Quảng Nam: Dân hối hả làm thứ bánh thờ tổ tiên, Tết đến sớm trên quê hương làng bánh cổ truyền An Lạc

Tuyết Nhung - Trần Hậu Thứ năm, ngày 07/01/2021 13:01 PM (GMT+7)
Đến hẹn lại lên, hàng chục hộ dân tại thôn An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam lại bắt tay vào sản xuất bánh in để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021. Hương thơm dịu ngọt của bánh nướng, hòa vào không khí nhộn nhịp của xóm làng, như đang báo hiệu mùa xuân đã về trên quê hương.
Bình luận 0

Nâng niu chiếc bánh cổ truyền

25 năm gắn bó với nghề làm bánh in tại làng An Lạc, ông Huỳnh Tấn Ánh (62 tuổi) chia sẻ, đối với người dân miền Trung, chiếc bánh in đặt trên bàn thờ tổ tiên là điều không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về. Xưa kia làng An Lạc có rất nhiều người làm bánh, nhưng đến nay chỉ còn vài hộ sản xuất thường xuyên. Vào dịp cận Tết, bà con trong vùng lại hối hả làm ra những mẻ bánh mới, kiếm thêm thu nhập.

Quảng Nam: Bánh in hút hàng, Tết đến sớm trên quê hương làm bánh cổ truyền An Lạc - Ảnh 1.

Cơ sở bánh in Lợi Phổ của ông Huỳnh Văn Ánh bận rộn mùa bánh Tết.

Cơ sở bánh in Lợi Phổ của ông Huỳnh Tấn Ánh có quy mô lớn nhất vùng, sản xuất quanh năm với nhiều loại bánh như: bánh in nếp trắng, bánh in đậu xanh, bánh dừa nướng, bánh da dẻo. Trong đó, bánh in đậu xanh là loại bánh cổ truyền bán rất chạy dịp Tết, các nhà nghề phải hoạt động hết công suất để kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Quảng Nam: Bánh in hút hàng, Tết đến sớm trên quê hương làm bánh cổ truyền An Lạc - Ảnh 2.

Vào dịp Tết, cơ sở của ông Ánh xuất bán 2-3 tạ bánh/ngày, gấp đôi so với ngày thường.

"Khi xưa làng nghề làm bánh hoàn toàn thủ công, nhưng hiện nay nhờ áp dụng máy móc hiện đại nên sản xuất thuận tiện hơn, gia tăng năng suất. Vào mùa bánh Tết, cơ sở của tôi phải tăng cường sản xuất, bán ra từ 2-3 tạ bánh/ngày, gấp đôi so với ngày thường", ông Ánh cho biết.

Những ngày cận Tết, xưởng bánh của ông Ánh luôn hoạt động nhộn nhịp với 15 nhân công (mức lương từ 4,5-7 triệu đồng/người/tháng). Nhờ chất lượng bánh thơm ngon nên nhiều đại lý nhận phân phối thường xuyên, đưa đi tiêu thụ nhiều nơi trên cả nước. Mỗi năm từ cơ sở sản xuất bánh truyền thống, ông thu lãi khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí.

Quảng Nam: Bánh in hút hàng, Tết đến sớm trên quê hương làm bánh cổ truyền An Lạc - Ảnh 3.

Những chiếc bánh in đậu xanh nhiều loại đa dạng có hoa văn, họa tiết bắt mắt.

Không sản xuất quy mô lớn như ông Ánh, cơ sở bánh Hạnh Nguyên của ông Đinh Xuân Cầm (67 tuổi) chỉ làm bánh in vào dịp cận Tết Nguyên đán. Ông huy động các thành viên trong gia đình tham gia vào các công đoạn sản xuất, phải thức khuya dậy sớm làm việc mới kịp các đơn hàng phục vụ Tết.

Quảng Nam: Bánh in hút hàng, Tết đến sớm trên quê hương làm bánh cổ truyền An Lạc - Ảnh 4.

Nguyên liệu làm bánh in gồm bột nếp, bột đậu xanh, đường cát, vani, bơ. Trộn đều hỗn hợp theo tỷ lệ 1kg bột: 1kg đường.

Ông Cầm cho biết: "Cơ sở của ông chủ yếu làm bánh in nếp trắng, bánh in đậu xanh. Nguyên liệu làm bánh in gồm bột nếp, bột đậu xanh, đường cát, vani, bơ. Trong đó, nếp hương được vuốt sạch, rang chín, sàn cho sạch cát bụi, xay bột. Đậu xanh bóc vỏ được rang vàng, xay nhuyễn thành bột. Tiếp tục cho vào máy trộn đều hỗn hợp gồm bột nếp, bột đậu xanh với nước đường (đã được thắng tới). Sau đó cho bột bánh in vào khuôn gỗ để cán tạo hình, đem bánh đi nướng và đóng gói".

Bánh in hút hàng dịp Tết

Theo ông Cầm, bánh in được dâng lên bàn thờ ông bà ngày lễ Tết, đồng thời cũng là món quà thân tình ngày đầu xuân nên được bán rất chạy. Hoạt động hết công suất mùa cận Tết, ông cung cấp cho các đại lý trong tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng từ 3-4 tấn bánh. Nhờ đó, gia đình ông có thêm thu nhập khoảng 25 triệu đồng và đón Tết đủ đầy hơn.

Quảng Nam: Bánh in hút hàng, Tết đến sớm trên quê hương làm bánh cổ truyền An Lạc - Ảnh 5.

Vào dịp Tết, cơ sở bánh kẹo Lê Tuấn sản xuất từ 2-3 tấn bánh in, cung cấp cho thị trường tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng…

Máy xay bột, trộn bột, máy in bánh, lò nướng đã giúp công việc làm bánh của người làng An Lạc bớt đi phần vất vả. Với những hộ có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, họ vẫn giữ phương thức làm bánh thủ công bằng việc tự tay in ra những chiếc bánh cổ truyền, có hoa văn mộc mạc, nhưng không kém phần tinh xảo. Hiện nay, giá bánh in bán sỉ dao động từ 7.000-20.000 đồng/gói, tùy loại.

Quảng Nam: Bánh in hút hàng, Tết đến sớm trên quê hương làm bánh cổ truyền An Lạc - Ảnh 6.

Làng bánh in An Lạc cung cấp cho thị trường hàng chục tấn bánh mỗi dịp Tết.

Vào mùa giáp Tết, hơn 20 hộ làm bánh in quy mô lớn và nhỏ tại làng An Lạc cung cấp cho thị trường hàng chục tấn bánh, tạo việc làm cho nhiều lao động cố định và thời vụ. Đối với công việc gõ khuôn bánh in thì được trả 300.000 đồng/ngày, công đoạn vô bánh là 200.000 đồng/ngày…

Bận rộn với mẻ bánh đậu xanh tại cơ sở bánh kẹo Lê Tuấn, anh Nhựt Trường (29 tuổi) phấn khởi nói: "Ngày thường tôi chủ yếu làm bánh da dẻo, nhưng để phục vụ thị trường tiêu thụ dịp Tết thì tôi tập trung sản xuất bánh in. Với 5 người tham gia làm bánh, tôi cung cấp cho thị trường từ 2-3 tấn bánh vào mỗi dịp Tết".

Quảng Nam: Bánh in hút hàng, Tết đến sớm trên quê hương làm bánh cổ truyền An Lạc - Ảnh 7.

Những gói bánh in được trang trí đẹp mắt, giá dao động từ 19.000-22.000 đồng/gói (tùy loại).

Cạnh nhà anh Trường là cơ sở bánh in Thanh Vân của bà Huỳnh Thị Bảy (56 tuổi), bà tâm sự, năm nay giá nguyên liệu và nhân công tăng, nhưng giá bánh lại khó tăng. Dự định năm sau bà sẽ đầu tư máy in bánh để giảm chi phí và gia tăng năng suất. Mọi năm, với sản lượng bánh Tết bán ra đạt 2 tấn, bà Bảy thu lời khoảng 15 triệu đồng. 

Càng cận Tết Nguyên đán Tân Sửu, người làng An Lạc càng tất bật để làm ra những chiếc bánh in truyền thống. Thức bánh ấy tuy dân dã nhưng đã trở thành đặc sản của xứ Quảng, mang hương vị Tết cổ truyền đến gần hơn với người dân mọi miền, gợi nhớ không khí ngày xuân ấm cúng, sum vầy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem