Quảng Ninh: Ruộng cạn khô, mạ gieo rồi phải nhổ cho bò ăn vì không thể cày bừa

Hoàng Trình Chủ nhật, ngày 26/07/2020 14:15 PM (GMT+7)
Do nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích ruộng lúa ở các xã trên địa bàn thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) đang trong tình trạng khô hạn, nứt nẻ. Nông dân không thể cày bừa để vào vụ mới.
Bình luận 0

Thời điểm này mọi năm, nông dân ở xã Hoàng Tân (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã bắt đầu gieo cấy lúa vụ mới. Thế nhưng năm nay, do nắng nóng kéo dài, các cánh đồng ở xã Hoàng Tân không có nước về, khắp nơi đất đai cạn khô nứt nẻ.

Quảng Ninh: Ruộng cạn khô, nứt nẻ, mạ gieo phải nhổ đi - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân tranh thủ gieo mạ nhưng lại phải nhổ bỏ đi vì không có nước để cấy.

Bà Nguyễn Thị Định (thôn 4, xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên) cho biết, kinh tế của người dân ở đây vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa và hoa màu. Nguồn nước tưới tiêu trên địa bàn xã được đưa về bằng kênh dẫn nước từ hồ Yên Lập và một phần từ nguồn nước ngầm, bể chứa nước cũ của xã. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, kênh dẫn nước từ hồ Yên Lập nước về rất ít. Hầu hết đồng ruộng trên địa bàn xã Hoàng Tân đang thiếu nước nghiêm trọng.

"Nhiều hộ dân tận dụng nguồn nước ít ỏi để gieo mạ. Nhưng mạ lớn rồi, đồng rộng không cày bừa được nên lại phải nhổ về cho trâu bò ăn. Ruộng thì nứt nẻ để cỏ mọc xanh. Bà con chỉ đợi trời mưa, nước về thì mới xuống đồng được. Nhiều người phải chuyển sang làm nghề bóc vỏ hàu để bán kiếm tiền sinh sống" - bà Định cho biết.

Không căng thẳng như ở xã Hoàng Tân, tại xã Đông Mai (thị xã Quảng Yên), nhiều diện tích trồng rau của người dân vẫn có nước về, tuy nhiên nước ít hơn hẳn mọi năm. Người dân phải bố trí máy bơm để tận dụng số nước ít ỏi này tưới cho rau.

Quảng Ninh: Ruộng cạn khô, nứt nẻ, mạ gieo phải nhổ đi - Ảnh 2.

Trong các mương bê tông dẫn nước từ hồ Yên Lập hầu như không có nước.

Chị Cù Thị Lanh (khu Trại Cọ, phường Đông Mai, TX. Quảng Yên) cho biết, mọi khi cứ khoảng một tháng nước về 2 lần. Đầu tháng đóng rồi giữa tháng lại mở máy bơm. Đợt này nắng nóng liên tục thì họ mở nước mỗi tuần 1 lần. Bây giờ bà con đang vào vụ nên phải tận dụng tối đa nguồn nước để bơm vào ruộng, cày bừa để xuống giống.

"Đang vào vụ nhưng nước về rất ít, chúng tôi phải dùng bơm để tận dụng nước tưới. Nếu mấy ngày tới mà tiếp tục nắng nóng, hồ Yên Lập không còn nước thì nguy cơ bà con mất trắng vụ này", chị Lanh nói.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Hoàng Tân xác nhận, nguồn nước tưới tiêu để sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã từ đầu năm đến nay rất ít. Hiện nay bà con vẫn chỉ trông chờ vào nguồn nước được dẫn từ hồ Yên Lập.

"Chúng tôi cũng đã có báo cáo với Phòng Nông nghiệp thị xã Quảng Yên về việc này. Mặc dù không có nước tưới tiêu nhưng nước sinh hoạt trên địa bàn xã vẫn đảm bảo. Ngoài nguồn nước sạch từ nhà máy, bà con cũng chủ động tích nước bằng các nguồn nước ngầm hiện có. Chúng tôi cũng rất mong có mưa để bà con có thể xuống đồng đúng vụ", ông Việt cho biết.

Quảng Ninh: Ruộng cạn khô, nứt nẻ, mạ gieo phải nhổ đi - Ảnh 3.

Hầu hết các cánh đồng ở xã Hoàng Tân đều trong tình trạng ruộng khô nứt nẻ.

Không chỉ ở TX. Quảng Yên, nhiều cánh đồng ở TP. Uông Bí, TP. Hạ Long cũng phải trông chờ vào nguồn nước tưới từ hồ Yên Lập. Hồ Yên Lập có vị trí quan trọng, hằng năm cung cấp nước tưới tiêu cho trên 5.000ha tại TX. Quảng Yên, 180ha tại TP. Hạ Long... và cấp nước cho các nhà máy nước: Đồng Mây (TP. Uông Bí), Quảng Yên, Yên Lập, Đồng Đăng...

Hiện, mực nước hồ Yên Lập đang xuống ở mức thấp kỷ lục, trong khi một số địa phương bắt đầu làm đất gieo cấy vụ mùa. Trong khi đó, nhu cầu cấp nước sinh hoạt và các ngành kinh tế khác trong mùa Hè năm 2020 ngày càng tăng.

Theo tính toán của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập, với nhu cầu sử dụng nước hiện tại, trung bình một đợt mở nước hồ Yên Lập phục vụ sản xuất, công ty mở trong vòng 7 - 8 ngày. Tổng lượng nước mở một đợt khoảng 4 triệu m3. Với dung tích nói trên chỉ có thể phục vụ trong 4 đợt mở nước nữa. Đến cuối tháng 8/2020 nếu không có mưa, mực nước hồ sẽ ở mức chết, không thể mở nước phục vụ sản xuất.

Trước mắt, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập sẽ điều chỉnh giảm số ngày mở nước xuống còn 5 ngày/đợt, lưu lượng mở từ 6 đến 7 m3/s, ưu tiên cho nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt. Đối với từng đợt mở, công ty sẽ lập kế hoạch cấp nước luân phiên và có thông báo cho các địa phương để chủ động đón nước.

Ông Nguyễn Xuân Tùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập cho biết: "Trong 20 năm qua, đây là năm đầu tiên mực nước tại hồ xuống thấp kỉ lục như vậy, thấp hơn 7-8m so với cùng kì năm ngoái. Tình trạng mực nước thấp đã kéo dài khoảng 2 tháng nay, gần đây có một vài đợt mưa nhưng lượng mưa không lớn và không đáng kể. Chúng tôi khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm hơn trong thời gian này để cùng bảo vệ nguồn nước đang dần cạn kiệt".

Nếu hết tháng 8 vẫn không có mưa, vụ sản xuất lúa mùa trên địa bàn TP. Uông Bí, TP. Hạ Long, nhất là TX. Quảng Yên có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vậy, các địa phương cần có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm, thực hiện nạo vét, tăng sức chứa của hồ Yên Lập và các hồ chứa khác. Đồng thời, nâng cao ý thức người dân về việc sử dụng tài nguyên nước ngay cả khi không diễn ra tình trạng hạn hán như hiện nay.

Quảng Ninh: Ruộng cạn khô, nứt nẻ, mạ gieo phải nhổ đi - Ảnh 4.

Nắng nóng kéo dài những ngày qua đã khiến mực nước trong hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Quảng Ninh xuống thấp kỷ lục, nhiều khu vực cạn trơ đáy.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Tùng, mọi hoạt động cấp nước hiện tại đều đang dừng lại để tập trung cấp nước cho các hệ thống kênh, giúp bà con hoạt động hiệu quả trong việc sản xuất và lấy nước phục vụ cho sinh hoạt.

Ông Vũ Ngọc Hùng - Trưởng phòng Kinh tế UBND TX. Quảng Yên cho biết, ngay sau khi Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập có báo cáo về tình trạng mực nước chứa trong hồ, đơn vị đã yêu cầu các công trình thủy lợi tận dụng hiệu quả các đợt mở nước từ hồ Yên Lập. Tranh thủ lấy, trữ nước trên đồng ruộng để làm đất và gieo cấy vụ mùa theo phương châm: "Đưa nước đến đâu, làm đất và giữ nước gieo cấy đến đó".

Đồng thời, huy động các hộ dân sử dụng máy bơm cá nhân, chủ động bơm nước từ nguồn nước các kênh rạch phục vụ cho sản xuất, làm tốt công tác tuyên truyền đến từng hộ dân để thực hiện nguồn nước có hiệu quả, tiết kiệm khi nắng nóng còn kéo dài.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nhiều hồ đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt, sớm chạm mực nước chết nếu không có mưa trong thời gian tới. Trong đó, phải kể tới các hồ có nguy cơ cao như: Hồ Khe Cát, Khe Táu (huyện Tiên Yên), Trại Lốc 1, Khe Ươn 1, Yên Dưỡng (TX. Đông Triều), Tân Lập (TP. Uông Bí)....

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem