Quảng Nam: Lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, ngày đêm canh giữ lá phổi xanh
Quảng Nam: Lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, ngày đêm canh giữ lá phổi xanh
Văn Luật - Trương Hồng
Thứ ba, ngày 28/07/2020 16:19 PM (GMT+7)
Tại Quảng Nam, đến nay diện tích rừng chuyển đổi từ mô hình giao khoán cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng thôn sang mô hình chủ rừng tự tổ chức quản lý bảo vệ rừng thông qua hợp đồng với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là 222.796 ha; diện tích giao khoán cho các nhóm hộ, cộng đồng là 123.551ha.
Thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trong những năm qua các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng (BQL) đã ký kết hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng (BVR) với các hộ dân địa phương.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 46/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 về Quy định mức hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 – 2020; tiếp theo đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 266/QĐ-UBND ngày 24/01/2019 về triển khai thực hiện Nghị quyết 46/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018.
Để triển khai thực hiện các chủ trương trên đạt hiệu quả, từ giữa năm 2019 các Ban quản lý (BQL) đã từng bước chuyển đổi phần lớn diện tích giao khoán bảo vệ rừng cho nhóm hộ, cộng đồng thôn sang tự bảo vệ rừng.
Thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách
Từ hình thức hợp đồng giao khoán BVR với các nhóm hộ, cộng đồng thôn như lâu nay, vừa qua các BQL đã tuyển dụng khoảng 670 người/2.917 người vào lực lượng BVR chuyên trách. Phần lớn họ là những người có đủ sức khỏe, độ tuổi từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên người đang hợp đồng bảo vệ rừng chuyên trách tại các BQL và sinh sống tại địa phương, người có chuyên môn về lâm nghiệp; bộ đội, công an hoàn thành nghĩa vụ quân sự; dân quân tự vệ; thanh niên có trình độ học vấn từ lớp 9 trở lên.
Đặc biệt, có gần 90% là người địa phương tham gia lực lượng, với mong muốn cống hiến sức trẻ để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của Quảng Nam. Riêng tại hai huyện Nam Giang và Phước Sơn, lực lượng BVR chuyên trách đến nay là 330 người, chiếm khoảng 49% tổng số lực lượng BVR chuyên trách toàn tỉnh.
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, đến tháng 3/2020, địa bàn tỉnh có 9 BQL được phê duyệt phương án BVR chuyên trách với tổng diện tích 347.347ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi từ mô hình giao khoán cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng thôn sang mô hình chủ rừng tự tổ chức quản lý BVR thông qua hình thức hợp đồng với lực lượng BVR chuyên trách là 222.796 ha; diện tích giao khoán cho các nhóm hộ, cộng đồng là 123.551ha.
Để giúp cho các BQL thực hiện tốt công tác quản lý BVR trong lâm phận, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ đối với các lưu vực có đơn giá thấp dưới 400.000 đồng/ha/năm.
Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, lực lượng BVR chuyên trách của các chủ rừng sau khi được thành lập sẽ phối hợp cùng với lực lượng Kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ BVR trên phạm vi toàn tỉnh. Lực lượng này từng bước sẽ được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và trang bị các phương tiện bảo hộ, công cụ hỗ trợ để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách BVR.
Đây là lực lượng nòng cốt của chủ rừng thực hiện tuần tra BVR, triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác lâm sản và các hành vi vi phạm pháp luật khác về lâm nghiệp; thực hiện các phương án, biện pháp phòng chống chữa cháy rừng (PCCCR), đồng thời vận động, tuyên truyền người dân các địa phương tham gia BVR, PCCCR.
"Việc tuyển dụng con em địa phương vào lực lượng chuyên trách nhằm giải quyết công ăn việc làm, vừa phát huy lợi thế, kinh nghiệm của bà con trong công tác BVR. Trong các chủ rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đợt này có thêm 130 nhân viên BVR chuyên trách. Với lực lượng đông đảo trên, Khu bảo tồn này như được tiếp thêm sức mạnh trong việc BVR cũng như ngăn chặn, đẩy đuổi các đối tượng làm vàng trái phép lâu nay ngay trong khu bảo tồn…", ông Hưng chia sẻ.
Giữ rừng là giữ mái nhà chung
Anh Hôih Trần - nhân viên BVR chuyên trách Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh chia sẻ, sau khi xuất ngũ thì Trần được tuyển dụng vào lực lượng BVR chuyên trách để giúp sức bảo vệ rừng trên địa bàn được tốt hơn.
"Như nhiều nhân viên khác, tôi rất yêu thích công việc giữ rừng. Là người lính trở về, tôi rất tự hào vì được bảo vệ khu rừng của quê hương. Bản thân tôi sẽ phát huy sức trẻ, hết lòng với công việc để không phụ lòng mong đợi của các cấp lãnh đạo cùng nhân dân. Tôi thường nghĩ, mình giữ rừng như giữ mái nhà chung cho nhân dân…"- anh Hôih Trần tâm sự.
Ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh cho rằng, việc ra mắt lực lượng BVR chuyên trách có ý nghĩa với đơn vị trong xây dựng, củng cố lực lượng giữ rừng chuyên nghiệp hơn.
Ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam cho biết: "Việc chuyển đổi mô hình bảo vệ rừng từ nhóm hộ sang lực lượng chuyên trách như hiện nay là rất phù hợp. Vì đây là lực lượng nòng cốt của chủ rừng nhằm thực hiện việc tuần tra bảo vệ rừng, triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm, xâm hại đến rừng. Qua đó tăng cường hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm, nhất là trong bối cảnh thiếu biên chế như hiện nay…".
Việc thành lập lực lượng BVR chuyên trách là bước đột phá trong đề án sắp xếp lại lực lượng BVR của tỉnh Quảng Nam. Song song với việc thay đổi các mô hình quản lý BVR như hiện nay, thiết nghĩ chính quyền địa phương cùng các cấp cần có các cơ chế, chính sách mới tạo sinh kế cho người dân miền núi để giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên rừng, như phát triển cây dược liệu, lâm sản phụ dưới tán rừng, trồng rừng gỗ lớn, nghiên cứu đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên cơ sở phát huy các giá trị cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phi vật thể của các cộng đồng địa phương. Cùng với đó, phải đảm bảo nguồn thu nhập ổn định để những nhân viên BVR gắn bó lâu dài với công việc đặc thù này.
Tại buổi lễ ra mắt lực lượng BVR chuyên trách tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đánh giá cao những thành quả giữ rừng của Khu Bảo tồn và cho rằng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh có đầy đủ yếu tố thuận lợi để phát triển loại hình du lịch, bởi rừng nguyên sinh đẹp và lòng hồ thủy điện giàu tiềm năng.
"Sở NN&PTNT tỉnh cần phối hợp với các ngành, địa phương hoàn thiện đề án hỗ trợ trồng cây lấy gỗ làm nhà để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đúng tiến độ. Việc này nhằm giúp tránh tác động đến rừng tự nhiên…", ông Thanh nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.