Quan hệ Mỹ - Trung thời Tổng thống Joe Biden: Chính sách cứng, tiếp cận mềm

Mỹ Hằng thực hiện Thứ ba, ngày 26/01/2021 08:15 AM (GMT+7)
Chính quyền mới của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn coi Trung Quốc là thách thức chiến lược và coi trọng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đó là phân tích của Tiến sĩ Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) về chính sách đối ngoại thời ông Biden.
Bình luận 0

Trở lại các thỏa thuận đa phương

Thưa Tiến sĩ Phạm Cao Cường, ông nhìn nhận chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Biden sẽ thế nào?

- Chính sách đối ngoại sắp tới của Mỹ phụ thuộc tầm nhìn của Tổng thống Biden và quan điểm của các quan chức như Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh Quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng…

Tầm nhìn của Biden được nêu ra  dựa trên 3 mục tiêu chính: 1/ Tăng cường nền dân chủ Mỹ, khôi phục khả năng lãnh đạo về đạo đức của Mỹ, củng cố hội nghị toàn cầu về dân chủ để đổi mới tinh thần và mục đích chung của các quốc gia trong thế giới tự do. Hội nghị này gồm 3 mục tiêu: 1/ Chống tham nhũng, chống chủ nghĩa độc tài gồm cả an ninh bầu cử, thúc đẩy quyền con người ở nước ngoài, bao gồm thúc đẩy các xã hội dân sự làm tiền tuyến bảo vệ DC Mỹ, thúc đẩy các tập đoàn tư nhân, truyền thông xã hội để thực hiện trách nhiệm duy trì xã hội dân chủ cởi mở.

Quan hệ Mỹ - Trung thời Tổng thống Joe Biden: Chính sách cứng, tiếp cận mềm - Ảnh 1.

Tiến sĩ Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

2/ Cần trang bị cho người dân Mỹ để thành công trong nền kinh tế toàn cầu, nên chính sách đối ngoại phải tập trung vào tầng lớp trung lưu, khác với chính sách của Trump chỉ phục vụ người giàu. Đối ngoại để phục vụ đối nội. Để thực hiện điều này cần xây dựng lại tầng lớp trung lưu vốn được coi là xương sống của kinh tế Mỹ; tập trung đổi mới sáng tạo; đảm bảo quy tắc lợi ích cho người lao động và các cộng đồng ở Mỹ.

3/ Đổi mới sự lãnh đạo của Mỹ nhằm huy động lực lượng toàn cầu để đối phó với mối đe dọa toàn cầu. Cần huy động lực lượng nào, đổi mới theo cách nào để đối phó kịp thời. Chính sách cần đảm bảo lợi ích Mỹ, nâng tầm ngoại giao Mỹ, khôi phục và hình thành quan hệ đối tác của Mỹ, tăng cường quan hệ với Châu Âu, Châu Á, Mỹ Latinh, Châu Phi, các liên minh đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, các nền dân chủ khác ở Châu Á; tại Trung Đông cần tăng cường quan hệ với Israel, tham gia hiệp ước kiểm soát hạt nhân; tập hợp lực lượng giải quyết khủng hoảng khí hậu hiện nay. 

Sau khi nhậm chức, ông Biden đã ký ngay các sắc lệnh về việc quay lại Hiệp định Paris, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tham gia với Nga về hiệp ước vũ khí tầm trung, vũ khí tên lửa chiến lược START… Chủ trương đường lối đối ngoại nói chung của ông là tham gia các thỏa thuận đa phương, các tổ chức thế giới, tăng cường các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương.

Với Trung Quốc, ông sẽ tiếp tục duy trì chính sách cứng rắn, nhưng các biện pháp mới có thể mềm mỏng hơn, giảm bớt căng thẳng thương mại nhưng gia tăng sức ép đối với vấn đề dân chủ nhân quyền ở Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia cho rằng ông Biden sẽ phải có những kế thừa trong chính sách của người tiền nhiệm về khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương tự do và rộng mở. Theo ông, tân Tổng thống Mỹ sẽ tiếp cận khu vực này ra sao, bao gồm cả vấn đề Biển Đông?

- Sau ngày bầu cử 3/11, ông  Biden đã trao đổi với một số đồng minh về chính sách với khu vực này, qua đó cho thấy, ông  vẫn coi trọng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng có sự thay đổi so với ông Trump. Trao đổi với Thủ tướng Australia Scott Morrison, ông Biden hứa giải quyết các thách thức bao gồm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn và thịnh vượng. Với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Biden mong muốn  củng cố liên minh Mỹ - Hàn Quốc, tạo nền tảng cho an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trao đổi với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ông cũng nói về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn thịnh vượng. Với Thủ tướng Nhật Suga, ông đề nghị củng cố liên minh Mỹ - Nhật vì Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thịnh vượng và an toàn. Tất cả cho thấy Biden vẫn coi trọng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng công thức "tự do và rộng mở" được thay bằng "an toàn thịnh vượng".

Quan hệ Mỹ - Trung thời Tổng thống Joe Biden: Chính sách cứng, tiếp cận mềm - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Cần theo dõi thêm nhưng cơ bản chính quyền Biden vẫn đặt trọng tâm về Châu Á, hướng đến Châu Á nhiều hơn. Sự thay đổi này quan trọng vì Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là khái niệm chiến lược quan trọng được nhiều quốc gia thừa nhận trước thách thức chiến lược mà Trung Quốc đặt ra. Ở khu vực này Mỹ có nhiều lợi ích, từ thị trường, quan hệ đồng minh, các thách thức an ninh có tác động với Mỹ, đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Về vấn đề Biển Đông

Trong các tuyên bố của ông Anthony Blinken trước đây, ông chủ trương - mà ông Trump cũng triển khai - là giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, tuân thủ các điều ước quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982. Nhưng có một điểm chưa rõ: Việc bổ nhiệm ông Campbell cho thấy, có khả năng Mỹ tiếp tục các biện pháp đối phó thách thức của Trung Quốc đến từ Biển Đông. Tôi cho rằng các chính sách ấy của Mỹ sẽ không thay đổi nhưng mức độ Mỹ thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc như thế nào thì phải xem chiến lược tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông như thế nào, xem phản ứng của họ với các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông hay với các nước láng giềng như thế nào.

Tuy nhiên cần nhấn mạnh, các quan điểm chính sách của Mỹ về Biển Đông sẽ không thay đổi nhiều, bởi các tuyên bố của các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ và các đạo luật của Quốc hội Mỹ đã cho thấy sự cứng rắn của chính quyền Mỹ dù là Trump hay Biden, vì đó là tuyên bố của Quốc hội, mà khi Quốc hội đưa ra đạo luật trừng phạt, họ yêu cầu có đánh giá của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao. Chính sách về Biển Đông từ Quốc hội sẽ không đổi, thậm chí có thêm đạo luật trừng phạt Trung Quốc.

Cụ thể quan hệ Mỹ - Trung sẽ theo chiều hướng như thế nào trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn căng thẳng chưa từng có thời gian vừa qua?

- Ông Biden cho rằng cần có quan hệ tốt với Trung Quốc và để có thể đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc và ngăn chặn khả năng Trung Quốc tham gia các liên minh, các khối do Mỹ dẫn đầu, thì Mỹ phải quay lại các diễn đàn quốc tế. Quan điểm của ông Biden về Trung Quốc đã được đưa ra nhiều trong các  tuyên bố tranh cử. Chẳng hạn tháng 5/2020 ông nói sẽ sử dụng thuế quan khi cần thiết, nhưng khác biệt với Trump là ông có chiến lược sử dụng thuế để chiến thắng chứ không phải để tạo ra sự cứng rắn. Ông cũng nói: "Tôi đặt các giá trị trở lại trung tâm trong chính sách đối ngoại, bao gồm cách chúng ta tiếp cận quan hệ Mỹ - Trung". Về Đài Loan, ông nói rằng Đảng Dân chủ cam kết thực hiện quan hệ với Đài Loan, tiếp tục ủng hộ hòa bình xuyên eo biển phù hợp lợi ích tốt nhất và mong muốn của người dân Đài Loan, nhưng việc ông mời một số quan chức Đài Loan tham dự lễ nhậm chức gây phản ứng rất lớn từ Trung Quốc. 

Một số quan chức khác của Mỹ như Kurt Campbell - người đặc trách các vấn đề  Châu Á - Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao, là người chủ trương chính sách xoay trục và tái cân bằng, ủng hộ quan hệ của Mỹ với Châu Á, đặc biệt Châu Á - Thái Bình Dương, nên Thái Bình Dương cũng nổi bật trong chính sách đối ngoại của Biden.

Kurt Campbell và tân Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan có bài viết chung trên tạp chí đối ngoại "Foreign Affairs" của Mỹ cho rằng, "mục tiêu là phải tạo các điều khoản chung sống thuận lợi với Bắc Kinh trong 4 lĩnh vực cạnh tranh chính: Chính trị, kinh tế, quân sự, quản trị toàn cầu". Điều này cho thấy quan điểm chung của Campbell và Jake Sulivan là cần hợp tác với Trung Quốc và đưa Trung Quốc vào quỹ đạo phát triển, kiềm chế Trung Quốc nhưng lôi kéo để Trung Quốc cùng thực hiện các quy định quốc tế và cam kết toàn cầu.

Còn tân Ngoại trưởng Blinken vẫn cho rằng Trung Quốc là thách thức, là mối đe dọa, nhưng Mỹ một mình không nên đối phó với Trung Quốc mà cần lôi kéo đồng minh tham gia liên minh đối phó thách thức từ Trung Quốc. Theo ông Blinken, kinh tế Mỹ chiếm 25% kinh tế toàn cầu, nếu huy động các đồng minh như Nhật và EU… thì tổ hợp đó chiếm tới 50 - 60% kinh tế toàn cầu, tạo nên sức mạnh lớn hơn mà Trung Quốc không thể bỏ qua.

Bài viết của Blinken và nhà bình luận chính sách đối ngoại Robert Kagan ngày 1/1/2019 cho rằng: Chính sách của Mỹ cần 4 trụ cột chính: Chính sách ngoại giao phòng ngừa và răn đe; tập trung coi trọng thương mại và công nghệ; huy động được đồng minh tham gia các tổ chức quốc tế; giải quyết được vấn đề nhập cư, người tị nạn. Quan điểm này được đưa ra từ trước khi ông Biden thắng cử, thể hiện quan điểm, tư duy riêng về đối ngoại của Blinken.

Như vậy chính quyền mới có thể mềm mỏng hơn về cách tiếp cận với Trung Quốc, còn họ vẫn cho Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, thậm chí là mối đe dọa. Blinken trong phát biểu mới đây đã ca ngợi chính sách của Trump và cho rằng Trump đúng khi nhìn nhận mối đe dọa từ Trung Quốc. Sự cạnh tranh Mỹ - Trung có thể còn rộng hơn nhiều so với việc chính quyền Trump chỉ tập trung vào thương mại và Covid-19, bao gồm cả cạnh tranh trong lĩnh vực quân sự, ngoại giao, công nghệ và thậm chí có thể cả ý thức hệ.

Nhưng điểm khác là Blinken rất chỉ trích cách tiếp cận của Trump rút khỏi các tổ chức quốc tế để Trung Quốc có thể nhảy vào lấp khoảng trống quyền lực. Blinken cho rằng cách tiếp cận đó sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ, quan hệ của Mỹ với các đồng minh. Theo ông để đối phó với Trung Quốc, Mỹ cần hợp tác với các nước khác, trong đó có các đồng minh cũ, Mỹ không nên đứng một mình để đối phó hoặc kiềm chế Trung Quốc, như vậy mới tăng tính hiệu quả của Mỹ.  

Trump đã cởi trói về tư duy của Mỹ với Trung Quốc

Ông đánh giá thế nào về khả năng bộ máy chính quyền của ông Biden khôi phục lại nước Mỹ sau 4 năm cầm quyền của ông Trump và sau dịch Covid-19?

- Để đánh giá vai trò của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thì tôi cho rằng Cộng hòa có nhiều tư duy đột phá hơn về tư duy chiến lược. Còn Dân chủ, chính sách thiên về các giá trị nước Mỹ. Ví dụ với George Bush con, khi phải đối diện với vụ khủng bố 11/9 thì ông đưa ra một số chính sách mới mang tính diều hâu, như đánh đòn phủ đầu, sáng kiến đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Thời Reagan, chính sách cũng khác hoàn toàn. 

Thời Donald Trump, ông đưa ra chính sách "Nước Mỹ trên hết" thể hiện sự khác biệt với chính quyền tiền nhiệm trong  quan điểm về các vấn đề thế giới hay Trung Quốc. Các chính quyền trước đây coi Trung Quốc là mối thách thức, nhưng ít chính quyền coi Trung Quốc là mối đe dọa một cách công khai, còn Trump tuyên bố thẳng Trung Quốc là mối đe dọa đến an ninh, là đối thủ cạnh tranh của Mỹ. Đó là sự cởi trói về tư duy của Mỹ với Trung Quốc, Mỹ không còn úp mở và sẵn sàng khẳng định sự đối phó, kiềm chế Trung Quốc. Chính sự cởi trói đó khiến các quan chức Mỹ đưa ra những đánh giá công khai về mối đe dọa Trung Quốc. Đó là sự khác biệt hoàn toàn mà không chính quyền nào đưa ra được. Chính vì thế mà Trump tạo ra sự đồng thuận trong Quốc hội về nhận thức đối với mối đe dọa Trung Quốc, dù Dân chủ hay Cộng hòa đều nhìn nhận Trung Quốc là mối đe dọa.

Thứ hai về kinh tế và chiến lược, Trump đặt nước Mỹ trên hết, tập trung khôi phục các chính sách trong nước. Các đời tổng thống khác tham gia các hiệp định thương mại tự do, còn Trump thấy ngược lại. Nếu đứng trên lợi ích của Mỹ thì họ cho rằng, họ bỏ nhiều tiền viện trợ cho các quốc gia khác trong khi chính họ gặp nhiều khó khăn, như nợ ngân sách lên rất cao, từ Covid-19 đến nay thất nghiệp tăng cao.

Chính sách của Trump khác với người khác là giảm thuế, mà theo quan điểm kinh tế học thì giảm thuế sẽ thúc đẩy sản xuất, kéo được đầu tư nước ngoài về, chi phí sản xuất giảm đi, có thể mở rộng sản xuất trong nước, từ đó mức đóng thuế lại tăng lên bù đắp cho ngân sách. Đây là chính sách Reagan đã làm và Trump lấy mô hình đó thực hiện. Năm 2019 Mỹ giảm thuế lớn, tạo nhiều công ăn việc làm. Nhà Trắng mới đây công bố 936 thành tựu của Trump trong đó có việc giảm thuế. Còn ông Biden thực hiện chính sách tăng thuế. Nếu so sánh, thu nhập bình quân hộ dân thời Trump tăng lên nhiều, thuế giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 2.000USD/người. Nhưng chính sách tăng thuế của Biden sẽ khó khăn, khônng thúc đẩy sản xuất.

Quan điểm của Trump với Biển Đông rất rõ. Đó là một bước đột phá chính sách của Mỹ với Trung Quốc. Mỹ thể hiện rõ quan điểm về tranh chấp Biển Đông, phản đối yêu sách chủ quyền 9 đoạn, không lấp lửng như thời Clinton hay Obama là không đứng về bên nào tranh chấp, mà chính quyền Trump trực tiếp phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, ủng hộ vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông.

Với chính quyền Biden thì mọi chuyện chưa rõ. Nhưng nhìn vào đội ngũ của Biden thì tính đổi mới, tư duy sáng tạo khá mờ nhạt. Dưới thời Trump, các cố vấn toàn người có đầu óc kinh tế, thực tiễn, còn của ông Biden toàn những người làm chính sách đơn thuần, không có thực tế. Ví dụ Trump có Peter Navarro, Rex Tilleson, Ross Perrot…, họ am hiểu thực tế kinh tế Mỹ nên tư duy họ đưa ra hoàn toàn khác. Navarro đã viết cuốn sách "Chết bởi Trung Quốc" - Death by China, sau cuốn sách đó Trump mời ông ấy làm cố vấn hội đồng kinh tế của Tổng thống, và chính sách của ông ấy có thay đổi hoàn toàn rõ rệt trong đối phó với Trung Quốc. Có thể nói đó là thành tựu của Trump.

Xin cảm ơn Tiến sĩ Phạm Cao Cường.

Dù là Đảng Cộng hòa hay Dân chủ thì từ trước tới nay quan hệ Việt - Mỹ vẫn theo hướng tích cực

Liệu quan hệ sẽ lên mức độ nào là phụ thuộc thiện chí và mục tiêu lâu dài của hai bên. Nhưng hiện nay dựa trên khuôn khổ hợp tác 2020 - 2025 sẽ được triển khai trên cơ sở lợi ích, chiến lược Mỹ với khu vực như thế nào, nhưng vẫn theo xu hướng tăng cường quan hệ.

Nhưng cần nhấn mạnh trong quan hệ có thể có thăng trầm, đặc biệt thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam rất lớn. Ngoài ra, chính sách nhấn mạnh dân chủ nhân quyền có thể là điểm phát sinh trong quan hệ thời gian tới.

Tiến sĩ Phạm Cao Cường

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem