Gia đình chị Đinh Thị Phương ở thôn Bắc Sơn, xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) theo nghề nuôi tằm ăn lá sắn từ nhiều năm nay.
Nhận thấy nghề này mang lại lợi nhuận kép, ngoài tiền bán sắn, mỗi năm còn cho thu nhập hàng chục triệu đồng từ nuôi tằm nên từ đầu năm đến nay, chị Phương đã đầu tư nuôi được 3 lứa tằm, mỗi lứa cho thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng.
Chị Đinh Thị Phương cho biết, vợ chồng chị trước đây làm công nhân tại TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công ty cho nghỉ vì không có việc làm.
Nhờ bố mẹ ở quê trồng được hơn 1ha sắn nguyên liệu, sau khi trở về địa phương, vợ chồng chị đã đầu tư nuôi tằm. “Trước đây bố mẹ tôi năm nào cũng nuôi tằm, nhưng năm nay nhường lại cho vợ chồng chúng tôi nuôi để kiếm thêm thu nhập”-chị Phương tâm sự.
Trong căn nhà cấp 4 của ông Đinh Quý và bà Tạ Thị Hiền (bố, mẹ chị Đinh Thị Phương) có diện tích khoảng 100m2, mọi đồ đạc gia dụng đều được sắp xếp gọn lại, nhường không gian cho việc nuôi tằm, kể cả khoảng sân có mái che cũng được lót bạt để nuôi tằm.
Hàng ngày, chị Đinh Thị Phương cùng chồng là anh Mai Khánh Dũng đi hái lá sắn về, sau đó rửa sạch rồi rải đều cho tằm ăn.
“Nuôi tằm không đến nỗi vất vả. Chỉ 5 ngày sau cùng khi tằm ăn lên thì phải hái thật nhiều lá sắn nên hai vợ chồng cùng đi, còn trước đó mỗi ngày chỉ cần một đến hai bao lá sắn là đủ. Một lứa tằm nuôi từ 15 đến 17 ngày là cho thu hoạch, cứ mỗi vòng trứng (0,1kg) thu được 800 đến 1.000kg tằm thịt, nếu bán được giá thì cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng”-chị Phương cho biết.
Chị Trần Thị Thủy ở thôn Xuân Phú, xã Sơn Hóa cũng nuôi tằm nhiều năm nay, năm nào chị Thủy cũng nuôi từ 4 đến 5 lứa tằm, mỗi lứa bình quân cho thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng. Theo chị Thủy, gia đình chị trồng được 1,5ha sắn nguyên liệu nên nguồn lá sắn dồi dào, nhờ vậy mới nuôi được nhiều lứa tằm.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hóa cho biết, toàn xã có hơn 200ha đất trồng sắn nguyên liệu. Trước đây, người dân trồng sắn chỉ đơn thuần để lấy củ bán cho nhà máy, nhưng vài năm trở lại đây, trên địa bàn xã có thêm nghề nuôi tằm ăn lá sắn, góp phần tăng thu nhập, hiệu quả trên một đơn vị diện tích, nhiều gia đình thu nhập từ nuôi tằm nhiều hơn tiền bán sắn.
Theo tính toán của những người nuôi tằm, cứ 0,1kg trứng tằm có giá thành 1 triệu đồng, sau khoảng 17 ngày nuôi có thể thu được 700 đến 1.000kg tằm thịt, trừ chi phí lãi còn 7 đến 8 triệu đồng.
Hiện toàn xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) có trên 100 hộ thường xuyên nuôi tằm. Đây là loại tằm ăn lá sắn, dùng để chế biến thực phẩm, có hàm lượng dinh dưỡng cao, được nhiều người ưa chuộng. Tận dụng nguồn lá sắn dồi dào để nuôi tằm, mỗi năm, người dân trên địa bàn xã Sơn Hóa thu về nguồn lợi khoảng 1,5 đến 2 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.