và như vậy số phận Lê Chiêu Thống đã sắp được định đoạt mà y không biết.

Trong khi ấy, Phúc Khang An giả vờ bảo Lê Chiêu Thống: “Ngày xuất quân không còn xa, vương nên tự mình đem tả hữu liêu thuộc làm quân dẫn đường đi trước. Nhưng bây giờ nên gọt đầu gióc tóc, thay đổi quần áo giống như người Trung Quốc, để khi về Nam quân giặc không thể phân biệt được, thì công lớn mới có thể thành. Sau khi khôi phục nước nhà, bấy giờ sẽ lại theo như tục cũ. “Việc binh không ngại dùng cách xảo trá” Vương nên nghĩ tới chỗ đó. ”Lê Chiêu Thống tưởng thật, vâng lệnh ngay, lại còn nói: “Chúng tôi không giữ được nước nhà, may nhờ thiên triều cứu viện, dù cả nước phải ăn mặc như người Trung Quốc, cũng xin vâng lệnh. Việc ấy còn có tiếc gì?” (Hoàng Lê Nhất Thống Chí).

Thế là Khang An bèn làm một tờ biểu kín tâu với vua Thanh, nói rằng vua An Nam không còn có ý xin cứu viện nữa, vua tôi đều đã gióc tóc đổi đồ mặc, xin ở lại yên ổn trong đất Trung Quốc. Vậy xin bãi bỏ các đạo quân định đưa sang đánh dẹp phương Nam. Hoà Khôn nhân dịp tâu xin phong vương cho vua Quang Trung. Vua Thanh chuẩn y.

Mùa hè năm Nhâm Tý (1792), con đầu của vua Lê lên đậu rồi mất. Vua Lê lo buồn sinh bệnh, thoi thóp nằm liệt không dậy được. Năm sau, bệnh nhà vua càng nguy kịch, rồi mất (Càn Long thứ 58, 1792), thọ 28 tuổi. Ngày 11/10, niên hiệu Gia Khánh nhà Thanh (1799), Thái hậu (mẹ Lê Chiêu Thống) cũng mất ở “Tây An Nam doanh”. Vua Thanh cho chôn cạnh lăng Lê Chiêu Thống. Năm Giáp Tý (1804), lúc này triều Tây Sơn đã mất, Nguyễn Ánh lên ngôi vua. Nhà Thanh cho Lê Quýnh cùng các quan tòng vong được đưa di hài Chiêu Thống về táng ở quê nhà và cho tất cả các người bề tôi trốn theo đều được về nước. Các bề tôi mở quan tài vua Lê Chiêu Thống (đã quàn 12 năm) thì thấy da thịt đã nát hết, chỉ có trái tim không nát, mà sắc máu hầu như vẫn còn đỏ tươi! (chi tiết này ghi trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí, không rõ thực hư thế nào).

Thế mới hay, xưa nay, kẻ chỉ coi trọng quyền lợi của mình mà cam tâm ngoảnh mặt với dân tộc, cam tâm làm tay sai cho giặc hay đem giặc vào nhà, phản vua hại nước, tham quyền cố vị đều có kệt cục thật bi thảm. Đó cũng được xem là bài học răn dạy cho con dân nước Việt muôn đời.

Ngàn năm vẫn còn ca tụng câu nói khí tiết của Trần Bình Trọng:

"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi”.