Quảng Bình: Phát huy nhiều nguồn lực tham gia giảm nghèo bền vững

Thùy Anh Thứ ba, ngày 28/03/2023 16:37 PM (GMT+7)
Không chỉ tận dụng các nguồn lực của địa phương, tham gia phát triển mô hình sản xuất kinh tế, Quảng Bình còn phát huy vai trò "gương mẫu đi đầu" của những người đứng đầu địa phương. Tất cả những hoạt động này góp phần mang lại hiệu quả tích cực cho công tác giảm nghèo.
Bình luận 0

Xây dựng tinh thần "chủ động giảm nghèo" cho người dân

Về xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) nhắc tới ông Hồ Phình, ở bản Kè không ai là không biết. Ông Hồ Phìn vốn là người đầu tiên được kết nạp Đảng ở địa phương. Từng là một hộ nghèo, nhà có 6 khẩu nhưng chỉ 2 sào đất trồng nên năm nào cũng thiếu đói nên ông thấu hiểu sự khốn khổ của người nghèo.

Không cam chịu cảnh nghèo đói, ông Hồ Phình tìm tòi thực hiện các mô hình phát triển kinh tế từ đó giảm nghèo bền vững cho gia đình. Từ khoản tiền 50 triệu đồng vay của Ngân hàng chính sách xã hội, ông mua giống bò, lợn và cây giống để trồng rừng. Qua nhiều năm tích lũy, ông Hồ Phình có 5 ha rừng cùng nhiều trâu bò, lợn gà. Ông còn trồng thêm lúa, ngô…, thu hoạch từ lúa đủ ăn quanh năm, ngô dùng cho chăn nuôi lợn, gà. Kinh tế gia đình cải thiện rõ rệt. Từ ngày kinh tế bớt khó khăn, ông tự nguyện xin "viết đơn thoát nghèo" nhường nguồn hỗ trợ ít ỏi cho người khác.

giảm nghèo quảng bình

Ông Hồ Phìn (đứng thứ 2 từ bên phải sang) đang tư vấn, vận động người dân vươn lên làm kinh tế giảm nghèo. Ảnh: T.H

Đáng nói, từ kinh nghiệm của bản thân, ông Hồ Phìn đã truyền dạy, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế giỏi tới người dân nghèo ở Mã Liềng. Nhờ đó mà nhiều người nghèo ở Mã Liềng đã được tiếp thêm sức mạnh để vươn lên thoát nghèo. Nhờ sự cố gắng bản thân, mới đây ông được bầu là Phó Bí thư Chi bộ bản Kè. Từ ngày nhận chức, ông Hồ Phình luôn nguyện hết mình với công việc và giúp đỡ bà con thoát nghèo.

Phát triển nhiều mô hình làm kinh tế, giảm nghèo bền vững 

Không chỉ dừng lại ở việc phát huy vai trò của người đứng đầu, tinh thần chủ động vươn lên thoát nghèo của người nghèo, tỉnh Quảng Bình xác định cần làm tốt hơn việc tạo việc làm, phát triển kinh tế, tăng thu nhập giảm nghèo.

Năm 2023, tỉnh Quảng Bình phấn giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,8%, tương ứng với giảm 2.045 hộ, số hộ nghèo còn lại là 10.810 hộ; hộ cận nghèo 0,5% tương ứng với giảm 1.285 hộ, số hộ nghèo còn lại là 10.963 hộ.

Giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động cũng là một trong những hướng đi giúp nhiều người nghèo thoát nghèo. Đơn cử như câu chuyện của các lao động ở xã Phúc Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) đi xuất khẩu lao động.

Để hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài huyện phối hợp với Trung tâm DVVL Quảng Bình tư vấn, giới thiệu về các chương trình đi làm việc ở nước ngoài cho lao động nghèo. Kết quả đã có hàng trăm lao động được đi làm việc ở nước ngoài. Xuất khẩu lao động đã mở ra hướng đi mới cho việc thoát nghèo, theo đó nhiều hộ gia đình có người xuất khẩu lao động đã vươn lên thành hộ khá.

Cùng với xuất khẩu lao động, xã cũng tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi và phát triển, mở rộng nhiều ngành nghề mới. Nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: lạc lai, ngô lai, các loại giống có năng suất cao đã được nhân rộng đã giúp người nghèo nâng cao thu nhập từ đó giảm nghèo bền vững.

giảm nghèo quảng bình

Mô hình chăn nuôi bò, dê sinh sản giảm nghèo ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Ảnh: NN

 Theo số liệu của Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình cho thấy, năm 2021, thực hiện chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm, tỉnh Quảng Bình đã phân bổ gần 700 triệu đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 3 dự án chăn nuôi thỏ sinh sản với quy mô 449 con thỏ giống cho 64 hộ tại xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch), xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) và xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy); phê duyệt 1 dự án trồng bưởi Phúc Trạch với quy mô 3,2ha cho 17 hộ mới thoát nghèo tại xã Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa)...

Năm 2022, các hội, đoàn thể trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình giảm nghèo. Đơn cử như: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình phối hợp với Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai trao nguồn vốn hỗ trợ sinh kế 20 hội viên phụ nữ khó khăn tại xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) mức 25 triệu đồng/hộ với tổng trị giá 500 triệu đồng. Thời gian nhận nguồn vốn hỗ trợ là 60 tháng (từ tháng 5/2022 đến 4/2027) với lãi suất 0,1%/tháng.

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ mà công tác giảm nghèo tại Quảng Bình đã đạt được nhiều thành tựu. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm mạnh, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh có 16.657 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,52% và 13.731 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,38% tổng số hộ toàn tỉnh.

Kết quả đến 31/12/2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,0% (đạt kế hoạch đề ra) với tổng số hộ nghèo còn lại là 12.855 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 4,76% với số hộ cận nghèo còn lại là 12.250 hộ.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem